Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan hệ Ấn Độ - Pakistan: Một chuyến thăm, nhiều kỳ vọng

Thanh Hải| 10/04/2012 06:35

(HNM) - Chuyến thăm chớp nhoáng Ấn Độ của Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari vừa kết thúc đã tạo bước ngoặt mới trong quan hệ hai nước.

Cái bắt tay giữa Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari (trái) với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tạo bước ngoặt trong quan hệ hai nước.


Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia Pakistan tới nước láng giềng Ấn Độ trong vòng 7 năm qua; đồng thời là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo này trong gần 3 năm kể từ cuộc gặp tại Yekaterinburg (Nga) năm 2009. Tuy nhiên, trái với dự đoán ban đầu, cuộc gặp thành công hơn mong đợi vừa diễn ra không có sự thăm dò, "rào trước đón sau". Hai nhà lãnh đạo đã đi thẳng vào những vấn đề mà hai nước cùng quan tâm cũng như những bất đồng còn tồn tại bấy lâu để tìm hướng giải quyết. Sau cuộc gặp, Thủ tướng nước chủ nhà M. Singh tỏ ra lạc quan khi thông báo rằng, cuộc thảo luận diễn ra trên tinh thần "xây dựng và hữu nghị" và "rất hài lòng với kết quả cuộc gặp". Về phía khách, Tổng thống Pakistan A. Zardari cũng đánh giá cuộc gặp giữa hai bên là "rất hiệu quả"; đồng thời nhấn mạnh, Pakistan muốn có mối quan hệ tốt hơn với Ấn Độ. Ông hy vọng sẽ sớm gặp Thủ tướng Ấn Độ
M. Singh tại Pakistan. Đây được xem là lời mời trực tiếp hiếm hoi giữa nguyên thủ hai nước Nam Á có chung đường biên giới nhưng không ít bất đồng này.

Kết quả của chuyến thăm dù không chính thức và mang đậm sắc tôn giáo của người đứng đầu Pakistan tới Ấn Độ đã gây bất ngờ trong khu vực khi gỡ được hòn đá tảng đang đè nặng trong quan hệ hai nước cùng sở hữu vũ khí hạt nhân ở Nam Á. Trước đó, quan hệ hai bên đã xuống thấp sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại thành phố Mumbai (Ấn Độ) ngày 26-11-2008, làm hơn 160 người thiệt mạng, mà nghi can số một là Hafiz Saeed, trùm tổ chức JuD và LeT có căn cứ tại Pakistan. Dù sau sự kiện này, lãnh đạo hai nước đã nỗ lực để giữ cho mối quan hệ vốn nhiều thăng trầm khỏi những dao động lớn nhưng vẫn không tránh khỏi những mâu thuẫn, bất đồng. Đặc biệt, căng thẳng càng gia tăng khi Ấn Độ yêu cầu Pakistan truy tố H. Saeed, nhưng phía Pakistan trả lời là "chưa đủ chứng cứ" để buộc tội y. Vụ việc càng nhạy cảm hơn khi Mỹ vừa treo giải thưởng 10 triệu USD cho việc bắt được H. Saeed. Trong khi Ấn Độ nhiệt liệt hoan nghênh "giải thưởng" này thì Pakistan vẫn né tránh bình luận. Trong khi đó, thời gian gần đây, Ấn Độ đã "qua mặt" Pakistan, tái chiếm vị thế chi phối trên "bàn cờ lớn" chiến lược của Mỹ trong khu vực đã khiến Islamabad buộc phải tìm kiếm và nâng cấp các quan hệ để đối ứng. Dù Pakistan vẫn là đồng minh chiến lược của Washington trong cuộc chiến chống khủng bố, nhưng những bất đồng gần đây, đặc biệt sau vụ đặc nhiệm Mỹ tiến vào lãnh thổ Pakistan tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden (tháng 5-2011), thì so với trước, vai trò và vị trí chiến lược của Pakistan không còn ở thời "hoàng kim" nữa...

Ngay trong thời điểm diễn ra cuộc gặp mang tính bước ngoặt giữa Tổng thống A. A. Zardari và Thủ tướng M. Singh, Pakistan đã trao cho Ấn Độ danh hiệu Quốc gia được yêu thích nhất (MFN). Cử chỉ này của Pakistan hứa hẹn một chương mới trong quan hệ thương mại hai nước sẽ tăng từ mức 2 tỷ USD hiện nay lên 10 tỷ USD trong tương lai gần. Dự kiến, trong tuần này, Ấn Độ sẽ khai trương cửa khẩu hải quan đa cổng và tự động đầu tiên trên biên giới Ấn Độ - Pakistan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự di chuyển liên tục của 1.000 xe tải mỗi ngày... Do đó, cuộc gặp thượng đỉnh hiếm hoi giữa ông Manmohan Singh và ông Ali Zardari càng được khẳng định sẽ tạo đà thúc đẩy quan hệ nồng ấm giữa hai nước như một nhân tố không thể thiếu nhằm bảo đảm hòa bình và ổn định trong khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ Ấn Độ - Pakistan: Một chuyến thăm, nhiều kỳ vọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.