(HNM) - Ngày 3-9, giá xăng dầu lại tiếp tục giảm sau nhiều lần đã giảm trước đó. Tính từ lần tăng giá gần nhất ngày 19-6-2015, giá xăng RON 92 là 21.310 đồng/lít, so với giá xăng RON 92 hiện nay thì đã giảm khoảng 20%.
Với mức giảm như vậy hoàn toàn không có lý do gì để giá cước vận tải hành khách theo tuyến và taxi không giảm, bởi xăng dầu là nhiên liệu cần thiết cho phương tiện của loại hình vận tải này.
Thế nhưng, doanh nghiệp nào cũng có lý do để không giảm cước hay giảm không đáng kể. Có doanh nghiệp cho rằng, thay vì giảm giá, họ sẽ nâng chất lượng dịch vụ. Doanh nghiệp khác lại lý giải, phương tiện của họ mới đưa vào khai thác nên khấu hao lớn và tốn ít nhiên liệu hơn phương tiện cũ. Thậm chí có doanh nghiệp tuyên bố không giảm.
Với các hiệp hội vận tải, ngoài việc gửi công văn yêu cầu các doanh nghiệp hội viên giảm giá cước thì họ cũng kiến nghị cơ quan quản lý về sự thiếu công bằng trong kinh doanh vận tải nói chung. Tại sao vận tải hàng không, vận tải đường sắt cũng sử dụng xăng dầu nhưng không bị buộc phải giảm giá? Và cho dù các phương tiện truyền thông, dư luận không ít lần lên tiếng về việc "người tiêu dùng bị móc túi", các doanh nghiệp vận tải vẫn bình chân như vại. Rồi cuối cùng, UBND các tỉnh, thành phố phải sử dụng biện pháp hành chính là gửi công căn yêu cầu Sở Tài chính, Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp vận tải giảm giá. Vì sao doanh nghiệp chây ỳ? Rõ ràng họ có lý do.
Trong văn bản có tính pháp quy là Thông tư liên tịch 152 giữa Bộ Tài chính và Bộ GT-VT ban hành ngày 15-10-2014 "Hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ", tại Khoản 5, Điều 3 có ghi: Nếu doanh nghiệp tăng, giảm giá 3% so với lần đăng ký giá gần nhất thì không phải kê khai lại giá, chỉ cần báo cáo bằng văn bản với Sở Tài chính trước khi thực hiện. Nhưng nếu tăng giá trên 3% thì phải kê khai lại giá. Có vẻ quy định rất cụ thể, tuy nhiên lại thiếu hẳn điều kiện khi nào được tăng và khi nào phải giảm. Giá cước vận tải cấu thành từ chi phí đầu vào, gồm: Khấu hao phương tiện, tiền lương người lao động, nhiên liệu, chi phí sửa chữa bảo dưỡng, bảo hiểm xe, chi phí bến bãi…
Song, trong thông tư không có bất cứ mục nào quy định khi chi phí đầu vào giảm thì doanh nghiệp phải giảm cước. Và cũng không có mục nào quy định nhiên liệu chiếm bao nhiêu phần trăm trong yếu tố cấu thành giá, vì thế các chuyên gia bảo chi phí nhiên liệu chiếm 30-35% giá thành, nhưng doanh nghiệp khăng khăng chỉ là 20%... Chính vì thiếu quy định cụ thể nhiên liệu chiếm bao nhiêu trong cấu thành giá nên doanh nghiệp chây ỳ cũng dễ hiểu. Với các doanh nghiệp tự nguyện giảm cước thì họ giảm vì muốn tránh phiền phức, còn theo Thông tư liên tịch 152 thì họ chưa "tâm phục, khẩu phục".
Cũng chính vì có doanh nghiệp giảm giá cước, có doanh nghiệp không nên đã tạo ra thị trường vận tải thiếu minh bạch dẫn đến hành khách không biết đằng nào mà lần. Chỉ khi lên xe họ mới biết cây số đầu tiên của hãng taxi này bao nhiêu và cũng không thể biết nó đắt hay rẻ so với hãng khác. Tương tự, xe khách tuyến cũng như vậy, nhà xe quyết định giá nếu xuống dọc đường. Và thị trường không hoàn hảo đã tước quyền từ chối nếu dịch vụ tồi, giá cước cao, buộc các "thượng đế" phải chấp nhận.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, xăng dầu chiếm 30-35% chi phí đầu vào của các doanh nghiệp vận tải, vì vậy giá nhiên liệu tăng hay giảm tác động ngay tới doanh thu của doanh nghiệp và rộng hơn với cả nền kinh tế vì nguyên liệu không tự chạy đến nhà máy, sản phẩm không tự chạy ra các cửa hàng. Giá xăng dầu giảm thì chi phí đầu vào của sản xuất và dịch vụ cũng giảm, kéo theo giá hàng hóa giảm và khi hàng hóa giảm giá sẽ kích thích tiêu dùng, nếu xuất khẩu sẽ tăng khả năng cạnh tranh. Vì vậy rất cần cơ quan chức năng nhanh chóng điều chỉnh, bổ sung những khiếm khuyết trong các văn bản pháp quy, đồng thời sớm thay đổi cung cách quản lý để đưa lợi ích khi giá xăng dầu giảm vào nền kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.