Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Quản" không khéo sẽ gây hỗn loạn

Tuấn Khải| 07/11/2015 07:49

(HNM) - Nhiều ý kiến từ phía doanh nghiệp vận tải đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm quy định rõ việc đấu thầu khai thác tuyến nhằm tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Ngày 30-11, Hà Nội sẽ hoàn thành việc rà soát và công bố biểu đồ chạy xe tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh. Ảnh: Thái Hiền


Bỏ chấp thuận hai đầu tuyến

Theo Thông tư số 60/2015/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ vừa được Bộ GT-VT ban hành, kể từ năm 2016, các DN, hợp tác xã (HTX) có giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo tuyến cố định chỉ cần căn cứ theo quy hoạch luồng tuyến VTHK và biểu đồ chạy xe của từng tuyến do Sở GT-VT công bố để đăng ký khai thác tuyến mà không cần phải có sự chấp thuận của Sở GT-VT hai đầu tuyến.

Cụ thể, căn cứ biểu đồ chạy xe với các giờ xe chạy chưa có DN, HTX khai thác đã được công bố, DN, HTX chủ động lựa chọn và gửi hồ sơ đăng ký khai thác tuyến về Sở GT-VT. Sở GT-VT tiếp nhận hồ sơ đăng ký khai thác tuyến và công bố trên trang thông tin điện tử của Sở. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, Sở phải kiểm tra hồ sơ và trong thời hạn 2 ngày làm việc tiếp theo phải công bố công khai được hay không. Trường hợp đăng ký khai thác tuyến không thành công phải thông báo bằng văn bản cho DN, HTX, trong đó có nêu rõ lý do. Trong trường hợp có từ 2 DN, HTX trở lên (tính cho cả hai đầu tuyến) đăng ký khai thác trùng tuyến và giờ xe chạy thì phải đấu thầu khai thác tuyến.

Đại diện các hiệp hội vận tải ô tô và DN cho rằng, điều này tạo thuận lợi cho DN trong việc mở thêm các luồng tuyến mới. DN được hoàn toàn chủ động về thời gian, cân đối lượng phương tiện, nhu cầu hành khách để khai thác tuyến mới.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội cho biết, trước ngày 30-11, sẽ hoàn thành việc rà soát, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng biểu đồ chạy xe tuyến VTHK cố định liên tỉnh đi và đến Hà Nội theo đúng quy hoạch chi tiết đã được Bộ GT-VT phê duyệt. Đồng thời, công khai rõ trên biểu đồ những giờ nào đã có đơn vị khai thác, giờ nào còn trống để DN, HTX vận tải có nhu cầu chủ động lựa chọn khai thác tuyến; thực hiện đúng các quy trình, thủ tục, bảo đảm công khai, minh bạch trong việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan, không để phát sinh tiêu cực. Bên cạnh đó yêu cầu các DN vận tải thực hiện nghiêm túc biểu đồ chạy xe, luồng tuyến vận tải hành khách. Khi không có nhu cầu khai thác các "nốt" xe đã được chấp thuận phải báo cáo kịp thời với cơ quan quản lý tuyến, không được tự ý chuyển nhượng "nốt" xe.

Phải minh bạch trong đấu thầu

Liên quan đến quy định phải đấu thầu khai thác tuyến (đối với các tuyến có từ 2 DN, HTX đăng ký trở lên), không ít ý kiến băn khoăn về cơ chế thực hiện. Theo ông Trần Thanh Bảo, Trưởng phòng Điều hành Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Thiên Phú, cần phải có cơ chế đấu thầu khai thác để quản lý, tránh tình trạng có quá nhiều DN đưa vào khai thác trên cùng một tuyến dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Bởi, thực tế nhu cầu hành khách trên tuyến nhiều khi không tăng nhiều, nhưng có quá nhiều DN cùng khai thác sẽ cạnh tranh gay gắt với nhau.

Một số ý kiến lo ngại nếu bỏ chấp thuận mà không có cơ chế quản lý sẽ gây hỗn loạn. Hiện chúng ta mới chỉ quy hoạch tuyến chứ chưa có quy hoạch lưu lượng trên tuyến, trong khi lưu lượng biến động hằng ngày nên phải có cơ chế quản lý phù hợp với sự tham gia tích cực của các sở GT-VT địa phương.

Để Thông tư 60/2015/TT-BGTVT sớm vào cuộc sống và phát huy hiệu quả quản lý nhà nước, Bộ GT-VT đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện quy trình lựa chọn đơn vị khai thác VTHK tuyến cố định dựa trên nguyên tắc cạnh tranh công bằng, minh bạch và nâng cao được chất lượng dịch vụ VTHK. Dự kiến, bản quy trình này sẽ được hoàn tất trong tháng 12-2015.

Đại diện Viện Chiến lược phát triển GT-VT (cơ quan xây dựng dự thảo) cho biết, việc đấu thầu tham gia khai thác các tuyến vận tải khách đã được quy hoạch và công bố sẽ tiến hành công khai căn cứ theo các tiêu chí và thang điểm cụ thể đối với các DN vận tải. Để được tham gia quá trình lựa chọn, các DN phải đáp ứng điều kiện tối thiểu về năng lực và điều kiện kinh doanh như: Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tuyến cố định; có phương án khai thác tuyến; số lượng phương tiện vận tải hành khách (có quyền quản lý, sử dụng hợp pháp); số lượng phương tiện huy động thực hiện giờ xe chạy ("nốt") đang xét; kế hoạch bảo dưỡng phương tiện; số lượng lái xe; số lượng nhân viên phục vụ trên xe; chất lượng dịch vụ; bảo đảm an toàn giao thông. Bên cạnh đó, DN phải bảo đảm về năng lực tài chính (không nợ thuế)… Riêng về nội dung chất lượng dịch vụ vận tải sẽ căn cứ vào các tiêu chí như: Các DN có đón trả khách dọc đường hay không; hành trình xe chạy có đúng với tuyến đã được công bố; các điểm dừng nghỉ dọc hành trình (vào trạm đã được công bố hay trạm ký hợp đồng phục vụ); quyền lợi của hành khách… 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Quản" không khéo sẽ gây hỗn loạn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.