Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quà Tết - nét đẹp văn hóa truyền thống: Không nên để biến tướng

Ngân Khánh| 16/02/2015 07:07

(HNM) - Quà Tết - một nét đẹp từ lâu đời của dân tộc ta đã được nâng tầm thành nét phong tục văn hóa truyền thống bởi ý nghĩa cao cả và đẹp đẽ. Quà tặng dịp Tết thường chứa đựng những giá trị về tình cảm, sự quý mến, biết ơn của người tặng quà đối với người nhận quà.



Tết đến, xuân về là dịp để mỗi người thể hiện sự biết ơn và trân trọng đến ông bà, cha mẹ và những người đã giúp đỡ chúng ta trong suốt một năm qua. Sự biết ơn, tình cảm đó được thể hiện bằng những món quà biếu Tết với thành ý chân thành. Tặng quà Tết còn mang ý nghĩa như một phép ứng xử của đạo lý làm người. Vì thế mà năm nào cũng vậy, nhân dịp đón năm mới, Chủ tịch nước luôn ký quyết định tặng quà cho các gia đình chính sách và thân nhân họ. Món quà tuy không lớn về giá trị vật chất nhưng mang đậm ý nghĩa, thể hiện sự tri ân với những thế hệ đã góp sức giành hòa bình, độc lập cho nước nhà. Hoặc nhiều cơ quan, đoàn thể, tổ chức từ thiện cũng tặng quà vào dịp Tết cho những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn nhằm gửi gắm chút niềm vui, ấm áp của sự sẻ chia. Quà Tết còn là sự biết ơn đối với đấng sinh thành, người có công giáo dưỡng, ân nhân cứu giúp lúc hoạn nạn… Với người kinh doanh, quà Tết là để cảm ơn sự gắn bó hợp tác với đối tác sau một năm giao dịch làm ăn, cùng mong muốn ngày càng phát triển mối quan hệ thân thiết hơn.

Những món quà Tết đơn giản, không mang nặng tính vật chất xuất phát từ tình cảm chân thành đã và sẽ vẫn mãi là nét đẹp truyền thống đầy tính nhân văn, thể hiện đạo lý sống. Tuy nhiên, bên cạnh những món quà Tết đơn thuần về tình cảm, đã có những món quà Tết bị biến tướng thành những món quà sang trọng, đắt tiền, nặng về vật chất, thậm chí sử dụng công quỹ, trở thành công cụ thực hiện những tính toán cá nhân với động cơ xin - cho, ghi nhận sự "hết lòng" của người gửi tặng.

Nêu ý kiến về thực trạng này, bà Nguyễn Thanh Hải (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cho biết: "Đây là thực trạng đã và vẫn đang xảy ra hiện nay. Nhiều trường hợp, quà cáp chỉ là cái cớ để đưa đẩy giá trị vật chất to lớn hơn như phong bì, phong bao với giá trị lớn nhằm mưu lợi trong vị trí công việc, kinh doanh... Ngoài ra, việc biếu quà Tết không chỉ nằm trong phạm vi để đạt được quyền lợi, lợi ích của người tặng quà mà còn có trường hợp để được xuê xoa, dung túng, bao che hành vi sai trái trong công tác hay làm ăn gian dối. Hay ở nhiều cơ quan, việc "đi" Tết sếp như một "quy định ngầm" không thể thiếu. Biếu, tặng quà cho cấp trên để hanh thông trong công việc, hoặc đôi khi chỉ để không bị sếp làm khó dễ, bắt bẻ ngày thường. Những hiện tượng như vậy rất cần được nghiêm túc chấn chỉnh".

Chống sự biến tướng của quà Tết, từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 64/2007/QĐ-TTg về quy chế tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức nhằm nghiêm cấm việc sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để làm quà tặng không đúng quy định dưới mọi hình thức. Ngăn chặn tình trạng mượn quà biếu phục vụ mục đích cá nhân, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Chỉ thị số 21- CT/TƯ ngày 21-12-2012, yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền nghiêm cấm việc tặng quà Tết cho cấp trên; đồng thời không dùng tiền, phương tiện, tài sản công vào các hoạt động trái quy định. Kèm với đó là các chế tài trong các luật phòng, chống tham nhũng, minh bạch tài sản, thu nhập… cũng đề cập đến mức quà bao nhiêu là đã phạm tội đưa và nhận hối lộ với khung hình phạt rất nghiêm khắc. Đông đảo dư luận nhân dân đều đánh giá đây là chủ trương đúng đắn, phải được thực hiện nghiêm túc và triệt để ở các cấp, các ngành, các địa phương... Tại không ít các cơ quan, đơn vị, việc nghiêm cấm biếu tặng quà Tết cấp trên còn được đưa ra thành thông báo. Trong môi trường làm việc như vậy, hiệu quả công việc được coi là yếu tố quyết định chứ không phải mối quan hệ hay giá trị của quà tặng… Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Văn bản 246, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nắm tình hình và báo cáo việc vi phạm về các quy định tặng quà, nhận quà tặng không đúng trong dịp Tết Ất Mùi 2015. Được biết, năm 2014 cả nước có 32 người nộp lại quà tặng, với tổng giá trị 791 triệu đồng.

Làm thế nào để phân biệt được quà biếu tình cảm với quà biếu mưu lợi thì không hề đơn giản. Cũng như các chế tài, mức xử lý nghiêm khắc chỉ được thực hiện khi hành vi bị phát giác, truy cứu. Nhưng còn bao nhiêu trường hợp chưa bị phát hiện thì có căn cứ để xử lý không? Theo bà Nguyễn Thanh Hải, ngoài việc phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tặng quà không đúng quy định thì cần có cuộc vận động nhằm thay đổi nhận thức của một bộ phận cán bộ công chức, người kinh doanh khỏi nếp nghĩ cơ hội, có biếu xén, "bôi trơn" mới an lòng làm việc. Chỉ khi người lao động, người kinh doanh làm việc, kinh doanh chân chính bằng thực lực của mình và được đánh giá năng lực bằng các quyết định khen chê đúng đắn thì xã hội mới mong xóa bỏ tâm lý biếu quà, chạy chức chạy quyền và các biến tướng của "quà Tết".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quà Tết - nét đẹp văn hóa truyền thống: Không nên để biến tướng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.