Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm: Sẽ về một mối

Tiến Thành| 03/06/2016 07:10

(HNM) - Dù TP Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả khả quan sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TƯ, ngày 21-10-2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong tình hình mới, tuy nhiên công tác quản lý với sự tham gia của nhiều ngành vẫn chưa phát huy hiệu quả.


Để khắc phục tình trạng này, TP Hồ Chí Minh đã đề xuất thành lập một cơ quan quản lý ATVSTP nhằm tạo đầu mối chịu trách nhiệm, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý.

Quản lý an toàn thực phẩm nên quy về một mối.


Chồng chéo trong quản lý

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 2011 đến nay, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) của thành phố đã xây dựng và phát triển nhiều mô hình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP. Trong đó, thành phố tập trung thiết lập "chuỗi thực phẩm an toàn" kiểm soát thực phẩm tại nguồn, thu hút 55 cơ sở sản xuất tại TP Hồ Chí Minh và 11 tỉnh lân cận tham gia với sản lượng hơn 45 nghìn tấn/năm.

Đồng thời, tổ chức hơn 2.000 đoàn thanh tra, kiểm tra ở 3 tuyến, xử phạt nghiêm minh các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 50 tỷ đồng; tịch thu, tiêu hủy sản phẩm không bảo đảm, công khai các cơ sở vi phạm trên các kênh thông tin truyền thông. Những biện pháp này đã góp phần giảm số người mắc ngộ độc thực phẩm trên địa bàn thành phố, với tỷ lệ 8,5 người mắc/10 vạn dân năm 2011 sang đến năm 2015 chỉ còn 2,68 người/10 vạn dân, nhiều năm liền không có trường hợp tử vong do ngộ độc.

Tuy vậy, ông Nguyễn Hữu Hưng cho rằng, việc chồng chéo trong công tác quản lý, kiểm tra giữa các cơ quan (Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Sở Công thương) đã gây ra nhiều bất cập trong công tác quản lý ATVSTP, ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp. Ngoài ra, hệ thống các văn bản pháp luật còn đang hoàn thiện, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Nhân sự cho việc quản lý ATTP cũng tồn tại nhiều bất cập, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh hiện chỉ có 9 cán bộ làm công tác quản lý ATTP, cán bộ chuyên trách tại cơ sở còn thiếu và kiêm nhiệm trong khi số lượng cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm quá nhiều.

Bà Nguyễn Thị Nhã Trúc, Phó Trưởng phòng Quản lý chất lượng (Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh) bổ sung: Khó khăn hiện nay đối với công tác kiểm soát dịch bệnh, ATTP là do diện tích, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, sản lượng tham gia "chuỗi thực phẩm an toàn" còn ít và chưa tạo được thương hiệu với người tiêu dùng.

Một đầu mối trách nhiệm

Để làm tốt hơn công tác quản lý ATTP trong thời gian tới, PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Phó Trưởng ban - Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP thành phố cho rằng: Việc cần làm trong thời gian tới là liên kết chặt chẽ giữa các tỉnh để thực hiện triển khai quản lý chuỗi thực phẩm an toàn, kiểm tra chặt chẽ đầu vào của thực phẩm trước khi cung cấp cho người tiêu dùng.

Để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về ATTP, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết: Sở Y tế, Sở NN&PTNT và Sở Công thương đã tiến hành tham mưu, xây dựng đề án trình Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh về việc thành lập một cơ quan quản lý chuyên về ATTP trực thuộc UBND thành phố. Cơ quan này có chức năng quản lý thực phẩm từ nơi sản xuất đến tận tay người tiêu dùng. Đơn vị này sẽ có nhiều phòng thí nghiệm chuyên sâu, thực hiện chức năng kiểm định, cấp phép cho cơ sở sản xuất thực phẩm, đồng thời giám sát quá trình thực hiện ATTP. Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn sẽ được gắn logo của cơ quan quản lý cho người dân dễ nhận biết để sử dụng.

Cũng theo ông Nguyễn Tấn Bình, cơ quan trên sẽ tập hợp nhân sự chuyên ngành sẵn có nên sẽ tiết kiệm được kinh phí ban đầu. Giữ vai trò chủ đạo trong cơ quan này là Chi cục ATVSTP (Sở Y tế), có sự phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thú y, Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở NN&PTNT) và Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương) trong quá trình thực hiện. Cốt lõi của việc thành lập cơ quan này là đưa trách nhiệm quản lý về một đầu mối để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng về ATTP.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm: Sẽ về một mối

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.