(HNM) - Tôi gọi điện cho chị, đầu dây bên kia giọng chị nghẹn ngào: "Sức khỏe của cháu yếu lắm. Còn chưa đầy một tháng nữa là cháu phải lên bàn mổ nhưng gia đình chẳng xoay nổi tiền, đành phải để cháu ở nhà chịu chết thôi...". Chị là Đàm Thị Kỳ - một người mẹ đang trong cơn đau khổ, tuyệt vọng trước bệnh tim của đứa con gái thơ dại.
Nước mắt người mẹ...
Chị Kỳ sinh ra trong một gia đình nghèo ở xóm 9, thôn Chẩn Kỳ, xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Trưởng thành, chị lập gia đình, nào ngờ nhà chồng hắt hủi. Đến khi hai đứa con gái nhỏ xinh xắn ra đời, chị xin phép nhà chồng bồng con về nhà cha mẹ đẻ, rồi vay mượn họ hàng làng xóm ít tiền mua mảnh đất dựng tạm "túp lều" làm chỗ che mưa, che nắng. Nhìn cảnh 3 mẹ con chị sống trong ngôi nhà dột nát, có thể bị sập bất cứ lúc nào, hàng xóm, láng giềng thương tình, người hỗ trợ gạch, ngói, người hỗ trợ công xây, người tặng cho chiếc giường, bộ bàn ghế... Vậy là chị và các con có ngôi nhà cấp 4, tường gạch xỉ, mái lợp prôximăng để ở.
Phóng viên Báo Hànộimới thăm hỏi mẹ con chị Kỳ. |
Cuộc sống của 3 mẹ con tuy nghèo khó, kham khổ, nhưng cứ nhìn hai con ngoan ngoãn, chị Kỳ mừng lắm. Rồi niềm hạnh phúc ấy ngắn chẳng tày gang, đứa con đầu Nghiêm Thị Hương Giang, 12 tuổi, không may bị sốt cao. Sau trận sốt một thời gian thì Giang hay bị ngất, mặt thỉnh thoảng lại tím tái. Có lúc đang ngồi học, cháu đổ gục xuống bàn làm chị Kỳ hốt hoảng. Năm 2007, chị vét nốt khoản tiền còn lại đưa con đi khám. Hôm bác sĩ thông báo Giang bị bệnh tim cần phải được phẫu thuật mà chị tưởng sét đánh ngang tai. Ôm con trong lòng mà nước mắt chị cứ tuôn rơi, vừa thương con, vừa tủi cho thân phận hẩm hiu của mình. Gần triệu đồng vay tạm họ hàng cầm theo mình, chị mua thuốc cho con hết 600.000 đồng, còn lại vài trăm mua vài thứ linh tinh là hết. "Cũng may khi đi, em đã "phòng bị" mang theo ít cơm nắm nên hai mẹ con mới không bị đói. Không có tiền nằm viện, hai mẹ con chọn ghế đá làm nơi ở tạm", chị Kỳ kể.
Tiền hết, chị đành ôm con trở về nhà trong nước mắt. Thương con, trách phận, chị lại nhớ tới lời bác sĩ nói lúc ra về: "Cháu Giang cần phải được phẫu thuật thì mới có cơ hội khỏe mạnh trở lại. Chi phí phẫu thuật khoảng hơn chục triệu đồng". Hơn chục triệu đồng với chị là cả một gia tài lớn mà cả đời chăm chỉ lam lũ làm việc chị cũng không có. Bà con làng xóm sang thăm, ai cũng thương cảm, nhưng tất cả đều nghèo nên chỉ có thể động viên chứ chẳng giúp đỡ được gì.
Còn sống, còn hy vọng
Có bệnh mà không được chữa trị nên sức khỏe của cháu Giang ngày một yếu. Bà con, làng xóm, họ hàng khuyên bảo chị nên đưa cháu đi bệnh viện. Nhưng ngặt nỗi, chị chẳng có được vài trăm. "Em cũng biết, càng để lâu sức khỏe của cháu càng yếu đi, nhưng vì không có tiền, vay cũng chẳng được nên đành ngậm ngùi nhìn con đau đớn, tuyệt vọng", chị Kỳ buồn rầu. Những đêm thức trắng vì con, người chị như quắt lại, đôi mắt trũng sâu, phờ phạc.
Để có tiền, chị Kỳ cố gắng bươn chải làm việc, tiết kiệm từng đồng một, hết ra đồng cày cấy, lại làm thêm nghề đan lát. Tích cóp mãi, cộng với anh em, họ hàng, làng xóm cho vay mượn được vài triệu đồng, tháng 10-2009, chị đưa con đến Bệnh viện Tim Hà Nội. Tại đây các bác sĩ cho biết, cháu Giang cần được mổ ngay thì mới có hy vọng kéo dài sự sống. Để thực hiện được ca phẫu thuật, các bác sĩ bảo cần có 43 triệu đồng. Nghe nói đến khoản tiền "khổng lồ" này, chị Kỳ đứng chết lặng. Không ngờ, lần này chi phí phẫu thuật lại nhiều đến thế… Một lần nữa, chị đành ngậm ngùi trong nước mắt xin bệnh viện cho phép đưa con về nhà. Theo giấy hẹn của bệnh viện, ngày 31-3 tới đây là ngày cháu Giang phải mổ, thế nhưng giờ đây chị vẫn chỉ có hai bàn tay trắng chai sần, nhăn nhúm vì sương gió, vất vả.
Con còn sống, còn hy vọng. Vậy là, về nhà chị lại cố nai lưng ra làm, với hy vọng tích cóp thêm ít tiền đưa con đi mổ. Tấm lòng người mẹ tần tảo, thương con thật vô bờ bến, nhưng cái khó cứ bám riết lấy chị. Tết đến, trong khi mọi nhà còn đang mải mê vui Xuân thì chị đã vội vã ra đồng. Nào ngờ do ăn uống quá kham khổ, sức khỏe yếu nên chị đột quỵ giữa đồng. May có người trông thấy cứu giúp, chị mới qua được cơn nguy kịch... Chị Kỳ đã cố gắng hết sức rồi, chị đành nghe lời khuyên của người thân viết thư cầu cứu những tấm lòng hảo tâm với hy vọng còn nước, còn tát, may có người thương cảm, giúp đỡ thì cháu Giang có thể tiếp tục kéo dài sự sống.
Hôm chúng tôi đến thăm gia đình, chị vẫn còn yếu lắm, rót nước mời chúng tôi mà đôi tay gầy guộc cứ run run. Nói như ông Nguyễn Văn Ngừng, Trưởng thôn Chẩn Kỳ thì: "Nhà chị Kỳ quá khó khăn, nếu không có sự giúp đỡ của mọi người, sự sống của cháu Giang chắc chẳng kéo dài được bao lâu". Chúng tôi hy vọng khi đọc bài báo này sẽ nhận được sự cảm thông, chia sẻ của các cơ quan, doanh nghiệp và bạn đọc gần xa hỗ trợ giúp đỡ cháu Giang kinh phí phẫu thuật tim. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về chị Kỳ theo địa chỉ trên hoặc Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới, 44 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.