Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây: Minh bạch thông tin sản phẩm

Ngọc Quỳnh| 26/03/2018 07:18

(HNM) - Thói quen dễ dãi trong mua bán của một bộ phận người dân... đã gây khó khăn cho việc kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm...

Nguy cơ tiềm ẩn

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội: Hiện diện tích cây ăn quả trên địa bàn thành phố là 15.726ha, chủ yếu tập trung ở hai vùng chính: Đồi gò và bãi ven sông của huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Mê Linh và thị xã Sơn Tây... Sản lượng mỗi năm đạt khoảng 230.000 tấn. Số này chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn thành phố. Số còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành phố và nước ngoài.

Lực lượng chức năng kiểm tra nguồn gốc trái cây bán ở cửa hàng Nông sản ngon.


TP Hà Nội hiện cũng có 2 chợ đầu mối lớn và 5 chợ hoạt động với tính chất đầu mối. Trái cây trong chợ có nguồn gốc nhập khẩu từ nước ngoài và các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ, tiêu thụ khoảng 150-200 tấn/ngày. Tuy nhiên, lượng trái cây vận chuyển từ các nơi khác về không được bố trí đủ diện tích nên các hộ kinh doanh đã tự ý mở các điểm tập kết, gây mất trật tự, an toàn giao thông xung quanh khu vực chợ mỗi khi nhập hàng. Ngoài lượng ít trái cây có chỉ dẫn địa lý rõ ràng, có thương hiệu và được bảo quản cẩn thận từ khâu thu hoạch đến tiêu thụ, còn lại đều đóng gói sơ sài, không có nguồn gốc xuất xứ, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang, nhiều cửa hàng kinh doanh trái cây nhỏ lẻ, thiết bị, dụng cụ bày bán thô sơ. Nguồn cung cấp trái cây tại các chợ dân sinh chủ yếu mua từ chợ đầu mối hoặc thu mua trực tiếp của người trồng trọt. Do đó, công tác kiểm soát, truy xuất nguồn gốc trái cây tiêu thụ tại chợ gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, theo quy định, sản phẩm trái cây tươi không phải ghi nhãn hàng hóa và thực hiện công bố hợp quy (trừ trường hợp nước xuất khẩu có yêu cầu, trái cây biến đổi gen hoặc qua chiếu xạ). Vấn đề này đã gây khó khăn cho việc quản lý, truy xuất nguồn gốc xuất xứ trái cây lưu thông trên thị trường. Đồng thời, số lượng các chuỗi cung ứng sản phẩm trái cây được chứng nhận an toàn theo quy định của Bộ NN&PTNT còn ít. Trong khi đó, nguồn lực dành cho hoạt động xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm trái cây an toàn còn hạn chế; chưa có nhiều cơ quan, tổ chức quan tâm thực hiện việc hướng dẫn, kết nối các nguồn cung cấp trái cây an toàn giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố.

Bà Nguyễn Thị Thanh - tiểu thương ở chợ Hà Đông cho biết: "Hằng ngày, cửa hàng bán buôn từ 1 đến 2 tấn quả các loại. Tuy nhiên, do chỉ bán buôn cho các tiểu thương, nên toàn bộ quả được đựng trong thùng giấy hoặc rổ nhựa tiện cho người tiêu dùng lựa chọn...".

Nâng cao nhận thức trong kinh doanh

Để quản lý việc kinh doanh trái cây ở các cửa hàng trên địa bàn thành phố, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Tới đây, các sở, ngành sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến tới 100% cửa hàng kinh doanh trái cây tại các quận để nắm rõ chủ trương của thành phố. Đồng thời, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối nhà phân phối, cơ sở kinh doanh Hà Nội với người sản xuất ở các tỉnh, thành phố có thế mạnh về trái cây đặc trưng, có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý rõ ràng để đưa về tiêu thụ tại Thủ đô. Ngoài ra, sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, phân phối trái cây sạch trong xây dựng và quảng bá thương hiệu; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai ứng dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc xuất xứ trái cây bằng các thiết bị di động.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT tiếp tục rà soát, đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, xác nhận cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh trái cây theo phân cấp. Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các chủ cửa hàng kinh doanh trái cây hoàn thiện những thủ tục, điều kiện kinh doanh, đáp ứng các quy định pháp luật và thành phố; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra quá trình sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh trái cây; quản lý, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm trái cây, bảo đảm truy xuất nguồn gốc tại chợ đầu mối; thu hồi, xử lý trái cây không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định.

Mặt khác, Sở tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn, tập huấn cho các đối tượng sản xuất thực hiện những quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm; thông tin về các hành vi mới trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trong quá trình trồng, thu hái và bảo quản. Qua đó, có giải pháp ngăn chặn những vi phạm về an toàn thực phẩm nhằm đưa việc kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố đi vào nền nếp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây: Minh bạch thông tin sản phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.