(HNM) - Mới khai trương nhưng quán nằm khuất mình trong khu Nội Chính, phố Nhân Hòa do những đứa trẻ bị khuyết tật trí tuệ phục vụ vẫn đông nghịt khách. Những người đến đây đều mong muốn chia sẻ, cảm thông giúp các em hòa nhập với cuộc sống.
Trẻ khuyết tật thực hành tại quán cà phê nhân đạo Sao Mai. Ảnh: Trung Kiên
Ý tưởng táo bạo
Ở tuổi 60 nhưng bác sỹ Đỗ Thúy Lan, Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát hiện sớm và chăm sóc trẻ em khuyết tật trí tuệ Sao Mai vẫn tất bật chạy ngược, chạy xuôi... Tốt nghiệp loại ưu chuyên ngành Tâm thần Trường Đại học Y Hà Nội, Đỗ Thúy Lan về làm việc tại Bệnh viện Tâm thần HN. ở đó, chịhọc tiếpchuyên khoa 1 và 2đạt loại xuất sắc, được nhậnhọc bổng sang Hà Lan học về tâm thần. Kết thúc khóa học, chị sang Aixơlen học về Can thiệp sớm cho trẻ em khuyết tật về trí tuệ. Năm 1998 chị được cử làm Giám đốc Bệnh viện Ban ngày Mai Hương.
Với cương vị của mình, chị Lan trăn trở về tình trạng số trẻ emViệt Nam bị mắc chứng bệnh về trí tuệ như tự kỷ, “đao”, bại não... ngày một tăng. Trong khi đó ở nước ta vẫn chưa có một trung tâm, một bệnh viện nào chuyên về lĩnh vực này.Năm 2002, được sự giúp đỡ của Tổ chức Từ thiện phi chính phủ Atlantic Philitropies (Mỹ),chị đã xây dựng Trung tâm Tư vấn phát hiện sớm và chăm sóc trẻ em khuyết tật trí tuệ, gọi tắt là Trung tâm Sao Mai. Tháng 12-2005, Trung tâm chính thức đi vào hoạt động với mục đích từ thiện, tạo cơ hội cho trẻ khuyết tật trí tuệ được đi học và hòa nhập cộng đồng. Trung tâm còn làmái ấm củatrẻ khuyết tật trí tuệ có hoàn cảnh khó khăn.
Vớitrẻ khuyết tật về trí tuệ thì phương pháp dạy là yếu tố rất quan trọng và rất cần có sự cảm thông, chia sẻ của gia đình và xã hội. Với mục đích tạo cơ hội hòa nhập, đào tạo nghề cho trẻ khuyết tật trí tuệ ở tuổi trưởng thành và làm thay đổi ý thức của cộng đồng về căn bệnh này, chị “táo bạo” mở quán cà phê với nhân viên phục vụlà chính những đứa trẻ của trung tâm.
Đến để giúp đỡ…..
Ngày khai trương quán, 7 em ở lớp văn hóa đãđược đào tạo về ngôn ngữ giao tiếp và làm chủ được hành vi của mình được thực hành làm phục vụ.
Nhận ly cà phê từ tay bé Nguyễn Nhật Trung Anh bị mắc bệnh “đao”, tất cả những người có mặt trong quán đều xúc động. Anh T. là bố của Trung Anh đã đến xem con mình làm. Trong niềm vui khôn xiết, anhthốt lên nghẹn ngào: “Con trai tôi đấy! Có nằm mơ tôi không dám nghĩ con mình làm được điều ấy”. Ôm con vào lòng, anh tâm sự: “Ngày mới sinh thấy con có những biểu hiện rất khác thường, vợ chồng tôi đều nghĩ cháu mắc bệnh tâm thần và rất hoảng sợ nhưng khi đưa cháu đến Trung tâm Sao Mai và được tư vấn thì tôi có suy nghĩđúng đắn hơn về bệnh của con. Nhờ kiên trì và được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của Trung tâm nên chúng tôi mới có ngày hôm nay...”. Nhìn cháu Nguyễn Anh Tuấn, 12 tuổi chăm chỉ bê ly cà phê cho khách, lúc đặt xuống không quên nói: “Dạ! Mời cô, chú uống nước”, không ai nghĩ Tuấn bị mắc bệnh chậm phát triển trí tuệ
Cô giáo Nguyễn Thu Giang cho biết, ngày Tuấn mới vào Trung tâm, em sống rất khép mình, không nhận thức được hành vi của mình. Sau một thời gian được trị liệu cá nhân, em đãcó những biểu hiện về hành vi rất tích cực. Khi cho em ra quán làm thì em đã mạnh dạn hơn và tỏ ra rất thân thiện với mọi người.
Quán chỉ mở vào ban ngày và nằm biệt lập với các công ty, khu dân cư đông đúc nhưng số khách đến rất đông. Có người ở Cầu Giấy, Láng Hạ... cũng tìm đến. Điều đặc biệt là mọi người đến không chỉ đơn thuần để thưởng thức cà phê mà để giúp đỡ, chia sẻ với các em bằng cách kiên nhẫn hỏi chuyện nhiều để các em được nói và phải nghĩ để trả lời. Theo bác sỹ Đỗ Thúy Lan thì đó là phương pháp hiệu quả nhất đối với trẻ khuyết tật về trí tuệ, nhằm giúp các em nhận biết được ngôn ngữ giao tiếp.
Lan Hương
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.