(HNM) - Suốt 2 tuần qua, vụ tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Manvinát (theo cách gọi của Áchentina) hay Falkland (trong tiếng Anh) trên Đại Tây Dương đã đốt nóng quan hệ giữa hai nước khi Luân Đôn tiến hành khoan thăm dò dầu khí tại vùng biển thuộc quần đảo này.
Tiềm năng lớn về dầu mỏ tại quần đảo Manvinát đã gây căng thẳng cho mối quan hệ Anh - Áchentina. |
Ngày 24-2, Áchentina đã chính thức đưa vấn đề phản đối Anh khai thác dầu tại vùng biển Manvinát lên LHQ. Trước đó, Buênốt Airét đã ra tuyên bố cấm tàu bè qua lại vùng biển Manvinát sau khi dàn khoan Ocean Guardian của Anh được phát hiện đã bắt đầu hoạt động cách quần đảo này khoảng 96km về phía Bắc.
Đại Tây Dương lại dậy sóng trước việc Anh tìm kiếm dầu mỏ tại quần đảo tranh chấp này. Trong khi Áchentina phản đối và thắt chặt các nguyên tắc hàng hải trong khu vực, người Anh lại khẳng định rằng việc tìm kiếm dầu mỏ của Luân Đôn là phù hợp với luật pháp quốc tế. Tổng thống Áchentina Crixtina Phécnanđết khẳng định quần đảo Manvinát bị Anh chiếm giữ bất hợp pháp và Anh đã không tuân thủ các nghị quyết của LHQ.
Gần 28 năm sau cuộc chiến giữa Áchentina và Anh, vấn đề chủ quyền quần đảo Manvinát lại trở nên nóng bỏng hơn lúc nào hết bởi cả hai bên đều nhận ra lợi ích thiết thực mới. Cuộc chiến năm 1982 tưởng đã rơi vào lãng quên, hai bên tưởng đã tìm được phương cách và khuôn khổ chung sống với tình trạng vấn đề chủ quyền chưa được giải quyết dứt điểm, nhưng thực tế hiện nay là ngược lại. Tiềm năng về dầu mỏ với trữ lượng lớn ở đây đã không chỉ khơi lại quá khứ mà còn có thể phủ màu ảm đạm đến cả tương lai của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa hai nước.
Manvinát, được Anh đặt tên là Falkland, rộng khoảng 11.400km2, chỉ có vài ngàn dân sinh sống. Anh xem quần đảo Falkland là phần lãnh thổ hải ngoại và điều này chưa từng được Áchentina chấp nhận. Được người Tây Ban Nha khám phá năm 1520, Manvinát nằm cách bờ biển Áchentina 480km, hoàn toàn không có người định cư trước khi Áchentina đến đây năm 1820. Năm 1833, đế quốc Anh xâm chiếm quần đảo nhưng Áchentina chưa một lần tuyên bố từ bỏ chủ quyền quần đảo này. Trong Chiến tranh thế giới thứ I, giữa hai bên từng xảy ra hải chiến dữ dội. Tháng 4-1982, Áchentina đưa quân đội đến để tái xác lập chủ quyền với Manvinát nhưng rốt cuộc phải trở về trong thất bại sau 2 tháng bị quân Anh đánh trả. Theo đánh giá của các chuyên gia địa chất, hải vực của quần đảo Manvinát ẩn chứa hơn 60 tỷ thùng dầu mỏ. Nguồn tài nguyên dầu khí có trữ lượng khổng lồ này có thể trong tương lai trở thành kho báu của khu vực Nam Đại Tây Dương.
Hồi cuối những năm 1990, Tập đoàn dầu khí liên doanh giữa Anh và Hà Lan Shell đã được phép khoan thăm dò dầu khí ở đây nhưng phải bỏ cuộc sau đó. Vào những năm này, giá một thùng dầu chỉ khoảng 10 USD, còn hiện nay đã lên tới trên dưới 70 USD. Do đó, nguồn lợi kinh tế kếch xù này đang đóng vai trò rất quan trọng. Dĩ nhiên là người Anh muốn khai thác nó trong khi người Áchentina lại không muốn để mất tài nguyên mà họ tin là thuộc về đất nước mình. Hơn nữa, việc khoan thăm dò lẫn khai thác còn là hình thức để phía Anh khẳng định chủ quyền đối với quần đảo và nhằm củng cố sự quản lý trên thực tế. Chỉ riêng điều đó thôi cũng đã đủ để Áchentina không thể chấp nhận việc người Anh tìm kiếm dầu mỏ tại đây nếu muốn duy trì quan điểm về chủ quyền với quần đảo.
Cuộc tranh chấp biển đảo trên Đại Tây Dương khiến quan hệ Anh - Áchentina trở nên căng thẳng, nhưng các quan chức hai nước vẫn muốn xoa dịu tình hình. Thủ tướng Anh Gôđơn Brao tự tin cho rằng, nước Anh có thể thông qua con đường ngoại giao để giải quyết tranh chấp, đồng thời khẳng định, mọi hành động của phía Anh đều phù hợp với luật quốc tế. Thứ trưởng Ngoại giao Áchentina Tacxêti cũng đã loại trừ khả năng thông qua chiến tranh để giải quyết vấn đề, nhưng nhấn mạnh sẽ không từ bỏ chủ quyền quốc gia tại quần đảo này.
Trong khi đó, bày tỏ sự ủng hộ Áchentina về chủ quyền với quần đảo Manvinát, ngày 23-2, kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Rio, Mỹ Latinh và Caribê tại thành phố du lịch Cancun (Mêhicô), lãnh đạo 32 quốc gia tham dự hội nghị đã ra tuyên bố kêu gọi Buênốt Airét và Luân Đôn nối lại đàm phán nhằm tìm một giải pháp công bằng, hòa bình để giải quyết dứt điểm tranh chấp này. Tổng thống Braxin Lula đa Xinva đã đề nghị Liên hợp quốc mở lại cuộc tranh luận về vấn đề này. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ủng hộ hai bên liên quan tiến hành thương lượng...
Câu chuyện chủ quyền Manvinát chưa thể sớm có hồi kết và cuộc tranh chấp giữa Anh và Áchentina về quần đảo này đang là mối đe dọa lớn đến sự ổn định và phát triển của không chỉ quần đảo Manvinát mà còn cả một tuyến hàng hải quan trọng trên Đại Tây Dương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.