(HNM) - Thay vì áp giá trần, quản lý giá bán buôn, Thông tư 08/2017/TT-BCT (ngày 26-6-2017) quy định về kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em vừa được Bộ Công Thương ban hành tập trung vào quản lý giá bán lẻ đến người tiêu dùng.
Quy định kê khai giá sữa là yếu tố giúp bảo vệ người tiêu dùng. Ảnh: Giang Sơn |
Doanh nghiệp định giá, Nhà nước hậu kiểm
Theo ông Nguyễn Lộc An, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), so với các quy định trước đây, Thông tư 08 có nhiều đổi mới. Trong đó, thông tư tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp đối với hàng hóa của mình và chịu trách nhiệm đối với mức giá kê khai theo đúng chế độ hạch toán hiện hành. Doanh nghiệp khi nhập khẩu hay sản xuất sẽ phải đăng ký giá với Bộ Công Thương và các cơ quan có thẩm quyền cấp địa phương. Nếu thay đổi biên độ dưới 5% thì doanh nghiệp vẫn được điều chỉnh, nhưng phải thông báo và giải trình với cơ quan nhà nước theo phân cấp để các cơ quan này nắm được thông tin đầy đủ, liên tục đối với giá hàng hóa. Như vậy, từ nay doanh nghiệp được phép điều chỉnh tăng hoặc giảm giá khi các yếu tố “đầu vào” biến động làm tăng hoặc giảm chi phí sản xuất, kinh doanh. Điều này giúp doanh nghiệp chủ động hơn và giá sữa cũng được quản lý theo cơ chế thị trường.
Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sẽ giám sát và kiểm tra việc kê khai, đăng ký, thực hiện giá bán này. Bên cạnh đó, để phù hợp với thực tế nhưng vẫn bảo đảm sự quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thông tư đã quy định cho phép doanh nghiệp kê khai các mức giá phù hợp với địa bàn phân phối theo khu vực địa lý nhất định, hoặc theo đặc thù hoạt động phân phối. “Đặc biệt, đối với các loại hình phân phối có chi phí bán hàng cao thì thương nhân bán lẻ có thể kê khai giá bán lẻ của mình với cơ quan chức năng theo phân cấp, nhưng phải giải trình đầy đủ, cụ thể chi phí phát sinh này”, ông Nguyễn Lộc An nhấn mạnh.
Ông Matthew Garland, đại diện Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng của Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam đánh giá, Thông tư 08 đề ra một hướng quản lý mới, tập trung vào quản lý hệ thống phân phối và giá bán lẻ cuối cùng đến người tiêu dùng. Đây là tín hiệu tốt về cơ chế quản lý giá và cạnh tranh thị trường.
Sau khi Thông tư 08 có hiệu lực (từ ngày 10-8-2017), có thể thấy người tiêu dùng là đối tượng hưởng lợi ích lớn nhất cả về chất lượng (Bộ Công Thương quản lý cả việc công bố chất lượng sản phẩm, cũng như khi cần thiết phải thu hồi sản phẩm) lẫn giá khi các doanh nghiệp thực hiện các chiến lược cạnh tranh. Ngoài việc quản lý giá bán của hàng hóa, thông tư này cũng yêu cầu doanh nghiệp khai báo về hệ thống phân phối sản phẩm để giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát việc thực hiện giá bán trên thị trường, đồng thời gắn trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với chất lượng và giá hàng hóa đến người tiêu dùng.
Cộng đồng cùng kiểm tra, giám sát
Ghi nhận tại một số cửa hàng kinh doanh sữa trên địa bàn, đến thời điểm này giá sữa chưa có sự thay đổi. Anh Nguyễn Ngọc Minh, chủ cửa hàng kinh doanh sữa và đồ dùng trẻ em (phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng) cho biết, ngoài sản phẩm sữa Friso có điều chỉnh nhẹ về giá từ 3 tháng trước, các sản phẩm sữa khác vẫn ổn định, chưa thấy nhân viên hãng sữa nào thông báo về việc điều chỉnh giá.
Chị Phan Thu Hồng ở phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ, lâu nay gia đình chị thường mua sữa tại các siêu thị lớn vì giá niêm yết rõ ràng. Khi các hãng sữa điều chỉnh giá, các siêu thị đều nghiêm túc điều chỉnh theo quy định. Với quy định mới này, hy vọng các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có biện pháp quản lý hiệu quả đối với các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng...
Mặc dù nhận được nhiều phản hồi tích cực, nhưng Thông tư 08 vẫn còn những điểm khiến người tiêu dùng không khỏi băn khoăn. Trước những lo ngại về việc để doanh nghiệp tự đăng ký, kê khai giá, liệu có trường hợp gian lận, trục lợi, kê khai giá cao hơn thực tế, ông Nguyễn Lộc An cho biết, các yếu tố hình thành giá phải hợp lý. Ngoài Bộ Công Thương, các bộ, ngành khác như Y tế, Hải quan… sẽ cùng phối hợp kiểm soát. Riêng với việc các đại lý phân phối không kê khai giá, hoặc bán giá cao hơn mức giá khuyến nghị thì các đại lý đó vi phạm quy định về quản lý giá và sẽ bị xử phạt theo Nghị định 109/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực quản lý giá. Tới đây, Bộ Công Thương sẽ công khai trên website của Bộ về doanh nghiệp, mức giá… để cộng đồng cùng kiểm tra, giám sát.
Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết, thực tế các nhà phân phối cũng không thể dám chắc các cơ sở bán lẻ có thực hiện việc báo cáo giá với ngành chức năng ở địa phương về việc điều chỉnh giá quá quy định cho phép hay không. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải tự quản lý hệ thống phân phối của mình, kiểm soát giá trong mạng lưới. Với thông tư này, cơ quan quản lý đã có quy định để xử lý những trường hợp vi phạm.
Việc triển khai thông tư mới có thể nảy sinh những bất cập đòi hỏi tiếp tục phải tháo gỡ. Nhưng, đây là tín hiệu cho thấy nỗ lực của các cơ quan quản lý, địa phương trong việc kiểm soát giá đối với mặt hàng thiết yếu này, nhằm phục vụ tốt nhất cả người tiêu dùng và doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.