(HNM) - Những cố gắng thu hồi đất bãi sông Hồng bị chiếm dụng trái phép của chính quyền các địa phương có nguy cơ trở thành
"Lỏng một tí là bị chiếm ngay"
Từ năm 2004 đến nay, quận Tây Hồ đã ban hành 77 quyết định thu hồi đất thuộc các phường ngoài bãi sông Hồng với diện tích trên 62.000m2. Riêng trong năm 2011, quận đã ra 15 quyết định, thu hồi trên 4.000m2 đất bãi. Công tác quản lý đất bãi đã có nhiều chuyển biến như nắm được diện tích, xây dựng tường rào, có những điểm thuận lợi đã giao cho các doanh nghiệp thuê như Công ty Vận tải hành khách ABC thuê 7.000m2 ở phường Phú Thượng để làm bãi đỗ xe…
Các cấp chính quyền cần có những biện pháp xử lý nghiêm minh với từng trường hợp chiếm dụng trái phép đất bãi. Ảnh: Nhật Nam
Có ý kiến cho rằng, nếu phần đất bãi nào sau khi thu hồi cũng được giao cho các tổ chức, doanh nghiệp thì khâu quản lý có thể yên tâm. Nhưng vấn đề quản lý đất bãi tại Tây Hồ không đơn giản như vậy. Ngay cả đối với phần đất đã giao được cho các đơn vị, tổ chức sử dụng, quản lý, những vi phạm vẫn có thể xảy ra. Mới đây nhất, một số trường hợp được giao đất nhưng lại có dấu hiệu vi phạm quản lý sử dụng đất như chậm thực hiện dự án, sử dụng chưa đúng mục đích. Trong đó, UBND TP đã phải ra quyết định thu hồi tổng diện tích lên tới gần 6.000m2 liên quan đến 5 đơn vị gồm: Công ty cổ phần Hữu nghị, Công ty Vận tải ô tô số 2 (Đội xe 204), HTX cổ phần Hoa Sen, HTX Đại Thắng, Binh đoàn 16.
Tuy nhiên, dù sao khi giao đất được cho tổ chức, đơn vị, tình trạng vi phạm cũng ít xảy ra. Nếu có vi phạm, việc thu hồi, xử lý cũng dễ dàng hơn. Nên giải pháp thiết thực nhất là sau khi thu hồi, đất bãi nên được giao cho các tổ chức, đơn vị sử dụng, khai thác và quản lý. Nhưng vấn đề ở Tây Hồ hiện nay là sau khi thu hồi nhiều phần đất bãi không dễ để giao khoán được. Vì đất chưa có quy hoạch, không ai dám nhận để đầu tư lâu dài. Ông Đinh Trọng Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, đối với phần đất không giao khoán được cho tổ chức, doanh nghiệp sẽ do phường hoặc Trung tâm Phát triển quỹ đất của quận tổ chức quản lý. Biện pháp quản lý chỉ là quây lại bằng hàng rào tôn và để hoang hóa. Đến nay, UBND quận mới phê duyệt dự án xây dựng tường rào 4 điểm đất, nhưng đến nay mới thi công xong 2 điểm. Nhưng ngay cả các điểm xây tường rào này, hiện tượng phá rào, chiếm đất vẫn thường xuyên diễn ra. "Chỉ cần lỏng ra một tí là đất lại bị chiếm ngay. Từ khi tôi làm ở Tây Hồ, có những trường hợp phải giải tỏa mười mấy lần" - ông Đinh Trọng Sơn nói.
Đây là tình trạng mà nhiều quận, huyện có phần đất bãi sông Hồng như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh, Thanh Trì… phải quan tâm hằng ngày.
Quy hoạch có là chìa khóa?
Việc xử lý hình sự các vi phạm đất đai chắc chắn có tính răn đe rất cao. Tuy nhiên, lâu nay ngành công an vẫn cho rằng, việc xử lý hình sự các vi phạm đất đai như lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, nhất là đất chưa có quy hoạch rất khó khăn. Chỉ riêng việc xác định thế nào là vi phạm có tính chất nghiêm trọng đã là một thử thách. Trong khi "tính nghiêm trọng" lại không được định tính, định lượng một cách cụ thể. Đây là một "lỗ hổng" pháp lý cần khắc phục để hỗ trợ chính quyền địa phương trong công tác quản lý. Tại quận Tây Hồ, một số cán bộ bị kỷ luật, vài trường hợp bị xử lý hình sự liên quan đến khu vực 16ha ngoài bãi sông Hồng, nhưng hiện tại, vi phạm sử dụng đất đai tại đây vẫn còn rất nhiều, mới thu hồi được… trên 0,7ha. Trong khu vực 16ha này còn trên 400 hộ hiện đang sử dụng nhà, đất. Trong số đó có đến 50 trường hợp chưa xác định được chủ sử dụng, chính quyền địa phương cũng mới chỉ điều tra hiện trạng được… 22 trường hợp.
Quy hoạch chắc chắn là chìa khóa để quản lý lâu dài đất đai nói chung và đất bãi sông Hồng tại Tây Hồ cũng không phải ngoại lệ. Nếu đất hoang, không rõ mục đích, việc xử lý người vi phạm bằng pháp luật cũng không dễ dàng. Vì vậy, giải pháp quan trọng là phải xây dựng quy hoạch khu vực ngoài đê sông Hồng. Trước đây, có lý do là chưa có Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, nên chưa thể lập quy hoạch ngoài bãi sông Hồng được. Nhưng nay, quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, không có lý do gì để không thúc đẩy việc này. Đối với việc này, riêng quận Tây Hồ khó có thể làm được mà cần sự vào cuộc khẩn trương của các cơ quan TP Hà Nội và các bộ, ngành trung ương như Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng.
Tuy nhiên, trong khi chưa thể có những giải pháp căn cơ nhằm quản lý chặt chẽ đất bãi sông Hồng, nhiệm vụ hàng đầu trong việc quản lý thuộc về chính quyền địa phương, là UBND quận, UBND phường. Việc chưa có quy hoạch, khó giao cho tổ chức, đơn vị, xét cho cùng chỉ là cái cớ để giảm phần nào trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương. Dù phải xử phạt, cưỡng chế, giải tỏa bao nhiêu lần, việc bỏ lỏng hoặc chùn bước trước những trường hợp vi phạm đều là do năng lực, trách nhiệm của chính quyền địa phương. Vấn đề là địa phương cần phải huy động sức mạnh tổng hợp, trong đó cần thiết là tai mắt của nhân dân và sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Chỉ có xử lý nghiêm minh từng trường hợp vi phạm, không nương tay bất kỳ trường hợp vi phạm nào mới ngăn được những người có ý định làm trái pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.