Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quá tải, nhiễm khuẩn bệnh viện ngày càng trầm trọng

Bảo Ngọc| 14/04/2014 07:36

(HNM) - Những ngày qua, tại nhiều bệnh viện (BV) trên địa bàn Hà Nội, số trẻ nhập viện gia tăng nhanh chóng.

Nỗi kinh hoàng của cả người khỏe và người bệnh

Thấy con sốt li bì cả đêm, chị Thu Thủy (ở Văn Quán, Hà Đông - Hà Nội) lập tức đưa con đến Khoa Nhi - BV 103 - để khám. Dù đến BV từ rất sớm nhưng mẹ con chị Thủy vẫn phải xếp hàng sau 20 bệnh nhân khác. Chẩn đoán cháu bị viêm phổi, tuy nhiên vì Khoa Nhi đang ở trong tình trạng quá tải nên bác sĩ khuyên chị nên đưa con đến BV khác điều trị với lý do nếu cháu ở lại BV thì nguy cơ lây nhiễm chéo có thể xảy ra.

Tình trạng quá tải tại nhiều bệnh viện khiến công tác chống nhiễm khuẩn gặp nhiều khó khăn
.Ảnh: Minh Hải



Trường hợp của mẹ con chị Thu Thủy không phải là cá biệt trong những ngày gần đây. Khi bệnh sởi đang có diễn biến phức tạp, lại thêm sự tấn công của nhiều loại bệnh giao mùa như cúm, viêm đường hô hấp... nhiều BV đã lâm cảnh quá tải trầm trọng. Nguy cơ nhiễm khuẩn BV ngày càng tăng. Trong thực tế, hiện nay, việc cách ly cũng như chống lây nhiễm chéo đối với bệnh nhân rất khó thực hiện. Chỉ riêng việc thực hiện quy trình khử khuẩn đúng cách đối với dụng cụ y tế cũng đã là thách thức lớn. Nếu khử khuẩn không bảo đảm, vi khuẩn có thể truyền từ nhân viên y tế, dụng cụ, trang thiết bị tại BV sang người bệnh, từ người bệnh sang người lành… Bởi thế mới có chuyện BV muốn người bệnh ra viện sớm: Những bệnh nhân nhẹ thường được đề nghị xuất viện hoặc chuyển viện xuống tuyến dưới để BV tuyến trên lấy giường, và cũng là để giúp người bệnh, người nhà bệnh nhân tránh bị nhiễm chéo hoặc mắc loại bệnh khác. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhiễm khuẩn BV hiện là một trong những nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự an toàn của người bệnh. Nhiễm khuẩn BV làm tăng tỷ lệ người bệnh tử vong, bị biến chứng, tăng số ngày điều trị, tăng mức sử dụng kháng sinh và tăng khả năng kháng thuốc… Những bệnh nhi bị lây nhiễm chéo trong BV (có thể nhiễm trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh) thường có biểu hiện bệnh nặng hơn so với nhiễm bệnh ngoài cộng đồng. Thống kê tại BV Phụ sản trung ương cho thấy, tỷ lệ tử vong do nhiễm khuẩn của trẻ non tháng chiếm 95,7%; đủ tháng chiếm 58,6%. Còn tại BV Phụ sản Hà Nội, tỷ lệ tử vong do nhiễm khuẩn sơ sinh đối với trẻ non tháng là 38,1%. Bác sĩ Trần Diệu Linh, Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh - BV Phụ sản trung ương - cho biết, người mẹ mang thai bị nhiễm khuẩn dễ truyền bệnh sang cho con. Trẻ sơ sinh phải nằm viện quá 3 ngày đều có nguy cơ nhiễm khuẩn do khoa sơ sinh quá tải, do điều dưỡng, y tá phải chăm sóc cùng lúc nhiều bệnh nhi nên dễ quên động tác rửa tay…

Giảm tải - Bài toán khó

Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, tỷ lệ nhiễm khuẩn BV tại Việt Nam dao động từ 5% đến 8%. Vì thế, một trong những khuyến cáo quan trọng là thực hành rửa tay khi chăm sóc bệnh nhân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tỷ lệ người tuân thủ yêu cầu đơn giản này vẫn còn rất thấp.

Một nguyên nhân khác dân đến nhiễm khuẩn BV rất khó kiểm soát là người bệnh đến khám, chữa bệnh không chỉ có một mình, mà thường có người đi cùng để chăm sóc, mang theo đồ đạc. Số người bệnh tăng thì số người nhà đi theo cũng tăng, kèm theo đó là nhu cầu sinh hoạt mà các BV không thể đáp ứng một cách đầy đủ, cũng không thể kiểm soát được những hệ lụy phát sinh. Theo quy định của BV, người nhà không được sinh hoạt trong khu vực của bệnh nhân. Tuy nhiên trong thực tế, người ở tỉnh xa về Hà Nội thường không đủ điều kiện để thuê chỗ ở, họ phải lén lút ở "ké" với người bệnh. Chỗ ngủ tạm bợ, khi là gốc cây, hành lang, thậm chí là ngay dưới chân giường bệnh nên nhiều khi ngay người nhà bệnh nhân đã là một "ổ vi khuẩn". Họ mặc quần áo của BV ra đường, sau đó trở lại tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, sự lan truyền vi khuẩn là điều không thể tránh khỏi.

Công tác chống nhiễm khuẩn đóng vai trò quan trọng trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Quá tải BV đã là một thực tế phải chấp nhận, khó thay đổi được ngay, bởi thế, việc cần là thúc đẩy ý thức tự giác giữ gìn vệ sinh BV trong cộng đồng. Các chuyên gia y tế cho rằng, thông qua các buổi họp hội đồng người bệnh, cán bộ khoa kiểm soát nhiễm khuẩn và điều dưỡng trưởng các khoa cần thường xuyên tư vấn cho người bệnh và người nhà của họ thực hiện quy định giữ gìn vệ sinh chung, giữ thái độ hợp tác với nhân viên y tế trong việc phòng, chống nhiễm khuẩn BV. Nhưng đó chỉ là giải pháp hiện thời. Giải pháp cơ bản, lâu dài vẫn là chống quá tải, nâng cấp trang thiết bị y tế và điều kiện chăm sóc bệnh nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quá tải, nhiễm khuẩn bệnh viện ngày càng trầm trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.