Tổng kết công tác khám chữa bệnh của Bộ Y tế trong năm 2015 cho thấy, các chỉ tiêu tổng hợp như số lần khám bệnh, số bệnh nhân nội trú, ngoại trú, số ngày điều trị nội, ngoại trú, số phẫu thuật, thủ thuật, chẩn đoán, xét nghiệm… đều tăng so với năm 2014, đạt bình quân 2,34 lượt khám/người/năm.
Những cửa hàng thuốc tư nhân san sát nhau trên tuyến phố Quán Sứ (Hà Nội). (Ảnh: TTVN/Vietnam+) |
Như vậy, trong năm qua, mỗi người dân đạt bình quân có hơn 2 lần tới các cơ sở y tế khám chữa bệnh. Và mỗi năm, lượng thuốc được tiêu thụ trong khám chữa bệnh không hề nhỏ.
Tuy nhiên, thực tế trên thị trường thuốc biệt dược hiện nay vẫn còn nhiều “kẽ hở” khiến giá thuốc “nhảy múa,” thậm chí còn những tồn tại bất hợp lý mà những người bệnh đang hàng ngày phải âm thầm, "cắn răng" chịu đựng.
Đơn cử như, chỉ một lọ thuốc giá dưới 100 nghìn đồng mà giá bán giữa các hiệu thuốc đã có sự chênh lệch tới gần 10 nghìn đồng, thậm chí có những loại thuốc điều trị ung thư đã có sự chênh lệch giá giữa đơn vị được phân phối và giá bán tại đại lý chênh nhau tới gần 4 triệu đồng.
Những con số đó cho thấy, dường như người bệnh đang bị “móc túi” một cách khá… êm ái trong khi họ đang ngày đêm phải chiến đấu với bệnh tật.
Biệt dược giá cao chót vót, chênh nhau cả chỉ vàng
Việt Nam là quốc gia có cơ cấu dân số trẻ với tốc độ tăng trưởng GDP xếp hạng trên trung bình, có dân số đông thứ ba trong khu vực ASEAN, tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh. Một nửa dân số trong độ tuổi dưới 30 và sẽ bước vào giai đoạn già hóa trong 15 năm tới. Do vậy, thị trường dược phẩm tại Việt Nam đang trở thành mảnh đất lý tưởng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Nếu như công tác quản lý giá thuốc không tốt, sẽ gây ra thảm họa do chi phí y tế cao, người bệnh phải chi hàng triệu, thậm chí vài chục triệu đồng cho một đợt điều trị.
Theo thống kê của Bộ Y tế, số lượng thuốc sản xuất, lưu hành tại Việt Nam hiện có khoảng hơn 25.000 mặt hàng, với gần 1.000 hoạt chất. Mỗi hoạt chất có rất nhiều chủng loại, hàm lượng, quy cách đóng gói, dạng bào chế, nhà sản xuất khác nhau.
Giá Văn Miếu khác giá Ngọc Khánh
Từ ngã tư Hai Bà Trưng đến gần ngã tư Hàng Bông hay trên phố Phương Mai đoạn cổng sau Bệnh viện Bạch Mai hoặc trên đường Giải Phóng (Hà Nội) đều là những tuyến phố đều ken đặc các hiệu thuốc.
Thuốc Aerius được một cửa hàng niêm yết bán với giá 95.000 đồng. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Trong vai một người mua thuốc, phóng viên dạo qua nhiều cửa hàng thuốc khác nhau tại nhiều quận của Hà Nội. Cùng là loại thuốc Aerius, tuy nhiên ở mỗi một cửa hàng lại có một mức giá. Aerius được chỉ định để giảm nhanh các triệu chứng liên quan đến viêm mũi dị ứng, như hắt hơi, sổ mũi và ngứa mũi, sung huyết/nghẹt mũi, cũng như ngứa, chảy nước mắt và đỏ mắt, ngứa họng và ho...
Lọ thuốc Aerius được bán tại một hiệu thuốc lớn trên phố Hoàng Hoa Thám với mức giá 95.000 đồng. Cũng loại thuốc này khi hỏi mua tại hiệu thuốc M.T tại khu vực Nghĩa Đô (Cầu Giấy) lại có giá 83.000 đồng. Và khi phóng viên hỏi mua lọ thuốc này tại một cửa hàng thuốc trên đường Giải Phóng, giá bán lại đề 88.000 đồng.
Trong khi đó, trong bảng giá kê khai lại giá tại Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), Công ty Cổ phần dược liệu Trung ương 2 kê khai bán thuốc Aerius với mức giá là 78.901 đồng.
Một dẫn chứng khác, trong tổng hợp danh mục thuốc nhập khẩu kê khai giá thuốc tại Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) tính đến ngày 4/2/2016, cùng loại thuốc Avastin với tên hoạt chất là Bevacizumab lọ 100mg/4ml, có số đăng ký: VN1-131-09 của nhà sản xuất F.Hoffmann-La Roche Ltd, tuy nhiên doanh nghiệp Vimedimex 2 lại kê khai hai loại giá lần lượt là: 7.762.545 đồng và 7.173.810 đồng.
Như vậy, cùng một loại thuốc trên mà doanh nghiệp Vimedimex 2 công khai kê giá với hai mức khác nhau và chênh nhau tới gần 600.000 đồng?.
Một ví dụ khác, cùng loại thuốc Simulect có tên hoạt chất Basiliximab, hàm lượng 20mg, cùng có số đăng ký VN-9658-05, của hãng Novartis AG tiếp tục được doanh nghiệp Vimedimex 2 kê khai với 2 mức giá khác nhau là 28.268.710 đồng và 29.682.123 đồng, chênh nhau tới hơn 1,4 triệu đồng cùng một lọ thuốc.
Đó là mức giá kê khai tại Bộ Y tế, còn trên thực tế khi loại thuốc trên đến tay người bệnh giá bán lẻ sẽ ở mức nào?.
Nói về vấn đề giá thuốc hiện nay, ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội chia sẻ từ trải nghiệm thực tế của ông: “Bản thân tôi đi mua thuốc ở Hà Nội, tôi mới thấy có hai đặc thù của loại hàng hóa này. Thứ nhất là không mặc cả, thứ hai là ngay trong Hà Nội thì giá ở Văn Miếu khác và giá ở Ngọc Khánh khác, rõ ràng ở đây có chuyện chênh lệch giá. Nếu chúng ta không có bàn tay quản lý nhà nước ở lĩnh vực này thì chỉ có người đi mua thuốc là chịu thiệt thôi".
Theo ông Hùng, nhất là tình trạng nhập nhằng về giá, cùng một loại thuốc nhưng mỗi nơi một giá khác nhau. Trong nhiều phiên thảo luận về Luật Dược sửa đổi, nhiều đại biểu đề nghị việc sửa đổi Luật Dược lần này cần có các quy định để bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý giá thuốc, góp phần bảo vệ quyền lợi của người bệnh.
Biệt dược đắt hơn vàng
Chị Mai Thanh Hương ở Cẩm Khê, Phú Thọ cho hay, nhà chị có bố chị bị ung thư. Do ông đã 75 tuổi, nên các bác sỹ bệnh viện tuyến trung ương chọn giải pháp an toàn để điều trị cho ông bằng cách có thể lựa chọn điều trị bằng thuốc nhắm đích. Đó là thuốc điều trị ung thư thế hệ mới nhất của châu Âu để giảm bớt các tác dụng phụ trên cơ thể người già.
Một liệu trình của bố chị Hương dùng thuốc ba lần, mỗi lần dùng thuốc này với chi phí hơn 30 triệu đồng. Bố chị đã dùng ba lần, tốn gần 100 triệu đồng mà bệnh vẫn không giảm, các tế bào ung thư vẫn chưa được khống chế. Do đây là thuốc phát minh thế hệ mới nhất nên giá thành đắt và bảo hiểm y tế không chi trả. Gia đình cũng lựa chọn việc dùng thuốc này mong muốn để thuyên giảm bệnh cho ông. Tuy nhiên, kết quả điều trị không được như mong muốn.
Cuối cùng, sau đó bố chị Hương được các bác sỹ chuyển sang chỉ định dùng thuốc trong diện bảo hiểm y tế chi trả thì lại đáp ứng miễn dịch tốt, khống chế được các tế bào ung thư, trong khi đó chi phí thuốc lại rẻ hơn rất nhiều và được bảo hiểm y tế chi trả.
Hiện nay, trong “rổ” thị trường thuốc, những loại thuốc biệt dược có giá từ vài triệu đến vài chục triệu không còn hiếm mà khá phổ biến. Đơn cử như tại hiệu thuốc của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, thuốc Dipherilin dạng ống của Pháp có giá 7.854.000 đồng, thuốc Elonva lọ 150mg của Hà Lan có giá là 23.198.777 nghìn đồng, thuốc Vidatox Plus 1 lọ có giá là 9.345.000 đồng.
Theo doanh nghiệp báo giá tại Bộ Y tế, thuốc Avastin với tên hoạt chất là Bevacizumab lọ 400mg/16ml của hãng Roche được dùng trong điều trị ung thư có giá là 30.266.250 đồng. Hay như thuốc bột pha tiêm Herceptin lọ 440mg được chỉ định trong điều trị ung thư vú di căn của hãng Roche có giá là 45.596.775 đồng, thuốc Metalyse dạng ống 50mg 10ml của hãng Boehringer Ingelheim có giá là 25.748.100 đồng.
Tuy nhiên, cùng loại thuốc Herceptin lọ 440mg khi đến với đại lý phân phối, chẳng hạn như nhà thuốc T.L, ở quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh lại được rao bán công khai trên website với mức giá tròn trịa là 49.000.000 đồng. Như vậy, giá thuốc này khi thông báo giá ở Bộ Y tế và khi đại lý phân phối thuốc bán đến tay người bệnh đã có sự chênh lệch tới gần 4 triệu đồng một lọ thuốc.
Thuốc Herceptin lọ 440mg được một doanh nghiệp rao bán công khai trên website với mức giá tròn trịa là 49.000.000 đồng. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Không được mặc cả
Thuốc là một mặt hàng rất đặc trưng, bởi người mua dường như không được mặc cả, trả giá như các mặt hàng khác. Người dược sỹ đưa ra giá sao thì thanh toán vậy. Bởi vậy, người dân luôn trong tư thế thụ động. Thuốc giá cao, họ nói sao đành chấp nhận vậy.
Việc sử dụng thuốc biệt dược gốc đắt tiền với những bệnh nhân có điều kiện thì họ sẵn sàng chi trả, tuy nhiên, với những bệnh nhân nghèo thì dường như đây là một “cực hình” với họ.
Tại quầy thuốc Bệnh viện Nhi Trung ương, chị Nguyễn Thu Thảo và chồng ôm con mới hơn 1 tuổi xuống khám và điều trị vì viêm phổi. Trước khi được ra viện bác sỹ đã kê thuốc cho bé. Hai vợ chồng chị hồ hởi được xuất viện và ra hiệu thuốc mua thuốc về cho bé uống tiếp tục, tuy nhiên khi được nhân viên quầy thuốc yêu cầu thanh toán tiền thuốc với hơn 2 triệu đồng vợ chồng chị cứ lưỡng lự, đành cáo lui chưa thực hiện đơn thuốc đó vì không đủ tiền mua thuốc cho con sau thời gian bé nằm viện.
Không riêng gì chị Thảo mà có rất nhiều bệnh nhân khi cầm tờ hóa đơn mua thuốc với số tiền lớn tới mức họ không thể mua được hoặc chỉ dám mua ½ hay 1/3 lượng thuốc kê trong đơn đó. Như vậy, người bệnh sẽ không dùng thuốc đủ liều và việc điều trị sẽ không hiệu quả cao.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, đến tháng 12/2015, có tổng số 21.044 thuốc có số đăng ký còn hiệu lực. Trong đó, thuốc sản xuất trong nước là 11.566 số đăng ký, thuốc nước ngoài là 9.478 số đăng ký. Đáng lưu ý, thuốc có nhiều số đăng ký nhất là kháng sinh, hạ nhiệt, giảm đau, chống viêm, vitamin, thuốc bổ.
Đặc biệt, những loại thuốc biệt dược với số lượng thuốc chiếm tỷ lệ không nhiều nhưng giá trị sử dụng của nó lại chiếm lượng lớn tiền thuốc chi trả hàng năm. Những loại thuốc biệt dược có giá khá đắt đỏ, từ 500.000 đồng một viên đến 30-40 triệu/ống thuốc đặc trị.
Ông Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho hay, đến tháng 10/2015, giá trị thị trường dược phẩm của Việt Nam là 3 tỷ 436 triệu USD, trong nước mua nguyên liệu về sản xuất gần 50%, trị giá thuốc thành phẩm nhập khẩu gần 2 tỷ.
Và thực tế loại thuốc biệt dược đang được sử dụng và kiểm soát ra sao? Những con số vừa được ngành y tế công bố quả thật đáng để những người làm chính sách lưu tâm./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.