(HNM) - Hơn 85% hộ gia đình ở 5 tỉnh, thành của Việt Nam gồm Bắc Ninh, Tiền Giang, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Định và Lạng Sơn nhận thấy có tham nhũng trong quản lý sử dụng đất đai; 43% doanh nghiệp khẳng định cần có quà và chi phí không chính thức để có được chứng nhận quyền sử dụng đất...
Minh bạch trong quản lý và cung cấp thông tin sẽ góp phần hạn chế nạn tham nhũng đất đai. Ảnh: Phương Thanh |
Tham nhũng đất đai tăng lên
Phó Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Lis Rasmussen Rosenholm cho hay, thực trạng tham nhũng trong cấp sổ đỏ, theo nghiên cứu ở 5 tỉnh, thành phố trên là rất phổ biến. Đặc biệt là tại khu vực nông thôn đang phát triển và thành thị - nơi người sử dụng rất quan tâm đến việc lấy sổ đỏ vì giá trị của đất cao, có thể chuyển quyền sử dụng đối với đất phi nông nghiệp.
Thiếu thông tin chính thống, không minh bạch trong quản lý là cơ hội cho tham nhũng đất đai xuất hiện. Để chứng minh cho khuyến cáo này, vừa qua Ngân hàng Thế giới có tổ chức một cuộc khảo sát bằng cách truy cập vào tất cả trang web của Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương, cũng như trang web của UBND cấp tỉnh. Kết quả cho thấy, các thông tin, nội dung về quy hoạch, quản lý đất đai hầu như không có. Nơi nào đăng công khai thì sơ sài, dàn trải, lại không phải là những dữ liệu người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư mong đợi. Song hành với thực trạng trên là cơ chế quản lý, giám sát yếu kém.
Theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, minh chứng rõ nhất là trong khâu giao cấp đất. Hiện nay có ba hình thức giao đất. Đó là giao đất theo đấu giá, giao đất theo đấu thầu dự án và giao đất theo chỉ định trực tiếp cho nhà đầu tư. Tuy nhiên hầu hết các dự án đều được thực hiện theo cách sau cùng. Chi phí cấp đất theo phương thức này rẻ hơn rất nhiều so với cách đấu giá, đấu thầu và các chủ đầu tư sẵn sàng chi ra các khoản phí ngoại giao ngoài luồng để được xét duyệt. Đây là một trong những cách hối lộ, "ăn" tiền lớn, nhưng khó phát hiện. Còn tham nhũng vặt thì khá rầm rộ, diễn ra ở khâu hoàn thiện giấy tờ nhà đất. Đối tượng được hưởng lợi tập trung vào những người trung gian, đảm nhận khâu đăng ký các giao dịch về bất động sản. Tuy mức "cò" thu về không quá lớn do chi phí mỗi lần không cao, nhưng lại phổ cập, vì rất nhiều người dân cần đối tượng này giúp hoàn thành thủ tục.
Hai nghiên cứu - một kết quả
Kết quả trên hoàn toàn ăn khớp với một điều tra khác của Thanh tra Chính phủ tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, TP Hồ Chí Minh trong năm 2010. Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra cho biết, 84% số hộ gia đình trong cuộc nghiên cứu nói, hồ sơ chuyển nhượng đất của họ có trục trặc; còn 27% cán bộ trực tiếp xử lý hồ sơ nhận xét dân không hiểu luật.
Phân tích sâu hơn thì thấy thủ tục gắn với gia sản ấy của người dân thực sự phức tạp bởi mới 17 năm thôi (từ năm 1993), Nhà nước đã liên tục sửa luật, để lại năm loại hình, thủ tục giấy đỏ khác nhau. Đất đai quản lý lỏng lẻo, biến động nhiều, mua bán ngầm diễn ra phổ biến cần quan chức "hỗ trợ" hoàn thiện giấy tờ.
Hệ quả là trước sự rắc rối, phức tạp của thủ tục và thực tế mảnh đất của mình, 46% hộ dân được hỏi lựa chọn dịch vụ trung gian để làm sổ đỏ. Và càng giật mình hơn khi con số mà người dân phải chi cho dịch vụ trọn gói có trường hợp lên tới 50 triệu đồng. Còn nếu nhờ hoàn thiện hồ sơ hay đơn giản là chỉ nộp và theo dõi quá trình thụ lý thôi cũng phải mất từ 10-15 triệu đồng.
Có nghịch lý trong nhận định về tham nhũng
Đánh giá về thực trạng này, TS Nguyễn Mạnh Quyền, đại diện Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẳng thắn nói, có quan điểm không đồng nhất với Thanh tra Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2010. Báo cáo của cơ quan này cho thấy, tham nhũng có xu hướng giảm. Nhưng qua hoạt động giám sát, các kênh thông tin của mình, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khẳng định, mặc dù số liệu về các vụ việc được phát hiện ít dần qua vài năm trở lại đây nhưng điều đó không có nghĩa là tham nhũng giảm, bởi giá trị tài sản, tiền bạc, đất đai trong các vụ tham nhũng được phát hiện là rất lớn. Đã có hàng nghìn tỷ đồng, hàng nghìn hécta đất của Nhà nước bị thất thoát, sai phạm của hàng trăm cán bộ bị phát hiện và xử lý. Cả nước có 63 tỉnh, thành, trong khi đó chỉ mới có 26 tỉnh tự phát hiện tham nhũng. Tham nhũng ở lĩnh vực đất đai chiếm đến 70%, lại ngày càng tinh vi, khó phát hiện nên cần mổ xẻ, xem xét thấu đáo vấn nạn này.
Một điều đáng quan tâm nữa là việc xử lý hành vi tham nhũng cũng có nghịch lý. Có thể tìm thấy không ít người có hành vi tham nhũng nhưng "nhân thân" tốt nên cho hưởng án treo. Có vụ việc đang được cá nhân, tổ chức sai phạm khắc phục hậu quả thì cơ quan chức năng lại ra quyết định đình chỉ điều tra, bất chấp cả quy định của Luật Tố tụng hình sự. Thanh tra Chính phủ đã có cơ chế kê khai tài sản, thu nhập, tuy nhiên, việc kiểm soát lại còn quá nhiều bất cập, chưa có cách hạn chế nạn nhà đất của quan tham nhưng đứng tên người khác… hệ quả là Nhà nước bị thất thu một lượng ngân sách lớn, trong khi người nghèo sống lệ thuộc vào đất đai bấy lâu nay lại càng nghèo hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.