(HNM) - Sáng 26-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về nội dung dự án Luật Viên chức. Đây là dự án Luật đã được trình và thảo luận tại Quốc hội từ kỳ họp thứ bảy (tháng 6-2010). Qua quá trình tiếp thu, chỉnh lý, đa số đại biểu đánh giá cao cố gắng của Ban soạn thảo, thể hiện qua nội dung dự án Luật đã có nhiều tiến bộ.
Về phạm vi điều chỉnh của luật, đa số đại biểu thống nhất với nội dung chỉ điều chỉnh đối tượng viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) cho rằng, với xu thế cải cách hành chính, đối tượng viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập sẽ ngày càng giảm, vì vậy không nên đưa thêm đối tượng là những người làm việc tại các đơn vị ngoài công lập vào luật để nội dung điều chỉnh được cô đọng, đầy đủ và phát huy hiệu quả. Tuy vậy, cũng có đại biểu cho rằng luật nên điều chỉnh cả đối tượng là viên chức ngoài công lập. Đại biểu Bo Bo Thị Yến (đoàn Khánh Hòa) lập luận rằng, số viên chức làm việc trong khối ngoài công lập đang ngày càng tăng và đòi hỏi phải có luật điều chỉnh. Mặt khác, nếu chỉ quy định về viên chức công lập thì nên đổi tên luật thành Luật Viên chức Nhà nước...
Lo ngại về việc nội dung dự án luật quy định người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được giao nhiều quyền hạn có thể làm nảy sinh tiêu cực, các đại biểu cho rằng cần sửa đổi theo hướng khách quan hơn trong công tác quản lý đơn vị sự nghiệp công lập. Đại biểu Vi Thị Hường (Điện Biên) cho rằng, việc người đứng đầu đơn vị được giao toàn quyền đánh giá viên chức sẽ thiếu khách quan. Liên quan đến vấn đề này, các đại biểu quan tâm đến việc dự án luật đề cập đến việc thành lập hội đồng quản lý tại đơn vị sự nghiệp công lập, nhằm tăng cường cơ chế kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn sự độc đoán, chuyên quyền của người đứng đầu đơn vị.
Trình bày những nội dung thẩm tra dự án luật này trước Quốc hội, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cũng cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc cần tổ chức Hội đồng quản lý tại đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, để phù hợp với tính chất đa dạng của các loại hình đơn vị sự nghiệp, Quốc hội nên giao cho Chính phủ, căn cứ vào điều kiện cụ thể, yêu cầu quản lý đối với mỗi loại hình đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực để quy định việc thành lập, cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý phù hợp; quy định mối quan hệ giữa Hội đồng quản lý với người đứng đầu đơn vị.
* Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Kinh doanh bảo hiểm. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm lần này được dựa trên cơ sở đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành và xuất phát từ những nhu cầu bức xúc trong thực tế hoạt động. Qua thảo luận, các đại biểu đều thống nhất quan điểm cần thiết phải sửa đổi luật hiện hành, nhằm khắc phục những bất cập bộc lộ qua quá trình thực thi, đồng thời để phù hợp với những cam kết của Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Đại biểu Nguyễn Tiến Quân (Quảng Nam), Phạm Thị Loan (Hà Nội) nhận định, Luật sửa đổi bổ sung sẽ tạo thêm hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm thêm minh bạch và hiệu quả. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị, nội dung luật cần có những quy định phù hợp với thị trường trong nước, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và khách hàng bảo hiểm. Đại biểu Ngô Quang Xuân (Đồng Tháp), Phạm Trung Nhân (Cần Thơ) đề nghị cần có quy định để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam, trên cơ sở phù hợp với quy định của WTO.
Ngoài những vấn đề cơ bản trên, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến để nội dung luật làm rõ các khái niệm, vấn đề liên quan như: đào tạo đại lý bảo hiểm, "bảo hiểm qua biên giới", tái bảo hiểm, bảo hiểm bắt buộc. Đại biểu Nguyễn Tiến Quân còn nhấn mạnh, nên quy định mô hình kinh doanh bảo hiểm hợp tác xã...
Đại biểu Vũ Viết Ngoạn(đoàn Khánh Hòa), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Vụ Vinashin, ý kiến cực tả hoặc cực hữu đều không có lợi cho sự phát triển Sự đổ vỡ của Vinashin và sự yếu kém của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước có là thất bại về mặt chiến lược trong phát triển kinh tế, tôi cho rằng đây là một quan điểm mà chúng ta phải đánh giá đầy đủ kể cả những mặt được, chưa được. Vấn đề quan trọng là chúng ta đặt nó ở vị trí nào trong việc sử dụng các nguồn lực của quốc gia, trong tổng thể của cả nền kinh tế, cơ cấu kinh tế. Chủ trương của Đảng, các chương trình hành động của Chính phủ đều đã thể hiện rất rõ là phải tăng cường cổ phần hóa, giảm bớt doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, hiện chúng ta còn tranh luận về lộ trình. Cá nhân tôi cho rằng, chúng ta phải đúc kết kinh nghiệm qua quá trình triển khai thực tiễn, tránh tình trạng một số ý kiến quá cực tả hoặc quá cực hữu đều không có lợi cho sự phát triển của quốc gia, đất nước. Hiện nay một số doanh nghiệp nhà nước có hiệu quả sử dụng vốn không cao là do 2 yếu tố: sở hữu và quản trị. Đôi khi người ta cứ hay lẫn lộn giữa sở hữu và quản trị. Việc sở hữu đồng tiền bản thân nó không quyết định được đồng vốn đó hiệu quả hay không mà yếu tố quyết định là quản trị. Quản trị yếu kém rõ ràng dẫn đến tình trạng hiệu quả thấp. Nhưng tôi đồng ý là giữa sở hữu và quản trị có quan hệ với nhau... Tôi cho rằng, chúng ta chưa quan tâm đến yếu tố quản trị, cơ chế quản trị doanh nghiệp của chúng ta hiện nay còn lúng túng. Chúng ta phải đặt ra một quy chế quản trị doanh nghiệp, giám sát của Nhà nước và vai trò của quản lý nhà nước với vai trò chủ sở hữu, vai trò chủ sở hữu với quản trị kinh doanh… Đại biểu Đào Trọng Thi (đoàn Hà Nội), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Đơn vị sự nghiệp công lập nên thành lập Hội đồng quản lý Về vấn đề giao quá nhiều quyền cho đơn vị công lập và người đứng đầu trong tuyển sinh, tuyển dụng viên chức, theo tôi là không nên. Bởi lẽ, giao quyền tự chủ cho đơn vị ấy thì nội bộ đơn vị ấy phải hình thành một cơ chế để giám sát hoạt động của người thủ trưởng. Cách làm tốt nhất là thành lập một hội đồng quản lý, hoặc đối với các doanh nghiệp là hội đồng quản trị để hội đồng được thay mặt thủ trưởng cấp trên thực hiện một số quyền, chủ động trong cơ quan của họ, chứ không giao trực tiếp cho người thủ trưởng. Hiện nay chúng ta cũng đang có hình thức Hội đồng tuyển dụng. Hội đồng này có trách nhiệm tư vấn, nhưng có tiếng nói rất quan trọng trong công việc tuyển dụng. Bởi vậy, cho dù đơn vị ấy có được giao quyền tự chủ hay không thì trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, người thủ trưởng đơn vị vẫn nên tổ chức một Hội đồng tuyển dụng và không nên chỉ coi đó là những ý kiến tư vấn bình thường, muốn nghe hay không cũng được, mà phải nên coi đó là một ý kiến tư vấn có giá trị mang tính chất quyết định trong việc tuyển dụng viên chức. Tư Đôghi |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.