(HNM) - Sự việc một người đàn ông 43 tuổi vừa bị tử vong khi hút mỡ bụng tại Thẩm mỹ viện Việt - Hàn (quận Cầu Giấy), một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về công tác quản lý lĩnh vực làm đẹp, nhất là vào thời điểm giáp Tết, khi nhu cầu chăm sóc sắc đẹp gia tăng. Để giải bài toán về quản lý các cơ sở thẩm mỹ, giám sát được những chiêu trò làm đẹp... đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả cơ quan chức năng lẫn người dân.
Quản lý thiếu và yếu
Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) cho biết, các spa hay kể cả Thẩm mỹ viện Việt - Hàn, nơi xảy ra trường hợp người đàn ông 43 tử vong chỉ là cơ sở chăm sóc da, massage, mua bán mỹ phẩm, không được phép thực hiện các dịch vụ xâm lấn có gây chảy máu hoặc tiêm, truyền, phẫu thuật. Trong những phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ đã được cấp phép cũng chỉ được thực hiện các thủ thuật ở vùng mặt, vùng cổ, như: Nâng mũi, tạo má lúm đồng tiền, sửa sẹo, cắt mí, phun xăm… Đối với các loại hình phẫu thuật thẩm mỹ: Hút mỡ bụng, hút mỡ chi, nâng ngực… chỉ được thực hiện tại các bệnh viện lớn.
Quy định như vậy, nhưng trên thực tế, các cơ sở làm đẹp đăng ký với tên gọi chung là thẩm mỹ viện dễ làm người dân hiểu lầm là có thể thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ. Hậu quả của sự “bát nháo” dịch vụ làm đẹp, khiến nhiều người chịu cảnh “tiền mất, tật mang”. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, thời gian qua, Sở đã tiếp nhận thông tin phản ánh về một số trường hợp tai biến, biến chứng từ làm đẹp như: Sốc nhiễm khuẩn sau tiêm giảm béo; cấp cứu do sốc khi hút mỡ bụng... Đơn cử tháng 10-2019, một phụ nữ 28 tuổi ở Hà Nội tìm đến thẩm mỹ viện trên đường Kim Ngưu (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) để nâng ngực bằng phương pháp cấy mỡ. Trong quá trình thực hiện, người phụ nữ này bị ngất xỉu, co giật đến 3 lần và may mắn thoát chết, sau khi được cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện Thanh Nhàn.
Theo ông Bùi Văn Xuân, Phó Trưởng phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội), hiện trên địa bàn thành phố có hơn 3.600 cơ sở hành nghề y và hơn 7.000 cơ sở hành nghề dược ngoài công lập, trong đó có 83 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ được Sở Y tế Hà Nội cấp phép và 10 bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ được Bộ Y tế cấp phép. "Số lượng cơ sở y, dược tư nhân, cơ sở làm đẹp quá lớn, trong khi phòng chúng tôi chỉ có 6 người, nên có cơ sở phải đến 10 năm mới kiểm tra được một lần", ông Bùi Văn Xuân nói.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa cho biết, Phòng Y tế quận không đủ lực lượng và trình độ kiểm tra hết hơn 500 cơ sở khám, chữa bệnh, nhà thuốc tư nhân và cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn. Có những cơ sở bị đình chỉ, nhưng chỉ một thời gian sau khi không có lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát lại hoạt động…
Đâu là cơ sở đủ điều kiện hành nghề thẩm mỹ?
Để nhận biết phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ đã được cấp phép hay chưa, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, theo quy định, biển hiệu tên phòng khám phải niêm yết đầy đủ giờ làm việc, tên bác sĩ phụ trách chuyên môn, có địa chỉ, giá dịch vụ, đặc biệt là phải có số giấy phép mà Sở Y tế đã cấp. Đây chính là những đặc điểm để người dân nhận diện cơ sở có đủ điều kiện để hành nghề hay không.
Dưới góc độ quản lý, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, Sở vừa có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo phòng y tế và các cơ quan chức năng liên quan tiến hành rà soát, kiểm tra toàn bộ hoạt động của các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, thẩm mỹ viện, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ trên địa bàn. Nếu phát hiện các cơ sở thẩm mỹ cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hoặc phẫu thuật, thủ thuật phải tiến hành thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; sau đó, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết.
Cơ quan quản lý đã có những biện pháp quản lý quyết liệt nhằm đưa các cơ sở làm đẹp vào nền nếp, không để xảy ra những sự cố đau lòng. Tuy nhiên để làm được điều này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, cần nhiều hơn nữa sự đồng hành của chính người dân. Nếu phát hiện cơ sở làm đẹp hành nghề không phép, người dân cần báo ngay cho Sở Y tế qua đường dây nóng: 024.39985765.
Ý kiến từ cơ quan quản lý là như vậy nhưng thực tế, dư luận vẫn chưa thật sự cảm thấy yên lòng. Đến bao giờ, các cơ quan có nhiệm vụ quản lý các cơ sở thẩm mỹ đủ người, đủ lực phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi trái phép, không còn mất oan những mạng người? Đến bao giờ không còn phải nhắc lại điệp khúc "cần sự đồng hành của chính người dân"? Đến bao giờ, người dân có nhu cầu tìm đến các cơ sở thẩm mỹ được bước chân ra về với dung nhan tươi tắn, đẹp đẽ hơn thay vì nằm trên chiếc băng ca lạnh lẽo? Rõ ràng, phải nhanh chóng và cương quyết dập tắt những "cảnh báo đỏ" quanh các cơ sở thẩm mỹ, trước khi quá muộn.
Hút mỡ ngày 27-12-2019 tại Thẩm mỹ viện Việt - Hàn, hiện một nữ bệnh nhân 28 tuổi (ở tỉnh Vĩnh Phúc) đang điều trị tại Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác trong tình trạng hoại tử thượng bì da mặt trong hai đùi. Đáng chú ý, ca hút mỡ này được tiến hành vào đúng ngày xảy ra vụ một người đàn ông 43 tuổi tử vong sau khi hút mỡ bụng tại chính thẩm mỹ viện này. Kết quả kiểm tra cho thấy, nguyên nhân của biến chứng là bệnh nhân đã bị hút sai lớp mỡ. Các bác sĩ tiến hành chăm sóc vùng tổn thương bằng thuốc chuyên biệt, kết hợp tiêm kháng sinh, chống viêm để ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng...
Chiều 3-1, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Đức Viên, Trưởng phòng Y tế quận Cầu Giấy cho biết, hiện Thẩm mỹ viện Việt - Hàn đã bị đóng cửa, niêm phong và tạm dừng hoạt động để cơ quan công an tiến hành điều tra, xác minh sau sự việc một người đàn ông 43 tuổi tử vong tại đây khi hút mỡ bụng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.