(HNM) - Từ vùng đất ven đô thuần nông, quận Cầu Giấy trở thành một trung tâm phát triển kinh tế năng động, khẳng định vị thế của mình trong sự phát triển của Thủ đô. Tròn 15 năm tuổi, Cầu Giấy vững vàng đi lên, xứng đáng là một quận có kinh tế phát triển nhanh - bền vững, môi trường xã hội lành mạnh, văn minh ở phía tây Hà Nội.
Trong niềm vui chung của ngày Tết Độc lập năm nay, 25 vạn dân của quận Cầu Giấy có niềm vui riêng. Cách đây tròn 15 năm, ngày 1-9-1997, đơn vị hành chính mới - quận Cầu Giấy ở phía tây Hà Nội được chính thức thành lập và đi vào hoạt động với diện tích hơn 12km2, gồm 7 phường được tách ra từ các xã, thị trấn của huyện Từ Liêm.
Quận Cầu Giấy ngày càng khang trang và hiện đại. Ảnh: Nhật Nam |
Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Cầu Giấy Lê Văn Luân cho biết, xuất phát điểm thấp, muốn phát triển nhanh chỉ có con đường chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, từ nông nghiệp chuyển trọng tâm theo hướng dịch vụ - công nghiệp - xây dựng với những bước đi phù hợp. 15 năm qua, các thế hệ lãnh đạo của quận luôn kiên định thực hiện chủ trương ấy. Một mặt, quận đẩy mạnh thu hút đầu tư, mặt khác coi quy hoạch, thực hiện quy hoạch, phát triển hạ tầng kỹ thuật, cải cách hành chính là các khâu đột phá. Để tạo thêm nguồn vốn đầu tư phát triển và đóng góp với ngân sách thành phố, từ năm 2002, Cầu Giấy đã chủ động đề xuất với thành phố cho phép đấu giá quyền sử dụng đất và dùng nguồn vốn này để phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Cùng với doanh nghiệp nhà nước, Cầu Giấy chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, ưu tiên các lĩnh vực sử dụng công nghệ cao và ngành nghề sử dụng nhiều lao động, hiệu quả lớn, ít gây ô nhiễm môi trường. Trong phát triển dịch vụ, thương mại, quận đặc biệt ưu tiên cho các lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, dịch vụ vận tải, bưu chính, viễn thông, tư vấn y tế, giáo dục, hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Đây chính là đòn bẩy, giúp kinh tế phát triển nhanh và tạo được sự chuyển dịch quan trọng về cơ cấu theo đúng định hướng, tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp, hình thành mạng lưới chợ, siêu thị và trung tâm thương mại. Với hướng đi đúng và các giải pháp quyết liệt, hiệu quả, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của quận đạt từ 10% đến 15%. Nếu năm 1997 thu ngân sách mới đạt 35 tỷ đồng, 10 năm sau (năm 2007) tăng lên 1.100 tỷ đồng và 15 năm sau là 3.100 tỷ đồng. Đi đôi với đó, khoảng 200 dự án quan trọng được đầu tư, đưa vào sử dụng, hình thành vóc dáng của một vùng đô thị mới văn minh, hiện đại mang tên Cầu Giấy.
Không chỉ được biết đến như một trung tâm phát triển kinh tế năng động, Cầu Giấy đã tận dụng lợi thế có nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn để chăm lo nguồn nhân lực, trở thành một trong những quận dẫn đầu thành phố về lĩnh vực giáo dục - đào tạo với 6 năm liền là lá cờ đầu của toàn ngành. Trong bối cảnh đất quý hơn vàng, nhưng ưu tiên số một của quận vẫn là dành đất xây trường học, nhà văn hóa và các công trình công cộng. 19 trường học đã được xây mới kể từ ngày quận hình thành; 26/72 trường đạt chuẩn quốc gia; nhiều trường xây dựng được thương hiệu, nổi danh trong toàn thành phố như THCS Cầu Giấy, THCS Lê Quý Đôn, Tiểu học Dịch Vọng A; hàng trăm học sinh đoạt giải trong các kỳ thi quốc tế, quốc gia…
Đạt được nhiều thành tựu trong 15 năm xây dựng và trưởng thành, điều dễ nhận thấy ở đây là tổ chức Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở đồng bộ, trên dưới đồng lòng vì việc của Đảng, của dân; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện; các giá trị truyền thống được gìn giữ, phát huy… Đó chính là sức mạnh vô giá để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Cầu Giấy vượt qua thách thức của cuộc khủng hoảng kinh tế và cả khó khăn nội tại của quá trình đô thị hóa để vững vàng vươn lên, khẳng định mình, góp sức mình trong hành trình dựng xây, phát triển Thủ đô văn minh - hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.