(HNM) - “Ngay sau ngày quyết định mở rộng Hà Nội có hiệu lực, đề xuất viết tiếp Bách khoa thư cho phần địa giới mở rộng đã được nhiều người đề cập...
Cuối cùng, mong muốn này cũng đã chín muồi và trở thành hiện thực vào tháng 6 vừa qua, khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo quyết định việc viết tiếp Bách khoa thư phần Hà Nội mở rộng trên cơ sở bộ Bách khoa thư đã có. Quyết định được đưa ra trong cuộc họp liên tịch giữa Thành ủy và Ủy ban bàn về việc này” - GS Lê Xuân Tùng, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ nhiệm Ban Biên tập đã nhắc lại bước khởi đầu ấy với nhiều cảm xúc. Sau quyết định nói trên, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã đề nghị GS Lê Xuân Tùng chủ trì việc xúc tiến thành lập Ban Chủ nhiệm (BCN) biên soạn Bách khoa thư. Thành viên của Ban đa số là những người trong BCN cũ, được bổ sung thêm 3 người mới.
Sát dịp kỷ niệm 57 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, những người được giao trọng trách biên soạn Bách khoa thư Hà Nội mở rộng đã cùng ngồi lại để trao đổi kinh nghiệm, góp ý kiến chuẩn bị cho công trình mang nhiều ý nghĩa này. Thực ra, không đợi tới cuộc gặp đầy đủ các chủ biên của 14 tập Bách khoa thư, trong 3 tháng qua, BCN đã làm được một số việc lớn như xác định lộ trình biên soạn, bước đầu xây dựng đề cương và thu thập tư liệu. GS Lê Xuân Tùng nhấn mạnh: Xây dựng được đề cương trúng và đủ thì coi như đã được 50-60% công trình. Yêu cầu đặt ra đối với đề cương, cũng như khi viết Bách khoa thư Hà Nội nói chung là phải rõ tính khoa học, xác thực. Tuy nhiên, việc xây dựng đề cương không đơn giản, nó còn phụ thuộc vào khối tư liệu thu thập được có phong phú hay không.
Bên cạnh một số trở ngại như thiếu chuyên gia biên soạn, thiếu chuyên viên biên tập thì những khó khăn liên quan đến nguồn tư liệu được nhiều người quan tâm. PGS - TS Nguyễn Hữu Quỳnh, Ủy viên BCN khẳng định “tư liệu quyết định nội dung và chất lượng Bách khoa thư, bởi có bột mới gột nên hồ” và ông đề xuất thành lập tủ sách cho các ban biên soạn sử dụng chung.
GS Bùi Đình Thanh, Chủ biên tập Khoa học xã hội nhân văn lưu ý: Để Bách khoa thư đạt chất lượng tốt, điều cần đầu tiên là phải xác định phương pháp luận và phương pháp biên soạn. Ông cho rằng biên soạn Bách khoa thư thành công là khi bảo đảm 3 tiêu chí: đúng - đủ - đạt. Tuy nhiên, các tiêu chí này không nên hiểu một cách tuyệt đối, bởi tri thức là vô hạn nên Bách khoa thư sẽ còn được tiếp tục viết, tiếp tục bổ sung.
GS Lê Xuân Tùng cũng cho rằng kiến thức trong Bách khoa thư có thể không nhiều nhưng phải xác thực, phải đúng. Những sự kiện hay nhân vật còn có cách đánh giá khác nhau sẽ được nêu ra với các phương án khác nhau chứ không vội vàng kết luận. Ngay cách viết Bách khoa thư cũng không giống viết các chuyên luận, đề tài khác với văn phong chính luận, không tự ý suy luận mà phải theo một phương pháp, cấu trúc nhất định.
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, người từng tham gia nhóm biên soạn Bách khoa thư Hà Nội đầu tiên, nhấn mạnh: Điều cần nhất là xác định tiêu chí giới thiệu tri thức khoa học, văn hóa Hà Nội. Bách khoa thư là sản phẩm đặc thù nên việc biên soạn phải tuân theo nguyên tắc học thuật nhất định. Do tầm quan trọng của đề cương, ông đề nghị cần tổ chức hội nghị nghiệm thu đề cương với sự tham gia của những người am tường vấn đề. Sau đó, các nhóm biên soạn cần phải thực hiện nhất quán theo đề cương. Ông cũng lưu ý tới tính kế thừa tri thức địa phương. Trong lĩnh vực địa lý từng có cuốn Địa lý Hà Tây rất đồ sộ với phần nội dung địa lý tự nhiên rất tốt mà Bách khoa thư mới có thể kế thừa. Ở phần lễ hội phong tục, các nhà biên soạn cũng có thể tham khảo ấn phẩm Lễ hội Hà Tây được in cách đây không lâu.
Ông Đinh Hạnh, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đã tham gia biên soạn Bách khoa thư Hà Nội trong lĩnh vực kinh tế thì nhấn mạnh vai trò của BCN trong việc bao quát quá trình thực hiện cả công trình, nhất là khi giữ vai trò “trọng tài” để đưa ra kết luận trong những trường hợp có sự trùng lặp, giao thoa về nội dung giữa các tập.
Làm sao để công trình sắp tới hài hòa với Bách khoa thư đã có cũng là điều được các soạn giả quan tâm. PGS Nguyễn Viết Chức, Chủ biên nội dung di sản, bảo tàng cho rằng: Cái khó là Bách khoa thư Hà Nội mở rộng phải bảo đảm tính hệ thống với 18 tập đã có. Còn GS Lê Xuân Tùng mong muốn một ngày nào đó, thay vì 2 phần tách biệt, cả công trình mới và cũ sẽ được tổng hợp thành bộ chung với tư cách một chỉnh thể. Ông hy vọng những người kế tiếp sẽ thực hiện quá trình đó, còn trước mắt thì Hà Nội sẽ có 2 bộ Bách khoa thư.
Với nhiệt tình, trí tuệ được huy động từ nhiều nhà khoa học tâm huyết, các nhà biên soạn tin rằng bộ Bách khoa thư Hà Nội mở rộng sẽ được viết thành công, như một công trình văn hóa phi vật thể dâng tặng Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.