(HNM) - Làm thế nào siết chặt quản lý hàng trăm cơ sở thẩm mỹ
Nhập nhèm biển hiệu
Trên nhiều tuyến phố, trên mạng internet, tờ rơi quảng cáo..., xuất hiện vô số biển quảng cáo, thông tin về các cơ sở dịch vụ làm đẹp. Trong số đó có những thẩm mỹ viện (TMV) chỉ có chức năng chăm sóc da, tóc, trang điểm, làm đẹp da… cũng "lấn sân" sang lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ. Chính sự nhập nhèm giữa phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ và cơ sở chăm sóc sắc đẹp đã tạo điều kiện cho những ca phẫu thuật "chui" và các cơ sở chăm sóc sắc đẹp tìm cách lách luật, gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Chị em có nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ cần chọn những cơ sở có đủ điều kiện y tế đạt chuẩn và được cấp phép. Ảnh: Khánh Nguyên |
Theo tìm hiểu của phóng viên Hànộimới, hiện trên địa bàn Hà Nội tồn tại hai loại hình cơ sở làm đẹp. Loại thứ nhất là phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ - do Sở Y tế cấp phép, đồng thời quản lý trực tiếp và loại kia là cơ sở chăm sóc sắc đẹp, bao gồm: Các TMV, spa, cơ sở chăm sóc da, cơ sở massage..., do UBND quận, huyện cấp phép kinh doanh và quản lý. Theo quy định, phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ chỉ được làm các tiểu phẫu như: Cắt mí mắt, nâng mũi, làm cằm chẻ, làm lúm đồng tiền..., không được làm các phẫu thuật lớn như căng da mặt, hút mỡ, nâng ngực… Ngoài ra, những phẫu thuật thẩm mỹ có gây mê đều bắt buộc phải làm ở bệnh viện. Tuy nhiên, ngay cả phẫu thuật thẩm mỹ ở bệnh viện cũng chỉ được làm những kỹ thuật trong danh mục được Sở Y tế thẩm định, cho phép. Còn những cơ sở làm đẹp chỉ được phép làm các dịch vụ ngoài da, không được thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật xâm lấn, gây chảy máu như: xăm mắt, xăm lông mày, xăm môi...
Quy định rõ ràng là vậy nhưng trên thực tế các cơ sở làm đẹp hầu hết đều gắn biển hiệu TMV để đánh lừa khách hàng. Thậm chí, các cơ sở này đã quảng cáo rùm beng trên các website, các mạng xã hội về những phương pháp phẫu thuật làm đẹp hiện đại, công nghệ tiên tiến trên thế giới. Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường cũng thừa nhận, việc các cơ sở làm đẹp đăng ký với tên gọi TMV dễ làm người dân hiểu lầm rằng đây là cơ sở có thể thực hiện các phẫu thuật làm đẹp. Chính vì đặt niềm tin nhầm địa chỉ nên không ít chị em đã phải trả giá đắt trở thành nạn nhân của những ca phẫu thuật xẻ mí, hút mỡ, nâng ngực, xăm mắt… không thành công. Những cơ sở TMV như vậy Sở Y tế không cấp phép nên cũng không thể kiểm soát nổi (?!).
Theo Thanh tra Sở Y tế, hiện Sở Y tế Hà Nội mới cấp phép cho 35 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó có 2 phòng khám đã đóng cửa. Trong 9 tháng đầu năm 2013, Thanh tra Sở đã kiểm tra và xử phạt 14 cơ sở hành nghề khám chữa bệnh không phép (trong đó có cả phòng khám thẩm mỹ), xử phạt hành chính gần 800 triệu đồng. Năm 2012, Sở cũng đã tước giấy phép hành nghề của 2 phòng khám vì khám chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn. Đáng nói là một số cơ sở do vượt quá phạm vi chuyên môn nên đã gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí có phụ nữ đã mất mạng chỉ vì tin vào các quảng cáo của các cơ sở này. Cách đây không lâu, trong một đợt kiểm tra, ngành y tế phát hiện một cơ sở thuộc quận Tây Hồ treo biển "Clinic" (nghĩa là phòng khám) không đúng với phạm vi hành nghề trong giấy phép được cấp, và một cơ sở làm đẹp khác ở quận Hai Bà Trưng cũng treo biển "Spa và Clinic" trong khi không được cấp phép trong lĩnh vực khám chữa bệnh.
Làm đẹp ở đâu an toàn?
Trao đổi với phóng viên Hànộimới, một chuyên gia ngành y tế bày tỏ lo ngại về sự nở rộ của những cơ sở hành nghề y tư nhân không phép, đặc biệt là các TMV, phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ và các cơ sở làm đẹp. Theo chuyên gia này, hệ số an toàn của các cơ sở tư nhân thấp hơn nhiều so với bệnh viện công. Bởi vì nhân viên tại đây không có sự ràng buộc pháp lý lớn như ở bệnh viện, không có kinh nghiệm và không được tập huấn xử lý các trường hợp sốc phản vệ, không có hộp chống sốc và khi có sự cố thì khó cứu người bệnh.
Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường khuyến cáo người dân có nhu cầu làm đẹp nên đến các phòng khám có phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp và nhất là sức khỏe, tính mạng của mình. Riêng với các loại hình phẫu thuật thẩm mỹ như: hút mỡ bụng, hút mỡ chi, nâng ngực… không được phép thực hiện tại TMV. Chỉ có các bệnh viện lớn như: 108, Bạch Mai, Việt - Đức, Xanh Pôn… mới được tiến hành các thủ thuật nâng ngực, hút mỡ... TMV dù có giấy phép hành nghề khám chữa bệnh cũng không được phép tiến hành những phẫu thuật nêu trên. Đây là những kỹ thuật buộc phải thực hiện tại bệnh viện, nơi có đầy đủ các điều kiện y tế đạt chuẩn an toàn như phòng mổ, đội ngũ bác sĩ gây mê, trực cấp cứu 24/24h, chăm sóc hậu phẫu...
Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời báo chí về vụ TMV Cát Tường: Yêu cầu xử lý đúng người, đúng tội (HNM) - Ngày 26-10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chính thức có văn bản trả lời báo chí về vụ việc TMV Cát Tường. Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, không riêng bản thân cá nhân Bộ trưởng mà tất cả cán bộ, nhân viên trong ngành y tế đều hết sức bất bình và lên án hành vi không thể chấp nhận được của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường. Cũng theo Bộ trưởng, để xảy ra sai phạm trên, trách nhiệm thuộc về nhiều phía, trước hết là của chính cá nhân người vi phạm, của các cấp sở tại và quản lý ngành. Đối với bất kỳ sai phạm nào xảy ra, ngành y tế luôn giữ quan điểm chỉ đạo xử lý nghiêm, đúng người, đúng việc, không bao che, nhưng cần khách quan và đúng trình tự pháp luật. Bộ Y tế cũng chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường công tác quản lý cán bộ cũng như việc giáo dục đạo đức, tinh thần trách nhiệm của cán bộ y tế và kỹ năng ứng phó, xử trí các tình huống trong y khoa. Bộ cũng đang khẩn trương hoàn thành việc xây dựng Thông tư Quy định về quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế, trong đó quy định rõ trách nhiệm của Bộ trưởng, trách nhiệm của giám đốc Sở Y tế, trách nhiệm của giám đốc các bệnh viện, lãnh đạo khoa, phòng bệnh viện; đồng thời xây dựng các chế tài xử lý nghiêm khắc những sai phạm... Trang Thu |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.