Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý chặt, xử phạt đủ sức răn đe

Nhóm PV Bạn đọc| 21/02/2011 07:07

(HNM) - Theo bảng xếp hạng chỉ số xanh của 22 thành phố ở châu Á do Tạp chí The Economist công bố vào sáng 14-2-2011, Hà Nội đứng trong nhóm



Ô nhiễm môi trường là một trong những nguyên nhân khiến Hà Nội không được xếp vào nhóm các thành phố Xanh Châu Á năm 2010.   Ảnh: Thu Giang


Ông Vũ Xuân Đậu (phường Trung Liệt, quận Đống Đa): Cơ hội để khắc phục…


Tôi cho rằng việc Tạp chí The Economist đánh giá, xếp hạng chỉ số xanh của thành phố Hà Nội dưới mức trung bình là dịp để mọi người cùng nhìn nhận, từ đó có ý thức tốt hơn đối với cộng đồng. Do công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị chưa bảo đảm yêu cầu, nên quá trình thực hiện các dự án đã gây ra những hệ lụy rất lớn đối với môi trường, xã hội, trong khi đó việc xây dựng vườn hoa, trồng cây xanh ở các khu đô thị (KĐT) lại rất chậm. Nhiều năm qua, thành phố đã có nhiều giải pháp làm "sống lại" các dòng sông, nạo vét ao hồ, cải tạo không gian mặt nước…, nhưng một số nơi, công trình vừa làm xong người dân lại thải rác xuống. Chúng ta cũng vẫn chưa có lời giải cho bài toán giao thông ở nội đô. Tôi cho rằng, Hà Nội đang ở vào thời điểm "thay da, đổi thịt", để đạt được tiêu chí "thành phố xanh", có lẽ cũng phải có giai đoạn "quá độ". Song để cải thiện được môi trường, các nhà khoa học, những người làm lãnh đạo phải đưa ra được các giải pháp mạnh và cụ thể, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bà Nguyễn Minh Ngát (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm): Các biện pháp xử phạt chưa đủ mạnh…

Kết quả bình chọn thành phố xanh tuy buồn, song lại là cơ hội để các cấp chính quyền và cơ quan chức năng đưa ra những quyết sách kiên quyết hơn. Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan và khách quan như ý thức người dân… còn có lý do khác, đó là việc các cơ quan chức năng xử lý những vi phạm về các lĩnh vực này chưa kiên quyết, cũng như chưa có cơ chế xử phạt mang tính đặc thù. Đơn cử, tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng, vứt rác bừa bãi ra đường và các điểm vui chơi công cộng; xả rác, nước thải sinh hoạt tràn lan, gây ô nhiễm nguồn nước… diễn ra phổ biến, nhưng hầu như mức xử phạt rất thấp. Trường hợp bị xử phạt nhẹ, không có tác dụng răn đe. Trong thời gian tới, nếu các cấp chính quyền và người dân Hà Nội không nỗ lực, quyết tâm khắc phục những nhược điểm đó, thì chắc chắn môi trường sống của Hà Nội sẽ không được cải thiện.

Bà Nguyễn Thị Dần (phường Phúc La, quận Hà Đông): Cần quy trách nhiệm cụ thể

Chúng ta mới nói nhiều đến ý thức của người dân cũng như điều kiện kinh tế chưa cho phép, còn trách nhiệm của người quản lý, nhất là quản lý về lĩnh vực môi trường thì chưa đề cập nhiều. Đã đến lúc phải quy trách nhiệm cụ thể cho từng cấp, từng ngành chịu trách nhiệm về từng lĩnh vực và đưa vấn đề môi trường vào chỉ tiêu xếp loại thi đua của các địa phương, đồng thời là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu địa pthương đó. Xã, phường, thị trấn nào để xảy ra ô nhiễm môi trường; rác, nước thải trong sinh hoạt, sản xuất xả tràn lan ra môi trường xung quanh, ngoài việc xử phạt người vi phạm thật nặng cũng phải xử lý người đứng đầu.

Ông Vũ Ngọc Thơ (xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa):Phải quản lý đồng bộ

Hệ thống nước thải của hầu hết các địa phương đều rất sơ sài, tùy tiện, nhiều làng nghề đổ thẳng nước thải ra sông, ngòi, không qua xử lý và rác được thu gom một cách thủ công, thậm chí xả tràn lan ra vườn, đường, ngõ xóm… Ngoài ra, tỷ lệ người nông thôn được dùng nước sạch cũng còn thấp, bảo đảm vệ sinh thực phẩm chưa thực sự trở thành thói quen ở nhiều vùng, miền… Để giải quyết những tồn tại này, phải có sự đầu tư đồng bộ từ cơ sở vật chất đến con người. Chúng ta phải xây dựng được ý thức tốt trong nhân dân và phải biết tận dụng triệt để những ao, hồ hiện có. Các cấp, các ngành phải tuyên truyền, vận động để người dân biết tiết kiệm nguồn năng lượng; giữ vệ sinh chung vì cộng đồng. Bên cạnh đó phải đồng bộ giữa tuyên truyền vận động với biện pháp xử phạt nặng.

Ông Nguyễn Minh Phương (phường Ngọc Lâm, Long Biên):Thay đổi từ ý thức

Theo tôi, một trong những nguyên nhân chính của tình trạng ô nhiễm môi trường sống ở Hà Nội hiện nay là do ý thức của người dân còn quá kém. Bất cứ ai đã từng sống tại Hà Nội đều quá quen với cảnh tắc nghẽn giao thông, các tuyến đường ven đô chìm trong cát bụi, khói mịt mù do khí thải từ các phương tiện xả ra; môi trường sống bị ô nhiễm do các nhà máy, bệnh viện… tập trung quá đông tại khu vực nội thành. Điều đáng buồn, Hà Nội có nhiều cây xanh lại không đủ tiêu chuẩn được công nhận là "thành phố xanh", bởi những hạn chế về nhận thức, sự kém cỏi trong ý thức chấp hành của đông đảo người dân. Do vậy, chúng ta phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đồng thời việc áp dụng chế tài xử phạt đúng mức để mỗi người dân hiểu được tầm quan trọng của việc giữ gìn, bảo vệ môi trường sống…

Bà Nguyễn Thùy Liên (phường Kim Liên, quận Đống Đa): Cần lắp đặt phương tiện theo dõi

Chúng ta buồn vì Hà Nội nằm ở cuối bảng xếp hạng "thành phố xanh của châu Á", nhưng cũng cần công bằng nhìn nhận những việc chúng ta đã, đang và sẽ làm để cải thiện môi trường Thủ đô. Cần phải có chế tài xử phạt đủ mạnh để răn đe những hành vi vi phạm. Tuy nhiên, để có thể xử phạt được những tập thể, cá nhân vi phạm, quy chế phạt rõ ràng mang tính đặc thù và phải cần có bằng chứng rõ ràng, cụ thể. Theo tôi, ngoài sự phát hiện, tố giác vi phạm của nhân dân, thì ở những điểm nhạy cảm, nơi tập trung đông người, tại các khu dân cư cần lắp đặt hệ thống camera theo dõi… Qua bằng chứng vi phạm, với cơ chế xử phạt hợp lý, chắc chặn tình trạng vi phạm môi trường sẽ giảm.

Ông Trần Công Thành (phường Quán Thánh, quận Tây Hồ):Mới có tuyến phố xanh…

Công bằng mà nói, Hà Nội của chúng ta mới có các tuyến phố xanh, con đường xanh, hoặc một khu vực xanh như một phần quận Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm. Những tuyến đường làm nên "thương hiệu" của Hà Nội và được chúng ta ra sức giữ gìn như phố Phan Đình Phùng, đường Thanh Niên, phố Lê Thái Tổ… chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng thể một thành phố đang phát triển, mới mở rộng. Việc để những "cống thoát nước thải" lớn chảy lộ thiên giữa lòng thành phố như sông Tô Lịch, Kim Ngưu nồng nặc xú uế đã khiến cảnh quan của thành phố bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chúng ta đang từng bước cải thiện môi trường của Hà Nội bằng các dự án kè hồ, cống hóa mương, trồng thêm cây xanh, xây dựng, cải tạo công viên… Đó là những việc làm thiết thực để cải thiện môi trường và cảnh quan Thủ đô, hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều hơn nữa công trình như vậy. Tuy vậy, chúng ta càng cần phải "cải thiện" chế tài quản lý để mỗi người buộc phải có ý thức bảo vệ môi trường Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quản lý chặt, xử phạt đủ sức răn đe

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.