(HNM) - Năm nay, trong khi nhiều vườn bưởi Diễn trên địa bàn các huyện ngoại thành tiếp tục bị mất mùa khiến các chủ vườn ngao ngán thì cây phật thủ lại đang được coi là thứ
Phật thủ lên ngôi
Phật thủ trồng tại xã Đắc Sở.
Đến xã Đắc Sở - "thủ phủ" của cây phật thủ trong những ngày cuối năm, cả một vùng bãi rộng lớn bạt ngàn sắc vàng óng và mùi thơm ngào ngạt. Đây là vụ thu hoạch rộ nhất trong năm nên tại các vườn trại, không khí chăm sóc và thu hoạch phật thủ nhộn nhịp hơn lúc nào hết. Anh Nguyễn Quang Thu, một trong những hộ nông dân trồng phật thủ ở thôn Đông Hạ xã Đắc Sở cho biết: Khoảng 2 năm nay, nhu cầu phật thủ của thị trường rất lớn nên diện tích trồng phật thủ trên địa bàn xã cũng ngày càng được mở rộng. So với các cây trồng khác như cam và bưởi thì năm nay cây phật thủ đã thực sự "lên ngôi" cả về diện tích và giá trị thu nhập. Hiện trung bình một quả phật thủ có giá khoảng 100-300 nghìn đồng. Cá biệt, những quả đẹp, các hình ngón tay mập, cong lên, màu vàng rực, giá lên tới 2 triệu đồng một quả. Ngay cả những quả phật thủ bị loại, trước đây các hộ thường bỏ thì nay cũng được thương lái tận thu triệt để làm dược liệu với giá 200 ngàn đồng/kg quả khô. Phật thủ được giá, cây trồng hợp chất đất nên trung bình một sào phật thủ chăm sóc tốt cho thu nhập 70 triệu đồng. Hộ anh Thu đang có 2 mẫu phật thủ mỗi năm cho thu hàng trăm triệu đồng.
Cùng với anh Thu, ở xã Đắc Sở còn nhiều hộ gia đình trồng phật thủ cho thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm như các gia đình ông Nguyễn Đình Thành, Nguyễn Văn Thiện, bà Nguyễn Thị Linh... Còn theo đánh giá của Phòng Kinh tế huyện Hoài Đức năm 2009, giá trị thu nhập bình quân của cây phật thủ trên địa bàn xã Đắc Sở đạt khoảng 800-900 triệu đồng/ha. Nhiều hộ trồng phật thủ cho biết quả phật thủ có giá trị cao là do hình dáng quả xòe ra như bàn tay Phật, mang ý nghĩa tâm linh. Nhiều người đã chọn mua phật thủ trong các dịp cúng lễ ngày rằm, mồng một hằng tháng đặc biệt là các dịp tết đến, xuân về. Quả phật thủ có thể để thờ được từ 3-4 tháng, khi quả chín có màu vàng ươm, tỏa hương thơm dìu dịu, ấm áp. Còn khi quả khô héo có thể dùng làm thuốc chữa ho hoặc làm mỹ phẩm... Đó là lý do khiến thị trường phật thủ gần đây "đắt khách".
Cẩn trọng khi mở rộng diện tích
Phật thủ là giống cây có nguồn gốc từ rừng do các hộ buôn hoa quả trên địa bàn xã Đắc Sở mang về trồng từ năm 2000-2001. Ban đầu, các hộ chỉ trồng với số lượng nhỏ phục vụ nhu cầu của gia đình, dần dần được nhân rộng thành sản phẩm hàng hóa. Không giống cây bưởi phải mất 4-5 năm mới cho thu hoạch, cây phật thủ phát triển nhanh chỉ 2-3 năm là cho thu. Hơn nữa, phật thủ ra hoa đậu quả quanh năm, nên người trồng tháng nào cũng có thu nhập. Đặc biệt, gần đây bưởi Diễn trên đất Đắc Sở thường xuyên bị mất mùa nhưng phật thủ thì hầu như không bị ảnh hưởng. Bà Vương Thị Linh một hộ trồng phật thủ cho biết, do thu nhập cao hơn nhiều lần so với cây cam và bưởi nên gia đình đã mở rộng diện tích trồng phật thủ từ 1,5 mẫu lên 3 mẫu. Ở Đắc Sở, do diện tích đất canh tác có hạn nên nhiều gia đình đã phải tìm đến các xã lân cận để thuê đất trồng. Một số hộ còn tìm đến tỉnh Bắc Giang để thuê đất mở rộng diện tích.
Ông Nguyễn Văn Bằng, Bí thư Đảng ủy xã Đắc Sở cho biết: Toàn xã Đắc Sở có hơn 100ha đất nông nghiệp thì có 75ha trồng cây ăn quả chủ yếu tập trung ở vùng bãi ven Đáy. Trong đó, diện tích trồng phật thủ là 31ha. Ngoài đất canh tác trên địa bàn xã, các hộ dân còn thuê thêm khoảng 20ha đất tại các xã lân cận để trồng cây ăn quả trong đó có phật thủ. Tuy nhiên, theo ông Cao Văn Tuyến, Phó phòng Kinh tế huyện Hoài Đức: Mặc dù cho hiệu quả kinh tế cao song người dân cần có sự cân nhắc kỹ trước khi nhân ra diện rộng giống cây này. Bởi phật thủ là loại cây tương đối "khó tính", đòi hỏi có sự chăm sóc tỉ mỉ. Đây lại là loại cây mang tinh dầu thơm, rất hấp dẫn sâu bệnh hại cây. Do vậy, cây chỉ thích hợp trồng tại các xã nông dân có kinh nghiệm trồng cây ăn quả. Thị trường tiêu thụ phật thủ hiện nay mới chỉ là tự phát chưa ổn định nên cần phải có sự tính toán trước khi mở rộng diện tích để tránh tình trạng "được mùa, rớt giá".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.