(HNM) - Căng thẳng giữa Paris và Ankara đang có dấu hiệu ngày càng gia tăng khi cuối tuần qua, Hạ viện Pháp thông qua dự luật cho phép kết án một năm tù giam và phạt 45.000 euro với bất cứ công dân Pháp nào phủ nhận vụ thảm sát người Armenia dưới thời Đế chế Ottoman trong giai đoạn 1915-1916, là tội ác diệt chủng.
Dự luật do thành viên Đảng Liên minh vì Phong trào nhân dân (UMP) cầm quyền của Tổng thống Nicolas Sarkozy đề xuất này đã không gặp mấy trở ngại tại Hạ viện. Trước khi được thông qua tại Hạ viện, văn kiện gây tranh cãi này đã nhận được 40 chữ ký ủng hộ từ UMP và sự đồng thuận của hầu như tất cả đảng phái, cả hữu lẫn tả. Ngay Tổng thống N.Sarkozy trong chuyến thăm Armenia hồi đầu tháng 10 vừa qua cũng đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ có "cử chỉ hòa giải" và thừa nhận hành động diệt chủng. Nếu không, Pháp "sẽ xem xét việc tiến tới sửa đổi luật pháp để trừng phạt hành động phủ nhận này".
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ R.Erdogan (trái) và Tổng thống Pháp N.Sarkozy liên tục có màn “đấu khẩu” trong thời gian gần đây. |
Tuy nhiên, Thượng viện lại là một cửa ải mà dự luật trên không dễ vượt khi nhiều nhà chính trị tỏ ra ngờ vực "nghĩa cử" này của chính quyền đương nhiệm Pháp. Một số thành viên của phe đối lập cho rằng đây là một toan tính của các lãnh đạo UMP nhằm lôi kéo sự ủng hộ của 500.000 cử tri Pháp gốc Armenia trong cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống sắp tới. Nghi ngờ này hoàn toàn có cơ sở, vì ngay trước cuộc bầu cử năm 2007, dự luật này cũng đã từng được đưa ra và thông qua tại Hạ viện song bị Thượng viện bác bỏ.
Trong một phản ứng tức thời, ngày 23-12, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã công bố một loạt biện pháp trừng phạt chính trị và quân sự. Cụ thể, Ankara đã triệu hồi Đại sứ tại Paris và đình chỉ các chuyến thăm chính trị cũng như các dự án quân sự chung, kể cả các cuộc tập trận chung, đồng thời khẳng định: "Sẽ xem xét lại mối quan hệ với Pháp". Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tẩy chay phiên họp của ủy ban kinh tế chung dự kiến diễn ra vào tháng 1 tới tại thủ đô Paris cũng như không tham gia các dự án chung Pháp - Thổ.
Ankara cho rằng, trong thời kỳ trước Chiến tranh thế giới thứ II, không chỉ có từ 300.000 đến 500.000 người Armenia bị giết hại, nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ cũng bỏ mạng do cuộc xung đột và những rối loạn chính trị trước khi đế chế Ottoman sụp đổ và nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại ra đời năm 1923. Nếu liệt cái chết của những người Armenia vào tội "diệt chủng" thì Pháp cần đối diện với quá khứ thực dân của mình trước khi rao giảng cho các nước khác. Theo Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu, Pháp "không có quyền dạy bài học lịch sử cho Thổ Nhĩ Kỳ hay buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với lịch sử". Quan điểm từ Ankara cũng cho rằng, Pháp đã hy sinh mối quan hệ nhiều thế kỷ giữa hai nước cho những toan tính chính trị có phần hẹp hòi.
Căng thẳng quan hệ Pháp - Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới hợp tác kinh tế giữa hai nước. Vì hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác thương mại đứng hàng thứ 11 của Pháp với kim ngạch song phương khoảng 6 tỷ euro, trong khi Pháp là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Thổ Nhĩ Kỳ với kim ngạch 5,4 tỷ euro. Việc Ankara đình chỉ mọi hoạt động chính trị và quân sự với Pháp cũng có thể làm chệch hướng những toan tính ngoại giao của Pháp tại Trung Đông và Nam Á mà Thổ Nhĩ Kỳ có vai trò địa lý như một cửa mở. Nhất là trong bối cảnh làn sóng chính biến ở Trung Đông và Bắc Phi đang trao cho Ankara những lợi thế quan trọng để có thể vươn lên thành cường quốc có ảnh hưởng rộng rãi trong khu vực. Với vai trò là cầu nối duy nhất giữa phương Tây và thế giới Hồi giáo, Thổ Nhĩ Kỳ còn đang sở hữu cơ hội lớn tiếp cận nguồn khí đốt từ dự án Nabucco được Liên minh Châu Âu (EU) ủng hộ với chiều dài khoảng 3.300km, từ biển Caspian xuyên qua 5 quốc gia, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đa dạng hóa nguồn cung năng lượng cho Châu Âu. Rõ ràng, căng thẳng trong quan hệ Pháp - Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ ảnh hưởng tới một trụ cột chính trị trong khu vực mà còn hứa hẹn một cánh cửa giao thương khép chặt giữa Pháp với phần còn lại của thế giới trên đường Á - Âu mà Thổ Nhĩ Kỳ đang sở hữu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.