(HNM) - Những ngày qua, liên tiếp hàng loạt vụ thực phẩm
Người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm tại siêu thị.Ảnh: Nguyễn Anh |
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên trái đất có 2,2 triệu ca tử vong vì mất ATTP. Tại hội thảo "Đóng góp chính sách pháp luật về ATTP", PGS.TS Ngô Tiến Hiển - Chủ tịch Hội KHCN lương thực, thực phẩm Việt Nam cho rằng: Các hành vi gây mất ATTP để kiếm lời diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc, trong khi đó văn bản pháp lý về lĩnh vực này thường chậm và muộn, chế tài xử phạt không đủ sức răn đe. Đơn cử như việc sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi có thể gây ngộ độc, suy thận, ung thư nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để.
Mặt khác theo đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Thị An, tại sao hàng lậu vẫn vào Việt Nam, hàng giả lưu hành, tại sao vẫn để tình trạng sử dụng "chất cấm" trong chăn nuôi… Thực trạng này là do kiểm tra, đôn đốc yếu kém. Theo bà Bùi Thị An, để giám sát ATTP hiệu quả cần phải quản lý chặt theo ngành dọc và xử phạt thật nặng khi phát hiện sai phạm. Để làm được điều đó cần có chế tài cho người thực hiện như khi đã phát hiện vi phạm, lực lượng thanh tra có quyền xử phạt ngay lập tức chứ không phải chờ đợi thời gian báo cáo cấp trên. Và điều quan trọng là khi đi kiểm tra, thanh tra không thể "trống giong, cờ mở"...
Phân tích những bất cập trong việc quản lý ATTP hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng: Lực lượng quản lý nhà nước về ATTP cồng kềnh, chồng chéo và không hiệu quả. Cụ thể là Bộ NN& PTNT có tới 7 cơ quan, Bộ Y tế có 2 cơ quan, Bộ Công thương có 3 cơ quan quản lý ATTP. Thế nhưng kiến thức về ATTP của cán bộ không đồng bộ nên cùng một khái niệm cơ bản nhưng cách hiểu khác nhau, cùng một hiện tượng nghi vấn ATTP nhưng cách giải quyết cũng khác. Đáng nói là lực lượng kiểm tra ATTP thường xuyên nhằm vào cơ sở lớn để kiểm tra vì dễ thu tiền, dễ phạt và bỏ rơi những cơ sở nhỏ, lẻ không có khả năng thu phí. Điều này do chưa có văn bản quy định người quản lý ATTP phải chịu trách nhiệm khi bỏ nhiệm vụ hay còn lý do nào khác? Cách quản lý nêu trên gây không ít hệ lụy trên thực tế. Chưa kể khâu quảng cáo và tiếp thị cũng bị buông lỏng quản lý khiến người tiêu dùng hoang mang.
PGS.TS Ngô Tiến Hiển đưa ra nhóm giải pháp: Đối với nhóm giải pháp khung pháp lý và quản lý nhà nước cần sửa đổi và bổ sung luật, văn bản dưới luật, chiến lược ATTP, chính sách hỗ trợ; đầu tư cho KHCN; hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn như: GAP, GMP, ISO, HACCP; kiểm tra, hậu kiểm, xử phạt vi phạm hành chính ATTP. Nhóm giải pháp doanh nghiệp và nhà sản xuất cần làm tốt công tác dán nhãn thực phẩm như: "Nhãn sạch, nhãn xanh"; đồng thời cam kết áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ATTP: ISO, HACCP, VietGAP, GlobleGAP…
Trong các vi phạm liên quan đến ATTP, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là vấn đề bức xúc, ông Nguyễn Đình Thông, Phòng Quản lý ATTP và Môi trường (Cục Bảo vệ thực vật) cho rằng: Đa phần nông dân sử dụng thuốc BVTV trong trồng trọt, bảo quản thực phẩm nhưng do trình độ còn thấp nên sử dụng chưa đúng, tồn dư thuốc BVTV trong thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Do vậy, Bộ Y tế cần sớm ban hành thông tư quy định giới hạn tối đa dư lượng thuốc BVTV trong thực phẩm. Định kỳ hằng năm, xem xét, rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung thông tư này cho phù hợp. Còn Bộ NN&PTNT ban hành văn bản hướng dẫn kiểm tra thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu.
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương: Trong hoàn cảnh hiện tại, chưa thể có một cơ quan nào có thể làm được tất cả các nội dung liên quan tới ATTP. Do vậy, việc giao đầu mối quản lý cho các bộ (như: Bộ NN&PTNT quản lý vấn đề nuôi trồng, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, chăn nuôi; Bộ Công thương quản lý vấn đề nhập khẩu hàng hóa; Bộ Y tế quản lý quá trình lưu thông, chế biến thức ăn) là hợp lý. Điều quan trọng hiện nay là tìm giải pháp để thực hiện cho có hiệu quả. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.