Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý giá xăng, dầu: Chờ câu trả lời thỏa đáng

Hương Ly| 11/04/2013 06:16

(HNM) - Giá xăng, dầu bất ngờ giảm 500 đồng/lít từ 18h ngày 9-4 sau khi tăng 1.400 đồng/lít ngày 28-3 một lần nữa khiến người dân đặt câu hỏi...

Người dân mong muốn việc điều hành giá xăng, dầu công khai, minh bạch hơn. Ảnh: Tuấn Anh


Băn khoăn chuyện tăng, giảm

Báo cáo do Bộ Tài chính công bố tại cuộc họp báo thường kỳ quý I diễn ra chiều 10-4 cho thấy, trong 3 tháng đầu năm nay, Liên bộ Tài chính - Công thương đã 4 lần sử dụng các biện pháp tài chính để giữ ổn định giá bán xăng, dầu. Bằng việc cho phép các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối sử dụng quỹ bình ổn giá (BOG) xăng dầu, mặt hàng này đã được giữ giá ổn định, góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Tính đến thời điểm ngày 28-3, mức sử dụng Quỹ BOG xăng dầu với mặt hàng xăng là 2.000 đồng/lít, với dầu diesel là 800 đồng/lít, với dầu hỏa là 1.150 đồng/lít, với dầu madút là 650 đồng/kg. Bộ Tài chính cũng cho biết, vào thời điểm ngày 26-2, giá xăng dầu thế giới tăng ở mức cao, nên giá bán lẻ trong nước thấp hơn giá cơ sở từ 1.000 đến 2.300 đồng/lít. Thời điểm này, lẽ ra phải điều chỉnh tăng giá bán từ 1.000 đến 2.300 đồng/lít xăng dầu. Tuy nhiên, để giữ ổn định thị trường, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu không tăng giá mà sử dụng Quỹ BOG để bù đắp.

Chính vì vậy, vào thời điểm ngày 28-3, mặc dù giá xăng dầu thế giới tuy có giảm, song vẫn ở mức cao; đồng thời vào thời điểm này, Quỹ BOG xăng dầu của các DN kinh doanh xăng dầu đã hết nên Liên bộ Tài chính - Công thương phải ra quyết định tăng giá mặt hàng xăng tối đa 1.430 đồng/lít. Giá các mặt hàng dầu cũng điều chỉnh tương ứng với giá thế giới. Ngoài nguyên nhân giá bán lẻ thấp hơn giá cơ sở, Bộ Tài chính cũng cho biết, việc giá xăng trong nước thấp hơn giá của các nước có chung đường biên giới với Việt Nam từ 2.000 đồng/lít đến trên 5.000 đồng/lít dẫn đến tình trạng buôn lậu xăng dầu diễn ra phức tạp.

Tuy nhiên, ngay sau khi giá xăng tăng 1.400 đồng/lít rồi sau đó giảm nhẹ 500 đồng/lít, dư luận lại một lần nữa đặt câu hỏi: Mức tăng, giảm giá nêu trên liệu có bảo đảm hài hòa quyền lợi ba bên của Nhà nước, DN và người tiêu dùng? Trong khi đó, mặc dù giá xăng tại thị trường Việt Nam có cao hơn với một số quốc gia có chung đường biên giới, song so với một số quốc gia khác, giá xăng A95 tại Việt Nam cũng đang cao hơn khoảng 2.200 đồng/lít.

Công khai việc sử dụng Quỹ BOG

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Hànộimới chiều 10-4 về việc vì sao giá xăng dầu luôn tăng nhanh và giảm... chậm trong khi lý do Quỹ BOG xăng dầu đã hết không đủ thuyết phục dư luận, bởi việc sử dụng quỹ này ra sao rất ít khi được công bố, Bộ Tài chính đã đưa ra những giải đáp ban đầu. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, vào thời điểm ngày 26-2, giá xăng bán lẻ thấp hơn giá cơ sở khoảng 2.300 đồng/lít. Thời điểm đó, mỗi lít xăng bán ra phải sử dụng 1.000 đồng tại quỹ bình ổn và tiếp đó phải trích thêm 1.000 đồng/lít xăng bán ra. Như vậy, để giữ ổn định giá xăng dầu thời điểm đó, Quỹ BOG phải bù 2.000 đồng/lít xăng bán ra. Về số dư của Quỹ BOG, trước thời điểm ngày 28-3 âm (-) 524 tỷ đồng và đến ngày 31-3, quỹ này -430,9 tỷ đồng. Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng khẳng định, việc trích lập và sử dụng Quỹ BOG hiện được thực hiện theo Thông tư 234 của Bộ Tài chính. Các DN kinh doanh xăng dầu phải báo cáo định kỳ việc sử dụng quỹ 3 tháng/lần. Ngoài ra, trong những trường hợp đột xuất, các DN có trách nhiệm phải báo cáo Bộ Tài chính về việc sử dụng và số dư của quỹ này.

Về câu hỏi của Báo Hànộimới liên quan đến việc giá xăng dầu Việt Nam đang cao hơn một số quốc gia trong khu vực, liệu Bộ Tài chính có tính toán phương án điều chỉnh giảm giá xăng cho phù hợp, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn hiện nay? Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, giá xăng của một số nước cao hơn Việt Nam là do đã thực hiện điều hành theo cơ chế thị trường. Các quốc gia có giá xăng rẻ hơn Việt Nam là do mặt hàng thiết yếu này vẫn được Chính phủ nước đó trợ giá.

Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, mặc dù thuế suất thuế nhập khẩu các chủng loại xăng dầu trong nước đang ở mức thấp hơn nhiều so với barem quy định nhưng để hài hòa lợi ích cho người tiêu dùng, Nhà nước và DN, trước mắt Nhà nước vẫn chưa khôi phục thuế suất thuế nhập khẩu. Trong thời gian tới, Liên bộ Tài chính - Công thương tiếp tục thực hiện điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, có quản lý của Nhà nước theo đúng các nguyên tắc, tại Nghị định số 84. Tùy theo diễn biến thị trường thế giới và trong nước, liên bộ sẽ linh hoạt điều hành đồng bộ các biện pháp về giá, Quỹ BOG để giữ ổn định giá xăng dầu, qua đó góp phần thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Mặc dù phương hướng điều hành giá xăng đã được cơ quan chức năng khẳng định song dư luận vẫn luôn mong muốn, việc điều hành giá mặt hàng thiết yếu này sẽ được thực hiện công khai, minh bạch hơn, qua đó góp phần giúp người dân hiểu và đồng thuận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý giá xăng, dầu: Chờ câu trả lời thỏa đáng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.