Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý bán hàng đa cấp: Nhiều câu hỏi cần giải đáp

Thanh Hiền| 26/02/2016 10:24

(HNMO) - Không phải làm việc vất vả nhưng vẫn có thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng, không có tiền doanh nghiệp (DN) sẵn sàng cho vay để đầu tư mua hàng hóa kinh doanh…là những

Bán hàng đa cấp biến thành lừa đảo

Phân tích về bản chất của mô hình BHĐC, ông Võ Đan Mạch, Tổng Thư ký Hiệp hội BHĐC Việt Nam cho biết, BHĐC ra đời ở Mỹ từ những năm 40 của thế kỷ 20. Trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau, đến nay BHĐC đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới và được ghi nhận là một trong những phương thức phân phối, tiêu thụ hàng hóa hiện đại và hiệu quả. BHĐC vào Việt Nam từ những năm cuối thế kỷ 20 và được pháp luật công nhận. Ưu điểm của mô hình kinh doanh này là tiết kiệm chi phí quảng cáo, tiếp thị, địa điểm kinh doanh nên có thể dành nhiều chi phí hơn cho việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm và trích hoa hồng cho người tham gia; linh hoạt về thời gian làm việc, thích hợp với những loại hàng hóa đòi hỏi cần tư vấn, hướng dẫn khi sử dụng; đóng góp không nhỏ vào việc tăng trưởng chỉ số bán lẻ, tạo việc làm, đem lại thu nhập cho một bộ phận người lao động…

Tuy nhiên, cũng theo ông Mạch, do mới vào Việt Nam trong một thời gian ngắn nên BHĐC bị một số đối tượng lợi dụng để thực hiện các hành vi không đúng với bản chất công việc như huy động vốn, đầu tư tài chính, nhượng quyền thương mại online, kinh doanh hàng hóa trá hình... Thay vì giới thiệu sản phẩm và lợi ích của nó, các DN lừa đảo chỉ tập trung nói đến các thành viên làm giàu nhanh khi tham gia mạng lưới, với thu nhập từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng/tháng. Điều này đánh trúng vào tâm lý đám đông, lóa mắt vì lợi nhuận, để lôi kéo nhiều người vào mạng lưới. Từ đó, bắt người mới tham gia phải nộp tiền ký quỹ, lệ phí hoặc trực tiếp mua sản phẩm với giá trị lớn... Càng lôi kéo nhiều người tham gia, thành viên càng có nhiều tiền hoa hồng. "Đây chính là mô hình tháp ảo, trong đó người khởi xướng hệ thống BHĐC nằm ở đỉnh tháp, lợi dụng và bóc lột các thành viên khác ở đáy tháp"- ông Võ Đan Mạch nói.

Không kiểm soát được?

Trở lại việc Công ty Liên kết Việt bị cơ quan công an khởi tố, câu hỏi lớn nhất đặt ra là làm sao hàng chục nghìn người, thậm chí nhiều người trong số đó có trình độ học vấn không thấp, vẫn bị sập bẫy của những kẻ lừa đảo núp bóng BHĐC? Các cuộc hội nghị, hội thảo khách hàng được tổ chức công khai, rầm rộ, nhưng tại sao cơ quan chức năng không kiểm soát chặt chẽ, để có tới hàng vạn người tham gia, với số tiền bị chiếm đoạt hơn 1.900 tỷ đồng?

Qua tìm hiểu của phóng viên, các hoat động hội thảo giới thiệu sản phẩm đều phải xin phép cơ quan chức năng. Tính đến hết ngày 22-2-2016, Sở Công thương Hà Nội đã tiếp nhận và xác nhận 54 thông báo hoạt động BHĐC của DN trên địa bàn. Sở cũng đã chỉ đạo Chi cục QLTT giám sát, kiểm tra thường xuyên và đột xuất hoạt động BHĐC. Thực tế, 10 DN sai phạm bị phát hiện, xử lý là hoạt động BHĐC và tổ chức hội thảo khi chưa được cấp phép. Mới nhất, Chi cục QLTT Hà Nội đã xử lý Công ty cổ phần Thương mại Focus Việt Nam kinh doanh không đúng địa điểm đăng ký, BHĐC khi chưa có giấy chứng nhận..., buộc áp dụng biện pháp khắc phục, với tổng cộng hơn 93 triệu đồng. Theo ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), hiện tượng mô hình BHĐC bị lợi dụng giống như các phòng khám không phép, nhưng vẫn hoạt động thu lợi bất chính. Ngay cả DN có giấy phép cũng thường nói quá công dụng sản phẩm và quyền lợi của người bán hàng.

Bà Trương Thị Nhi, Chủ tịch Hiệp hội BHĐC Việt Nam cho biết, tại Việt Nam hiện có 7.000 mặt hàng tham gia mô hình kinh doanh đa cấp, trong đó 90% là thực phẩm chức năng, nhưng nhiều sản phẩm trong số đó không bảo đảm chất lượng và có giá thành cao hơn nhiều so với sản phẩm trên thị trường. Nhận xét về những bất cập hiện nay, bà Nhi nêu ví dụ: “Hành vi không thực hiện đúng quy định về đối tượng kinh doanh theo phương thức BHĐC...” bị phạt từ 40-60 triệu đồng; “yêu cầu người muốn tham gia BHĐC phải thực hiện đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất cứ hình thức nào để tham gia mạng lưới BHĐC...” bị phạt từ 60-100 triệu đồng… Mức phạt này không đủ sức răn đe, nếu so với lợi nhuận bất chính thu được, nên DN sẵn sàng vi phạm. Bà Nhi bức xúc: "BHĐC lừa đảo đang làm mất uy tín, hình ảnh của các công ty kinh doanh chân chính. Do đó, cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý, siết chặt chính sách, xử lý nghiêm vi phạm, giúp ngành kinh doanh này minh bạch hơn, lấy lại niềm tin của người tiêu dùng".

Được biết, để chấn chỉnh hoạt động BHĐC, UBND TP Hà Nội đã ban hành quy chế phối hợp quản lý BHĐC giữa Sở Công thương, Công an thành phố, Cục Thuế TP Hà Nội…, các ngành liên quan khác tham vấn chính quyền thành phố hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật theo hướng thắt chặt quản lý, tăng mức xử phạt...trên cơ sở tăng cường phổ biến, tuyên truyền để người dân hiểu hơn về mô hình BHĐC, cảnh giác với hành vi lừa đảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý bán hàng đa cấp: Nhiều câu hỏi cần giải đáp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.