(HNM) - Hơn một tháng sau ngày khai giảng năm học 2013-2014, thông qua việc tổ chức 20 đoàn kiểm tra đột xuất tại các trường trên địa bàn, Hà Nội đã phát hiện một số sai phạm trong dạy thêm, học thêm (DTHT) và kiên quyết chấn chỉnh.
Hà Nội đang từng bước chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm. Ảnh: Bá Hoạt |
Kiểm soát chặt các nhóm trông học sinh ngoài giờ
Nhằm chấn chỉnh toàn bộ hoạt động DTHT trái quy định trên địa bàn thành phố, sau Quyết định số 22/2013/QĐ-UBND về DTHT của UBND thành phố, Sở GD-ĐT Hà Nội đã ban hành hướng dẫn quản lý, tổ chức trông giữ ngoài giờ đối với HS tiểu học Hà Nội. Văn bản này ra đời xuất phát từ nhu cầu thực tế của phụ huynh HS tiểu học, cũng là một đặc thù của Hà Nội so với nhiều địa phương trên cả nước. Đó là do cơ sở vật chất một số nơi chật hẹp, HS chỉ có thể học một buổi ở trường, buổi còn lại cha mẹ muốn nhờ cô trông giữ, điển hình như trường Lê Ngọc Hân, Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng). Cũng có trường hợp HS học 2 buổi/ngày nhưng cha mẹ có nguyện vọng gửi con sau khi kết thúc buổi học thứ 2 khi không có điều kiện đón về nhà đúng giờ. Trường hợp này phổ biến ở các trường khu vực nội thành.
Để tránh những hiểu lầm từ phía phụ huynh và dư luận xã hội, đồng thời tạo căn cứ pháp lý rõ ràng trong tổ chức thực hiện và quản lý, kiểm tra, Sở GD-ĐT Hà Nội quy định rõ: Khi có nhu cầu, cha mẹ đăng ký trên tinh thần tự nguyện; nhà trường, giáo viên không được dùng các biện pháp trực tiếp hoặc gián tiếp để gợi ý, ép buộc HS tham gia. Việc tổ chức các nhóm trông giữ không được tổ chức vào ngày thứ bảy, chủ nhật. Thời khóa biểu của các nhóm trông giữ HS cũng được niêm yết rõ với yêu cầu các nhà trường bắt buộc tuân theo để tránh gây căng thẳng, áp lực cho HS. Cụ thể, trong mỗi buổi, giáo viên chỉ được dành 1/3 thời gian để hướng dẫn HS tự học, 2/3 thời gian còn lại dành cho việc tổ chức các hoạt động vui chơi cho HS.
Phòng GD-ĐT là đơn vị chịu trách nhiệm về việc quản lý, chỉ đạo hoạt động trông giữ HS ngoài giờ học chính khóa các trường trên địa bàn, từ khâu thẩm định các điều kiện tổ chức đến việc kiểm tra mọi mặt hoạt động của các nhóm trông giữ HS ngoài giờ. Mối lo lớn nhất trong quản lý là việc các nhóm trông giữ HS ngoài giờ bị biến tướng thành các lớp DTHT, mà theo quy định của Bộ GD-ĐT, cấp tiểu học không được tổ chức DTHT. Vì vậy, để hạn chế tình trạng này, từ nay đến cuối năm học, lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết sẽ tăng cường thanh tra đột xuất các địa điểm trông giữ HS tiểu học ngoài giờ, nếu phát hiện sai phạm sẽ kiên quyết xử phạt đối với cơ sở vi phạm và cả đơn vị quản lý địa bàn.
Tăng cường thanh tra
Trước thềm năm học mới 2013-2014, trả lời phỏng vấn báo chí xung quanh những lo ngại về việc quản lý DTHT như "bắt cóc bỏ đĩa", Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định, năm học này sẽ quyết liệt chấn chỉnh tình trạng DTHT trái quy định thông qua việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, bao gồm: tăng cường quản lý giáo viên trong việc thực hiện chương trình dạy học, nghiêm cấm cắt xén chương trình để đưa vào dạy thêm hoặc ép buộc HS học thêm, điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản... Việc biên soạn chương trình, SGK để áp dụng từ sau năm 2015 cũng là một giải pháp căn bản góp phần khắc phục tình trạng DTHT tràn lan.
Tăng cường thanh tra là giải pháp được Sở GD-ĐT Hà Nội tập trung triển khai từ nay tới cuối năm học nhằm tạo nền nếp dạy - học ở các nhà trường trên địa bàn, đồng thời phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm về DTHT. Một tuần sau ngày khai giảng năm học mới, Hà Nội đã thành lập 20 đoàn kiểm tra. Trong số hơn 100 trường được kiểm tra, khá nhiều sai phạm liên quan đến DTHT đã được phát hiện. Cụ thể là khi xếp lớp để tổ chức DTHT không phân loại HS theo quy định (điển hình như THCS Trần Đăng Ninh); chưa kiểm tra đầy đủ và lưu giữ bài soạn của giáo viên dạy thêm, chưa có chương trình dạy thêm cho từng môn (THCS Thanh Mai, Hà Đông); dự toán kế hoạch thu - chi về DTHT chưa rõ ràng (THCS Phụng Thượng, Phúc Thọ), thu tiền DTHT quá mức trần, chi không đúng tỷ lệ quy định…
Trước đó, vào đầu năm học mới, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường trên địa bàn yêu cầu giáo viên ký cam kết không vi phạm các quy định về DTHT. Vì vậy, những trường hợp cố tình vi phạm sẽ phải chịu hình thức kỷ luật nghiêm khắc theo quy định. Theo kế hoạch, khoảng đầu tháng 11 này, Hà Nội tiếp tục kiểm tra, thanh tra hoạt động DTHT, trong đó sẽ lưu ý những đơn vị đã được "điểm mặt, chỉ tên" ở đợt kiểm tra vừa qua.
- Mức trần thu phí DTHT trong nhà trường: + Cấp THCS: thấp nhất là 6 nghìn đồng/tiết/HS (đối với lớp từ 40 HS trở lên); cao nhất là 26 nghìn đồng/tiết/HS (lớp dưới 10 HS). + Cấp THPT: thấp nhất 7 nghìn đồng/tiết/HS; cao nhất 32 nghìn đồng/tiết/HS. - Tỷ lệ chi tiền DTHT: 70% cho giáo viên trực tiếp giảng dạy; 15% chi công tác quản lý; 15% hỗ trợ điện, nước, vệ sinh và sửa chữa cơ sở vật chất. - Giáo viên dạy thêm không trực tiếp thu, chi tiền học thêm. Nhà trường tổ chức thu, chi và công khai thanh, quyết toán tiền học thêm thông qua bộ phận tài vụ. Mức chi và tỷ lệ phân bổ chi phải được Hội đồng giáo dục nhà trường thông qua và được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ hằng năm của đơn vị. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.