Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan hệ Ukraine - EU - Nga: Chọn láng giềng gần

Quỳnh Chi| 24/11/2013 07:44

(HNM) - Nỗ lực Đông tiến của Liên minh Châu Âu (EU) vừa bị giội gáo nước lạnh khi Ukraine bất ngờ tuyên bố đình chỉ các hoạt động chuẩn bị ký Hiệp ước liên kết với EU để cải thiện quan hệ thương mại với Nga và các nước Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG).


Ukraine và Nga có nhiều ràng buộc về lợi ích kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực khí đốt.


Quyết định này được cho là sẽ làm đảo lộn chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác phương đông (EaP) lần thứ 3 của EU tại thủ đô Vilnius (Litva) vào ngày 29-11 tới. Bất ngờ là bởi cho đến ngày 28-11, tất cả các động thái đều cho thấy Ukraine sẽ ký Hiệp ước liên kết với EU tại Hội nghị Thượng đỉnh EaP, đánh dấu bước tiến mới của Liên minh Châu Âu trong chiến lược thâm nhập không gian hậu Xô viết, sau làn sóng "cách mạng sắc màu" đầu những năm 90 thế kỷ trước. Thỏa thuận mang tính lịch sử này nếu được ký sẽ mở đường cho Ukraine hội nhập sâu rộng hơn vào thị trường EU, giảm bớt ảnh hưởng của Nga. Tuy nhiên, các hoạt động ngoại giao con thoi chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp ước đã bị phủ bóng đen khi giới chức Châu Âu liên tục gây áp lực đòi chính quyền Tổng thống Yanukovich trả tự do cho lãnh đạo đối lập, cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko, người mà EU coi là tù nhân chính trị. Trong khi đó, Nga cũng tung ra những động thái khá cứng rắn về kinh tế đủ để Kiev nhận ra thế nào là "láng giềng gần". Có nhiều lý do dẫn đến những phản ứng gay gắt từ Mátxcơva. Thứ nhất, Nga cho rằng, việc Ukraine hướng tới mở rộng đáng kể cơ chế hải quan với EU, hàng hóa từ EU sẽ được tự do lưu thông qua biên giới Ukraine mà không phải đóng thuế nhập khẩu hoặc kiểm tra vệ sinh dịch tễ. Lẽ dĩ nhiên, đây sẽ là mối đe dọa không nhỏ với thị trường Nga. Thứ hai, Ukraine đang nắm giữ một vị trí địa - chính trị và chiến lược quan trọng với cả EU và Nga. Trong các nước từng thuộc Liên bang Xô viết, Ukraine có dân số lớn thứ hai (45 triệu người), nền kinh tế lớn thứ hai (trị giá khoảng 136 tỷ USD), chỉ đứng sau Nga. 25% nguồn khí thiên nhiên EU sử dụng đến từ Nga và 80% lượng khí đó được chuyển qua Ukraine... Điều đó có nghĩa Ukraine là cầu nối không thể thiếu trong ngành công nghiệp xuất khẩu dầu khí của Nga, ít nhất là trong thời điểm này. Vì thế, nhiều năm gần đây, cuộc chiến giành ảnh hưởng với Ukraine giữa Nga và EU chưa lúc nào thuyên giảm. Nếu Kiev liên kết thương mại với EU, hiển nhiên sẽ là một đòn giáng vào tham vọng xây dựng một không gian kinh tế mới với nòng cốt là Liên minh thuế quan do Nga làm trụ cột.

Vì vậy, quyết định xoay trục theo hướng Đông của Ukraine được xem là một điểm cộng ngoạn mục cho Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chiến lược duy trì ảnh hưởng trong không gian hậu Xô viết. Mặc dù, ngay từ khi Hội nghị Thượng đỉnh EaP lần đầu tiên được tổ chức năm 2009, giới chức EU luôn khẳng định đối tác phương Đông chỉ để tăng cường các quan hệ kinh tế và chính trị giữa 27 thành viên EU với 6 nước Đông Âu, chứ không hề nhằm chống lại bất cứ quốc gia nào, và EU luôn xem Nga là một đối tác chiến lược. Thế nhưng, nếu điểm danh các "đối tác" nằm trong "dự án" này gồm: Armenia, Azerbaijan, Belarus, Gruzia, Moldova và Ukraine - một loạt các quốc gia láng giềng vốn nằm trong không gian ảnh hưởng truyền thống của Nga thì điện Kremlin không phải không có cơ sở để nghi ngờ đây là "âm mưu" tạo ra một hàng rào phía Đông vây kín biên giới Nga, biến "đối tác phương Đông" của EU thành "đối tác chống Nga".

Giới phân tích cho rằng, Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich muốn dùng thỏa thuận với EU như một chiến lược cân bằng quan hệ với Nga. Nhưng, để liên kết với EU, trước mắt, Ukraine sẽ phải chấp nhận một cái giá khá đắt cả về chính trị lẫn kinh tế. Ai cũng biết là Ukraine sẽ bầu lại Tổng thống vào năm 2015. Còn về kinh tế, Ukraine vừa bị hạ điểm tín nhiệm vào đầu tháng này do gặp khó khăn trước những biện pháp trừng phạt của Nga. Ngay từ khi Kiev xem xét ý định liên kết với EU vào giữa tháng 8 vừa qua, Nga đã siết chặt thủ tục hải quan với hàng nhập khẩu từ Ukraine tại biên giới với Nga bằng biện pháp kiểm tra 100% hàng hóa đến từ Ukraine. Việc Mátxcơva ngừng nhập khẩu một số mặt hàng trọng yếu từ Ukraine những ngày vừa qua là cú giáng mạnh vào nền kinh tế nước này. Theo đánh giá sơ bộ của Ukraine, chỉ trong thời gian ngắn Nga áp dụng siết chặt thủ tục hải quan, khối lượng sản xuất của Kiev đã giảm 7-10% và tốc độ tăng trưởng GDP có thể giảm đến 1,5% nếu tình hình tiếp tục kéo dài. Đây quả là một bài học đắt giá không chỉ cho Kiev khi quyết định mở cửa với một thị trường mới. Với những nguyên cớ không quá khó hiểu khiến Kiev đưa ra quyết định bất ngờ, trong tương lai gần sẽ khó xuất hiện một hiệp ước tương tự giữa Ukraine và EU.

Rõ ràng, nếu để "mất" Ukraine, chương trình quan hệ đối tác phương Đông của EU chỉ là hữu danh vô thực, trong khi Nga - với Liên minh thuế quan mới - đã có được bước tiến khá chắc chắn trong cuộc tập hợp lực lượng thời hậu Xô viết. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ Ukraine - EU - Nga: Chọn láng giềng gần

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.