Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý chất cấm trôi nổi: Cần "kế hoạch khẩn cấp"

Ngọc Quỳnh| 06/11/2015 06:54

(HNM) - Hiện nay, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản vẫn phổ biến, dẫn đến sản phẩm động vật, thủy sản bị tồn dư chất kháng sinh, chất độc hại gây nhiều nguy cơ đối với sức khỏe người tiêu dùng.



Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là yếu kém trong công tác quản lý, nhất là với chất cấm trôi nổi trên thị trường. Đây là những nội dung được thảo luận trong hội nghị toàn quốc công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) nông nghiệp, do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 5-11.

"Cha chung, không ai khóc"

Theo Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương đã phát hiện 1.000 mẫu thịt nhiễm Salbutamol, 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng cho phép; 10,3% mẫu có dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép. Ngoài ra, cơ quan chức năng đã tiêu hủy 9 lô sản phẩm nguồn gốc động vật nhập khẩu do không bảo đảm quy định an toàn vệ sinh thực phẩm; đình chỉ 1 lô sản phẩm nhập khẩu có dư lượng Chlorpyrifos.

Quản lý chất cấm trong chăn nuôi là rất cần thiết.


Tại Hà Nội, theo Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang, thực hiện chương trình giám sát chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản, từ đầu năm đến nay các ngành chức năng của thành phố đã lấy 1.461 mẫu, trong đó xét nghiệm cho kết quả 896 mẫu, phát hiện 38 mẫu vượt giới hạn chỉ tiêu ATTP (chiếm 4,24%). Ở bình diện cả nước, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Nguyễn Như Tiệp nhận định: Từ đầu năm đến nay, tình trạng vi phạm về ATTP không giảm mà còn ở mức báo động, đặc biệt là sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và tồn dư kháng sinh cả ở động vật, thực vật. Nguyên nhân chủ yếu là các địa phương chưa chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giám sát ATTP đối với các sản phẩm chủ lực. Tỷ lệ cơ sở sản xuất - kinh doanh nông, lâm, thủy sản chiếm loại C còn cao... gây khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc.

Theo Phó cục trưởng Cục Thú y Đàm Xuân Thành, qua kiểm tra thực tế tại các cửa hàng buôn bán thuốc thú y, cơ sở nuôi trồng thủy sản tại một số tỉnh Đồng Nai, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, TP Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều tồn tại như: Nhiều sản phẩm thuốc thú y, hóa chất và chế phẩm sinh học đang dùng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản không có trong danh mục lưu hành tại Việt Nam hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép sản xuất, kinh doanh. Nhiều sản phẩm thức ăn bổ sung có nhãn mác, thành phần không đúng với đăng ký, ghi thêm nhiều công dụng phòng, trị bệnh để thu hút người mua, tăng giá thành sản phẩm. Thức ăn bổ sung ghi nhãn quảng cáo, giới thiệu như: Siêu nạc, siêu tăng trọng, nở vai, nở ức… bày bán tràn lan. Thậm chí, nhiều cửa hàng thuốc thú y còn mua nguyên liệu kháng sinh và san chia tại cửa hàng thành các gói nhỏ để bán trực tiếp cho người nuôi trồng thủy sản, trong đó, một số loại thuốc không được phép sử dụng như Enrofoxacin. Tình trạng vắc xin tiêm phòng gia súc không được bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C theo hướng dẫn của nhà sản xuất diễn ra khá phổ biến; có trường hợp thuốc thú y bày bán chung khu vực với thuốc bảo vệ thực vật. Hầu hết cửa hàng bán thuốc thú y không có sổ sách theo dõi, ghi chép việc nhập và bán hàng, thuốc thú y nhập khẩu nhưng không dán nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa được quan tâm đúng mức hoặc kém hiệu quả do chức năng, nhiệm vụ quản lý được giao cho nhiều đơn vị, dẫn đến tình trạng "cha chung không ai khóc"...

Công khai cơ sở vi phạm

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, cần có kế hoạch khẩn cấp về kiểm soát tồn dư kháng sinh trong thủy sản và xuất khẩu. Theo đó, các địa phương và lực lượng chức năng tổ chức các đợt kiểm tra đột xuất nhằm phát hiện, triệt phá các cơ sở bán Salbutanol và Vàng O cho chăn nuôi; hóa chất, kháng sinh cấm, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật giả, ngoài danh mục. Các cơ quan thuộc Sở NN&PTNT tổ chức tái kiểm tra 100% cơ sở xếp loại C và xử lý công khai cơ sở tái kiểm tra vẫn loại C...

Một giải pháp quan trọng là tăng cường tổ chức tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về tác hại của việc buôn bán, sử dụng thuốc thú y, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học không đúng quy định; vận động người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản mua thuốc thú y, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học ở những cơ sở kinh doanh có uy tín, nguồn gốc rõ ràng, trong danh mục cho phép lưu hành. Ngoài ra, người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cần được hướng dẫn không sử dụng chất cấm; kháng sinh và thuốc dùng trong y tế để phòng, trị bệnh cho động vật trên cạn và thủy sản nhằm hạn chế tối đa dư lượng kháng sinh. Danh tính các tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi cần được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi thủy sản được biết, tránh mua hàng cấm, hàng ngoài danh mục, hàng giả, hàng kém chất lượng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý chất cấm trôi nổi: Cần "kế hoạch khẩn cấp"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.