Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan hệ Hungary và EU căng thẳng: Thêm dấu hiệu của sự rạn nứt

Thùy Dương| 25/09/2016 06:17

(HNM) - Những tuyên bố gần đây của Hungary như: Liên minh Châu Âu (EU) cần trục xuất người nhập cư trái phép tới các trại tị nạn lập bên ngoài lãnh thổ của khối, hay tổ chức trưng cầu dân ý về việc có nên bác bỏ hạn ngạch tiếp nhận người nhập cư của EU vào ngày 2-10 tới hay không... đang khiến quan hệ giữa Hungary và các quốc gia trong liên minh trở nên căng thẳng.


Cuộc khủng hoảng người di cư đang gây rạn nứt trong nội bộ EU.


Từ khi cuộc khủng hoảng người di cư bùng nổ tại Châu Âu năm 2015, Hungary là một trong những nước thành viên EU tỏ thái độ cứng rắn nhất. Theo các nhà lãnh đạo quốc gia Trung Âu, vấn đề di cư không thể kiểm soát, không có luật lệ và không thể kiểm tra, kéo theo đó là hàng loạt vi phạm biên giới các nước. Điều này tạo ra một nguy cơ mất an ninh lớn, vì sẽ tạo cơ hội cho các nhóm khủng bố đưa các tay súng đi khắp nơi trên thế giới. Với Hungary, người di cư mang theo “mối nguy khủng bố”, tội phạm và làm xói mòn nền văn hóa và truyền thống. Do đó, kế hoạch của EU bị coi là “chỉ làm gia tăng nguy cơ an ninh”. Chính phủ Hungary đã xây dựng hệ thống hàng rào thép gai dọc các đường biên giới phía Nam để ngăn dòng người tị nạn tràn vào và kiên quyết phản đối mọi đề xuất về chỉ tiêu tiếp nhận người di cư của EU. Phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra tại New York (Mỹ), Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết, nước này đã bị quá tải với hơn 400.000 người di cư bất hợp pháp tràn vào năm 2015 và gọi vấn đề di cư là một đe dọa an ninh toàn cầu. Những quyết định được cho là mang tư tưởng bài ngoại từ Chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban còn thể hiện công khai trên các áp phích mà Chính phủ Hungary sử dụng để tuyên truyền cho cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 2-10 tới về việc tiếp nhận người nhập cư.

Thủ tướng V.Orban tái khẳng định, cuộc trưng cầu hoàn toàn không có động cơ chính trị mà nó liên quan trực tiếp tới tương lai của Hungary. Tuy nhiên, việc tổ chức sự kiện này cũng được coi là một thông điệp của Hungary với EU, đó là liên minh cần phải hiểu được nguyện vọng của hàng triệu người dân nước này. Dù một số đảng phái đối lập tại quốc gia Trung Âu kêu gọi tẩy chay bỏ phiếu nhưng các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, trên 50% người dân Hungary tham gia cuộc trưng cầu dân ý vào chủ nhật tuần tới sẽ nói “Không” với quy định của EU. Một quan chức cao cấp của chính phủ cho biết, Hungary sẽ sử dụng kết quả bỏ phiếu này trong các cuộc đàm phán tương lai với EU liên quan tới phân bổ người di cư cho các nước thành viên.

Trong bối cảnh này, chiến dịch phản đối chính sách EU của Hungary ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích của một số nước thành viên Châu Âu. 5 nước Bắc Âu gồm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Điển đã kêu gọi EU áp đặt biện pháp cần thiết với Hungary khi quốc gia thành viên này vi phạm quy định của ngôi nhà chung trong vấn đề tiếp nhận người di cư. Nhóm các nước Bắc Âu nhất trí cho rằng, đây là "hành động vi phạm luật định của EU và không thể chấp nhận”. Hai quốc gia Châu Âu khác là Áo và Luxembourg cũng chỉ trích gay gắt Hungary. Vienna gần đây đe dọa chính thức kiện Budapest lên các tòa án EU vì vấn đề người di cư. Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn thậm chí còn cho rằng, Hungary nên bị loại trừ khỏi liên minh với chính sách chống người di cư, hủy hoại các giá trị của Châu Âu.

Rõ ràng, những vấn đề liên quan đến chính sách giải quyết cuộc khủng hoảng di cư không chỉ phơi bày sự rạn nứt và chia rẽ sâu sắc giữa các nước thành viên trong khối, mà còn đẩy EU trước nguy cơ tan rã. Theo nhận định của giới truyền thông Châu Âu, nếu Thủ tướng V.Orban nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân trong cuộc trưng cầu ý dân lần này, Chính phủ Hungary có thể tiếp tục thúc đẩy chiến dịch thay đổi những vấn đề nền tảng của Hiệp ước Lisbon của EU nhằm tăng cường chủ quyền của các nước thành viên. Nếu điều này xảy ra, một lần nữa nó sẽ báo hiệu tương lai không sáng sủa cho EU vốn đã lung lay sau khi Anh quyết định trưng cầu dân ý để rời khỏi khối. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ Hungary và EU căng thẳng: Thêm dấu hiệu của sự rạn nứt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.