Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan hệ Anh-Argentina: Lại “nổi sóng” vì Malvinas

Thùy Dương| 12/02/2012 06:58

Cuộc khẩu chiến kéo dài 30 năm qua giữa Anh và Argentina về chủ quyền quần đảo Malvinas mà Anh gọi là Falkland tiếp tục nóng lên và đang có nguy cơ biến thành một cuộc chiến.

Giới chức Argentina tỏ ra bất bình khi Anh triển khai một tàu chiến tối tân và phái Hoàng tử William đến làm nhiệm vụ tại quần đảo Falkland. Không chỉ dừng lại đó, Hải quân Hoàng gia Anh còn tuyên bố sẽ gửi một trong những chiến hạm tiên tiến nhất là HMS Dauntless tới khu vực này và Ngoại trưởng Anh William Hague dự kiến sẽ tới thăm Malvinas nhân dịp 30 năm xảy ra cuộc xung đột (ngày Argentina mở cuộc tấn công quần đảo Malvinas mà quốc gia này tuyên bố chủ quyền nhưng đã bị người Anh chiếm đóng từ năm 1833) vào ngày 2-4 tới.

Người dân Argentina biểu tình phản đối Anh quân sự hóa quần đảo Malvinas tại Đại sứ quán Anh ở thủ đô Buenos Aires.


Trong bối cảnh như vậy, ngày 10-2 vừa qua, Ngoại trưởng Argentina Hector Timerman đã chính thức đâm đơn kiện lên Liên hiệp quốc (LHQ) về việc Anh "quân sự hóa" quần đảo Malvinas. Trong khi đó, Tổng thống Argentina Cristina Fernadez de Kirchner đã cáo buộc nước Anh "một lần nữa muốn quân sự hóa Nam Đại Tây Dương", đe dọa nghiêm trọng tình hình an ninh quốc tế, vi phạm khoảng 40 nghị quyết của LHQ có nội dung kêu gọi Anh và Argentina giải quyết tranh chấp lãnh thổ một cách hòa bình.

Nằm ở Nam Đại Tây Dương, Malvinas từ lâu được coi là điểm trung chuyển chiến lược và dồi dào nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nó là bàn đạp cho bất kỳ lực lượng nào muốn tiến hành các nhiệm vụ quân sự và dân sự ở Nam Cực. Với nước Anh, vị trí này rất quan trọng trong việc tăng cường kiểm soát ở khu vực Nam Mỹ. Vai trò về giao thông và kinh tế cũng khẳng định tầm quan trọng của quần đảo Malvinas. Ngoài những hoạt động truyền thống về khai thác than, đánh bắt cá và cảng biển, những giếng dầu trong vùng lãnh hải của quần đảo hứa hẹn nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho người dân ở Malvinas và Anh với trữ lượng lên tới 60 triệu thùng (tương đương 9,5 tỷ mét khối). Du lịch cũng dần trở thành thế mạnh của quần đảo. Vì vậy, từ lâu Malvinas đã không chỉ trở thành tiêu điểm cho những tranh cãi về chủ quyền giữa Anh và Argentina, mà còn với cả Pháp và Tây Ban Nha. Argentina chính thức tuyên bố chủ quyền với quần đảo này năm 1820, buộc Anh phải lên tiếng khẳng định lại chủ quyền mà họ đã tuyên bố từ năm 1765. Tháng 4-1982, Argentina chiếm lại được quần đảo; nhưng, ngay sau đó bị Hải quân Anh đánh bại. Từ đó, Anh kiểm soát quần đảo và 2.500 cư dân hiện sống trên đảo Malvinas trông chờ vào nguồn hỗ trợ từ London.

Bất đồng giữa Anh và Argentina về Malvinas luôn âm ỉ và chỉ chờ thời điểm thích hợp để bùng lên. Nguyên nhân là, Argentina chưa bao giờ ngừng tuyên bố chủ quyền với quần đảo này. Đến năm 2010, khi 4 công ty của Anh thông báo kế hoạch thăm dò và khai thác dầu ở khu vực Malvinas, Argentina đã không thể ngồi yên. Những công ty này đặt mục tiêu khai thác 8,3 tỷ thùng dầu trong năm 2012 tại vùng biển Malvinas, gấp 3 lần trữ lượng của Anh. Cuối năm 2011, để củng cố chủ quyền với quần đảo, Argentina đã đưa đồng minh trong khu vực vào cuộc. Đó là thuyết phục các thành viên thuộc Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) như: Brazil, Uruguay cấm các tàu mang cờ Malvinas cập cảng của họ. Nhiều nước Mỹ Latin đã tuyên bố ủng hộ Argentina trong các tuyên bố về quần đảo tranh chấp. Ngoại trưởng Peru Rafael Roncagliolo khẳng định: "Việc Peru ủng hộ Argentina thể hiện chúng tôi đang tìm kiếm một giải pháp cho những bất đồng hiện nay giữa Argentina và Anh, mở ra một con đường đối thoại trong vòng nghị định khung của luật pháp quốc tế và nghị quyết của LHQ. Đó là những gì chúng tôi mong muốn". Thực tế, LHQ đã ra nhiều nghị quyết yêu cầu hai nước tìm biện pháp giải quyết tranh chấp trong hòa bình. Nhưng, London cho rằng không tồn tại tranh chấp về chủ quyền tại vùng lãnh thổ này. Bộ Ngoại giao Anh phát đi thông báo rằng: "Người dân trên quần đảo Malvinas được quyền tự do quyết định số phận của mình. Sẽ không có đàm phán với Argentina về chủ quyền trừ khi dân đảo mong muốn điều này".

Những diễn biến mới vào thời điểm nhạy cảm liên quan đến quần đảo này đang khiến quan hệ Anh - Argentina trở nên căng thẳng. Nhưng, để dẫn đến xung đột quân sự một lần nữa thì các nhà phân tích cho rằng không thể, vì cả hai đều cảm thấy không cần thiết một hành động như vậy vào lúc này. Hòa giải quan hệ hai nước trước những mâu thuẫn xung quanh quần đảo Malvinas rõ ràng cần một sự hiểu biết hơn nữa của cả hai quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ Anh-Argentina: Lại “nổi sóng” vì Malvinas

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.