Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý bằng cái gì?

Dân Biết| 14/03/2010 07:10

Chuyện: Theo thống kê năm 2009, các cơ quan chức năng đã phát hiện, điều tra, xử lý hơn 4.500 vụ, 1.300 tổ chức và 3.100 cá nhân vi phạm pháp luật về môi trường. Trong số này, có khoảng 600 vụ gây ô nhiễm môi trường, hơn 300 vụ vi phạm các quy định quản lý, xử lý chất thải nguy hại...

Các đô thị lớn đứng "đầu bảng": Hà Nội phát hiện nhiều vi phạm nhất (482 vụ), Hải Phòng đứng thứ hai (159 vụ), TP Hồ Chí Minh đứng thứ ba (132 vụ). Đáng lo ngại nhất, vi phạm quy định về xử lý chất thải công nghiệp diễn ra khá phổ biến khi nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất, bất luận quy mô lớn hay nhỏ, tiếp tục xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng... Nhiều vụ việc đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm, để lại hậu họa khó lường như Vedan, Hào Dương (TP Hồ Chí Minh), Miwon (Phú Thọ)...

Có hàng loạt nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Tại hội thảo "Thực thi luật pháp và chính sách bảo vệ môi trường" mới đây, một lần nữa nhiều ý kiến lại than thở là trong khi hoạt động thanh - kiểm tra, xử lý bị ràng buộc bởi các thủ tục hành chính nên không đủ sức răn đe kịp thời các vi phạm thì lực lượng chuyên ngành lại quá "mỏng". Tính ra, một thanh tra môi trường quản lý tới 1.400 doanh nghiệp.

Câu hỏi đặt ra: Không chỉ lực lượng chuyên ngành bảo vệ môi trường mới kêu "mỏng". Hầu như có sự vụ gì xảy ra, thiếu người lại là một trong những lý do đầu tiên được viện dẫn, chẳng hạn thanh tra an toàn vệ sinh thực phẩm kêu thiếu người, thanh tra lĩnh vực lao động cũng kêu thiếu người...

Theo thống kê, hiện tại cả nước có khoảng 460 nghìn doanh nghiệp. Dự kiến, con số này sẽ tăng lên tới 540 nghìn trong năm nay. Để đáp ứng "nhu cầu lực lượng" cho các cơ quan chuyên ngành, không hiểu bộ máy sẽ phải phình ra to cỡ nào? Và khi ấy, yêu cầu này lại đi ngược nỗ lực tinh giản cán bộ, công chức.

Rốt cuộc, nhiều cơ quan chức năng đang thực hiện trách nhiệm quản lý theo kiểu gì: Bằng số lượng hay bằng luật pháp, cơ chế, chính sách, đặc biệt là thái độ hành pháp nghiêm túc?

Trong trường hợp trên, nhiều người đã thừa nhận việc xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường chưa kiên quyết, thiếu triệt để. "Chưa kiên quyết", "thiếu triệt để"... là thế nào? Chắc ai cũng hiểu hoặc... ngờ ngợ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý bằng cái gì?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.