(HNM) - Vấn nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn thường xuyên xảy ra tại các địa phương trên cả nước.
Thiếu thực tế gây hậu quả khôn lường
Ngày 9-8-2013, Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư số 38/2013/ TT-BNNPTNT về Danh mục bổ sung các loại phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam. Theo thông tư, sẽ có 785 loại phân bón được bổ sung và 193 loại phân bón sẽ được thay thế. Trước ngày văn bản có hiệu lực (23-9-2013), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát ký quyết định ngừng hiệu lực thi hành đối với thông tư này. Trước những phản ánh từ cơ sở, ngày 24-9-2013, Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Cao Đức Phát đã ban hành Quyết định số 2171/QĐ-BNN- TTr về việc thanh tra trình tự, thủ tục ban hành Thông tư số 38. Ngày 19-12-2013, Đoàn thanh tra đã có Kết luận số 4513/KL-BNN-TTr nêu rõ những tồn tại, sai phạm của các cá nhân, tập thể có liên quan và kiến nghị các biện pháp xử lý.
Sản xuất phân urê tại Công ty Phân đạm và hóa chất Hà Bắc. Ảnh: Trần Hải |
Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN& PTNT) cho biết, theo kết quả xác minh của Đoàn thanh tra, có tới 660 loại phân bón (trong số 675 loại phân bón mới vừa được bổ sung được kiểm tra) không có biên bản kiểm tra của Cục Trồng trọt trong quá trình khảo nghiệm; 327 loại không có biên bản đánh giá đề cương khảo nghiệm của hội đồng cơ sở; 568 loại không có văn bản báo cáo của Sở NN&PTNT trước và sau quá trình khảo nghiệm; 660 loại thiếu diện tích khảo nghiệm diện rộng; 655 loại thiếu số lượng thí nghiệm khảo nghiệm… Đối với 180/193 loại phân bón sang tên, chuyển đổi chủ sở hữu, đổi tên phân bón (thiếu hồ sơ 13 loại), thì có 162 hồ sơ thiếu thủ tục.
Những kết luận của Đoàn thanh tra cho thấy sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên môn về lĩnh vực này. Phải chăng đây là khe hổng lớn giúp nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng tiếp tục hoành hành. Theo Bộ NN&PTNT, sai phạm lớn nhất tại Thông tư 38 là việc khảo nghiệm các loại phân bón. Và trên thực tế, công tác khảo nghiệm phân bón đang tồn tại nhiều bất cập. Việc khảo nghiệm chỉ là cái cớ để các đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón có đủ giấy tờ, chứng chỉ làm giấy "thông hành" cho mặt hàng này trên thị trường. Ông Trần Xuân Định, Cục phó Cục Trồng trọt cho rằng, công tác khảo nghiệm phân bón cần nhiều thời gian và triển khai thực tế. Người làm công tác khảo nghiệm phải theo dõi sát sao quá trình khảo nghiệm xem đủ điều kiện để đưa vào sử dụng hay không. Tuy nhiên, do cạnh tranh, nhiều trung tâm khảo nghiệm đã hạ giá thành khảo nghiệm để thu hút "khách hàng" khiến chất lượng khó có thể bảo đảm.
Việc tạm ngừng triển khai thông tư cũng đã khiến không ít doanh nghiệp sản xuất phân bón chân chính rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Để cho ra sản phẩm mới, Công ty TNHH Siêu phân bón tại Cà Mau đã đáp ứng đầy đủ các quy trình, thủ tục theo quy định. Khi Thông tư 38 ban hành, công ty đã sản xuất hơn 25.000 lít phân vi sinh nhưng việc dừng thông tư đã làm thiệt hại không nhỏ đối với công ty. Không chỉ có Công ty TNHH Siêu phân bón, nhiều doanh nghiệp phân bón khác cũng đang chịu cảnh tương tự.
Quản lý tận gốc
Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard), hiện mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 10 triệu tấn phân bón và số chủng loại phân bón được các doanh nghiệp đăng ký sử dụng và bán trên thị trường khoảng 5.000 sản phẩm khác nhau. Do vậy, việc quản lý phân bón theo danh mục là hết sức khó khăn. Để quản lý tận gốc lĩnh vực này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón, trong đó đưa ra những tiêu chí về sản xuất, kinh doanh phân bón và có hiệu lực từ ngày 1-2-2014. Theo đó, phân bón được quản lý bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn, thay vì quản lý theo danh mục trước đây. Cũng theo nghị định này, Bộ Công thương được giao quản lý sản xuất, kinh doanh và chất lượng phân bón vô cơ; Bộ NN&PTNT được giao quản lý sản xuất, kinh doanh, chất lượng phân bón hữu cơ và phân bón khác (hỗn hợp của phân hữu cơ và vô cơ, các loại phân bón khác). Bộ NN&PTNT hiện đã xây dựng xong Dự thảo thông tư hướng dẫn triển khai Nghị định 202 và đang lấy ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu, chuyên gia, cơ quan quản lý…
Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho rằng, để quản lý tốt mặt hàng phân bón, các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, nhằm đưa mặt hàng này vào khuôn khổ. Hy vọng rằng, thông tư mới của Bộ NN&PTNT lần này đủ sức thuyết phục, được triển khai bài bản, chính xác và không bị "chết yểu" như Thông tư 38…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.