Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý chặt nhà phát hành game

Anh Thái| 18/08/2010 07:06

(HNM) - Ngăn chặn tác hại của game online (GO) và khắc phục những bất cập trong công tác quản lý trò chơi trực tuyến này đang được TP Hồ Chí Minh thực hiện một cách quyết liệt. Các biện pháp quản lý do Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) đề xuất đã được HĐND TP đồng tình và UBND TP chỉ đạo thực hiện ngay. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở TT-TT về vấn đề này.

- Thưa ông, vấn đề GO tác động xấu đến xã hội đã được đưa ra ở nhiều kỳ họp của Quốc hội, của HĐND nhiều tỉnh, thành... Thế nhưng, các biện pháp dự kiến sẽ áp dụng lại gặp sự phản đối gay gắt từ các nhà sản xuất và một số cá nhân. Vậy là sao?

- Một số ý kiến cho rằng cơ quan nhà nước chủ trương cấm game và phê phán Nhà nước không quản được thì cấm. Tôi nghĩ họ đã hiểu sai. TP Hồ Chí Minh không cấm trò chơi trực tuyến mà cấm bạo lực có trong trò chơi. Luật pháp cấm bạo lực trong mọi lĩnh vực, bạo lực là phải cấm, thậm chí khi cần thiết còn phải xử lý hình sự. Có người cho rằng biện pháp mạnh như thế sẽ bóp chết ngành công nghiệp game non trẻ. Theo tôi, chúng ta chưa có công nghiệp game. Các doanh nghiệp mới chỉ mua game của nước ngoài về bán lại cho người tiêu dùng. Chúng ta mới chỉ có một DN sản xuất một trò chơi trực tuyến, DN khác có tham gia gia công cho sản phẩm của nước ngoài, đây mới chỉ là bước đầu của công nghiệp game. Biện pháp hạn chế nhập khẩu game của nước ngoài do TP Hồ Chí Minh đề xuất sẽ giúp cho DN trong nước có điều kiện sản xuất game. Hơn nữa trò chơi trực tuyến trong nước sẽ phù hợp với thuần phong, mỹ tục và phổ biến được văn hóa, lịch sử Việt Nam, khắc phục được tình trạng người Việt mà ít biết sử Việt nhưng lại biết lịch sử nước ngoài thông qua chơi game và xem phim ảnh nước ngoài. Ngoài ra, chúng ta còn tiết kiệm được số lượng ngoại tệ không nhỏ khi giảm nhập game.

- Vậy vì sao khi đã nhận diện tác hại của trò chơi trực tuyến mà cho đến nay chúng ta vẫn lúng túng tìm cách xử lý?
- Tôi khẳng định thành phố không lúng túng mà đã có biện pháp xử lý cụ thể và khả thi. Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý game. Thành phố kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ TT-TT xây dựng và công khai tiêu chí đánh giá mức độ bạo lực và cờ bạc. Trên cơ sở đó thẩm định lại trò chơi trực tuyến đang lưu hành cũng như thẩm định các trò chơi mới và chỉ cấp phép cho các trò chơi không mang tính bạo lực, cờ bạc. Về các biện pháp kỹ thuật, thành phố kiến nghị quản lý người chơi tương tự như quản lý thuê bao điện thoại cố định, dừng hoạt động của hệ thống cung cấp trò chơi từ 23 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Hiện nay, chúng tôi đã xác định các hành vi bạo lực của nhiều trò chơi trực tuyến và đang thực hiện các thủ tục để xử phạt các doanh nghiệp vi phạm. Đây là công việc khó khăn vì TP Hồ Chí Minh làm việc này đầu tiên trong cả nước và nhiều DN phát hành game chưa chịu hợp tác.

- Nhưng mới đây Bộ TT-TT đã trả lời trên báo chí là sẽ có những biện pháp cụ thể để tăng cường quản lý GO. Tôi nghĩ là những chuyển biến đang diễn ra khá tốt. 

- Một số kiến nghị Thủ tướng của TP Hồ Chí Minh đã được thể hiện qua các biện pháp quản lý mà Bộ TT-TT mới tuyên bố, tuy mức độ có khác nhau. Bộ chủ trương không cấp phép game mới cho đến cuối năm (thành phố đề nghị không nhập khẩu nhưng vẫn phát triển game trong nước); Bộ yêu cầu không quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng (thành phố đề nghị không quảng cáo dưới mọi hình thức); từ 23 giờ đến 6 giờ, TP Hồ Chí Minh đề nghị ngưng hoạt động máy chủ của các nhà phát hành game thì Bộ chủ trương cắt đường truyền đối với đại lý internet. Theo tôi, đây là việc các cơ quan quản lý tất yếu phải làm tuy quan điểm và cách làm có thể khác nhau.

Có thể nói, tăng cường quản lý đại lý internet là biện pháp đúng nhưng chưa đủ và không nên coi là biện pháp chủ yếu. Các đại lý internet dù sao cũng chỉ là những người bán lẻ game bạo lực. Để giải quyết tận gốc vấn đề, chúng ta phải quản lý chặt những nhà phát hành game, đây chính là đầu mối cung cấp game bạo lực. Việc cắt đường truyền của đại lý internet là chưa đủ cơ sở pháp lý. Chưa có quy định nào cho phép cắt đường truyền nếu người sử dụng không vi phạm pháp luật. Hiệu quả của việc cắt đường truyền có lẽ là không cao vì hiện nay số thuê bao internet tại gia đình và cơ quan chiếm đến 99%. Theo tôi, yêu cầu các nhà phát hành tắt hệ thống cung cấp trò chơi là biện pháp triệt để và khả thi hơn so với việc cắt đường truyền của đại lý internet.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quản lý chặt nhà phát hành game

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.