(HNM) - 2013 sẽ là một năm đầy khó khăn của nền kinh tế thế giới. Theo dự báo mới được Liên hợp quốc công bố, "Với những chính sách đang thực thi, cùng với xu hướng tăng trưởng hiện nay, có thể mất ít nhất 5 năm để Châu Âu và Mỹ bù đắp hiệu quả và toàn diện cho những tổn thất tài chính nặng nề của cuộc đại suy thoái 2008-2009". Lục địa già đang mắc kẹt trong một "vòng luẩn quẩn" của nợ công, chính sách "thắt lưng buộc bụng", tăng trưởng thấp và tỷ lệ thất nghiệp cao.
Mỹ, siêu cường kinh tế tuyên bố giữ mức tăng trưởng khiêm tốn 1,7% trong năm nay. Còn Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang ở trong tình trạng "giảm phát", dự báo tăng trưởng chỉ đạt mức 0,6% trong năm 2013…
Cuộc đại suy thoái kinh tế đã dẫn tới những hệ lụy nghiêm trọng chưa từng thấy. Hàng trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ bị xóa sổ, làm hàng triệu người bị mất việc, để lại những lỗ hổng không biết bao giờ mới có thể lấp đầy trên bản đồ kinh tế của cường quốc số 1 thế giới. Theo những số liệu từ Nhà Trắng, tỷ lệ thất nghiệp trong giới công nhân Mỹ năm 2012 khoảng 8%, dự báo năm 2013 là 7,7%. Hy Lạp, Italia…, chìm trong vòng xoáy khủng hoảng. Những thành trì tài chính vững chắc nhất của Châu Âu đã bắt đầu rung chuyển. Kể từ đầu năm 2012 đã có 9.156 doanh nghiệp ở Bỉ tuyên bố phá sản, chủ yếu tập trung vào các ngành nghề kinh doanh nhỏ lẻ và nhà hàng. Theo giới truyền thông nước này, không loại trừ khả năng hiệu ứng "domino" phá sản sẽ lan sang lĩnh vực giao thông, kinh doanh quy mô lớn... dẫn đến tình trạng thất nghiệp tăng cao… Kinh tế toàn cầu tiếp tục liêu xiêu sau "cơn bão lớn".
Hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam đang phải hứng chịu những áp lực lớn từ bên ngoài. Tuy nhiên, những trở ngại trên con đường tăng trưởng kinh tế của nước ta không chỉ bắt nguồn từ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Kinh tế Việt Nam có những vấn đề riêng, những khuyết tật từ nội tại. Những tổn thương từ tình trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng, sự kém hiệu quả trong đầu tư công chưa thể chữa lành và tình trạng những doanh nghiệp lả dần vì đói vốn và mất vốn hoàn toàn có thể tiếp tục diễn ra. Như vậy, dù muốn hay không thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải vật lộn với những thách thức gay gắt hơn trong năm mới này. Một chuyên gia kinh tế đã nhận định: Năm 2013 có thể mang nhiều ý nghĩa hơn cho một tiến trình tăng trưởng mới lâu bền nếu chúng ta mạnh dạn nhìn lại những nhược điểm cố hữu của nền kinh tế và thực hiện một chương trình tái cấu trúc hợp lý.
Công bằng mà nói, quá trình hội nhập của đất nước đã mang lại nhiều cơ hội cho giới kinh doanh. Thế nhưng, không nhiều doanh nghiệp có đủ thực lực hoặc chuẩn bị tiềm lực để đối phó với bão táp khi đẩy con thuyền kinh tế "ra biển lớn". Không lượng được sức mình, năng lực hạn chế nhưng lại "vung tay quá trán" nên nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng hụt hơi. Tính đến cuối tháng 9 - 2012, tổng số doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động tại Việt Nam là 40.190, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2011. Chiếm tỷ lệ cao nhất trong số này là ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, tiếp đến là nông - lâm nghiệp, thủy sản… Tuy nhiên, đây cũng chỉ là phần nổi của tảng băng, bởi thực tế, nhiều doanh nghiệp đã ngừng hoạt động nhưng không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh. Cũng có không ít doanh nghiệp không dám để lộ tình trạng thật vì lo ngại những phản ứng tiêu cực từ phía ngân hàng và đối tác… Trong số những doanh nghiệp giải thể vừa qua, có nhiều doanh nghiệp chết chính đáng - nhận xét này có phần nghiệt ngã nhưng đúng với thực tế.
Đã có một thời làm ăn quá dễ, vậy nên nhà nhà mở công ty, người người làm giám đốc. Nếu muốn, ai cũng có thể trở thành doanh nhân, và doanh nghiệp mọc lên như nấm (chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa) nhưng tiềm lực có hạn, có doanh nghiệp vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 20%, còn lại là đi vay. Doanh nghiệp nợ quá nhiều, nhiều doanh nghiệp có số nợ bằng tổng giá trị tài sản, thậm chí có doanh nghiệp có số nợ lớn gấp cả trăm lần vốn sở hữu. Nhiều doanh nghiệp tìm cách vay vốn bằng mọi giá, trong đó có cả đảo nợ (vay mới để trả khoản vay cũ từ chính ngân hàng hiện tại hoặc từ ngân hàng khác nhằm tránh nợ quá hạn). Khi kinh tế rơi vào khủng hoảng, doanh nghiệp "chết" vì " khô máu", vì thiếu "ôxy". Trong khi đó niềm tin của các ngân hàng đối với họ ngày một giảm sút vì nói cho cùng, ngân hàng cũng phải "sống" như một tổ chức kinh doanh.
PGS, TS Nguyễn Thị Mùi - Giám đốc Trường Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực VietinBank nhận xét: "Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của chúng ta quá tham lam. Nhân sự, năng lực cạnh tranh thì hạn chế nhưng lúc nào cũng thích đao to, búa lớn, quy mô kinh doanh phình to gấp nhiều lần vốn tự có. Khi gặp khó khăn, số nợ này chính là gánh nặng cho doanh nghiệp khiến họ không thể dứt ra được". Cũng có ý kiến khác cho rằng: Doanh nghiệp "chết" do không xác định rõ sản phẩm, ngành nghề có lợi thế trên cơ sở dự báo thị trường, kế hoạch kinh doanh bài bản và do đầu tư đa ngành… Như vậy, có thể thấy rằng tình cảnh khó khăn hiện nay của nhiều doanh nghiệp, có phần lỗi rất lớn từ chính các doanh nhân, các chủ doanh nghiệp. Chưa kể, thực tế hiện nay đang có những doanh nghiệp "tát nước theo mưa", lợi dụng tình hình khó khăn chung để chây ì, chiếm dụng vốn của ngân hàng, đối tác…, gây bất ổn cho xã hội.
Ra "biển lớn" bằng "những chiếc thuyền nan", nên trong bảng xếp hạng tổng số 142 quốc gia, vị trí của các doanh nghiệp Việt Nam luôn "lép vế": Lợi thế cạnh tranh đứng thứ 134/142, kiểm soát phân phối thị trường quốc tế xếp thứ 112, sự tinh thông của quy trình sản xuất xếp thứ 108, mức độ phát triển của chuỗi giá trị thứ 101, chất lượng nhà cung cấp xếp thứ 92…
Cần trở về đúng với những giá trị thật của chính mình. Có thể thấy rằng sự phá sản đôi khi giống như đào thải, sàng lọc các doanh nghiệp yếu kém, làm ăn không hiệu quả. Đó là sự trả giá và đó cũng là quy luật của nền kinh tế thị trường. Doanh nhân là một nghề đòi hỏi phải nếm trải gian khổ, phải có kiến thức và năng động, phải động não ghê gớm để kinh doanh chứ không phải ngồi chờ và chạy chính sách, không phải mưu mẹo để chụp giật tài sản của nhau. Nhưng tình trạng đó đã và đang tồn tại và hậu quả đã và đang diễn ra thật đau lòng. Sòng phẳng mà nói, giới doanh nhân không thể ngồi đó mà than thở về những ảnh hưởng của kinh tế vĩ mô, về hậu quả do chính mình gây ra, hay chờ đợi sự cứu giúp của các ngân hàng, của nhà nước. Họ cần làm quen và nếm trải những khó khăn mà một phần không nhỏ do chính họ gây ra. Họ phải rút ra bài học xương máu về cách kinh doanh chụp giật, về kiểu …"kinh doanh chính sách" lâu nay họ vẫn sử dụng như là một phương pháp thông minh.
Tuy nhiên, việc hàng chục nghìn doanh nghiệp lâm vào tình trạng này đã và sẽ gây ra những hệ lụy không nhỏ cho nền kinh tế và việc bảo đảm an sinh xã hội. Đây là những vấn đề cần phải giải quyết dù không dễ dàng. Chính phủ đã tỏ rõ quyết tâm với việc đưa ra hàng loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, các chính sách của Nhà nước về lãi suất, bình ổn tỉ giá, xúc tiến thương mại… chỉ có tác dụng một phần. Còn nhiều bài toán vi mô khác cần lời giải như cơ cấu vốn vay và vốn chủ sở hữu, quản lý rủi ro lãi suất… Đây là điều doanh nghiệp cần suy nghĩ và hành động để sống sót trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Và điều quan trọng hơn, lãnh đạo doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức nhằm quản lý và sử dụng đồng vốn hiệu quả, tránh đầu tư dàn trải hoặc làm ăn theo kiểu chụp giật mang tính cơ hội.
Bức tranh kinh tế thế giới năm 2013 tiếp tục được vẽ lên với những gam màu ảm đạm và sẽ tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam. Do vậy, thay vì chờ đợi những chiếc "phao cứu sinh" từ nhà nước, các doanh nghiệp cần chủ động đối phó với thách thức. Hãy tự cứu mình bằng việc làm thật, kinh doanh thật với khả năng của mình! Câu nói ấy chí ít đúng đối với nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.