100% (trong tổng số 370.000) học sinh được hỏi đều cho biết, gia đình vẫn cho tiền chơi G.O; 94% học sinh chơi mỗi lần từ 1 giờ đến 3 giờ * Giải pháp hữu hiệu: Tăng cường hoạt động ngoại khóa, vui chơi tập thể...
Việc cấm kinh doanh game online gần trường học chưa được phát huy tác dụng.
Ảnh: Như Ý
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường đang có chiều hướng gia tăng hiện nay là do tác động tiêu cực từ G.O có nội dung bạo lực, thiếu lành mạnh. Vì vậy, việc ngăn chặn bạo lực học đường cần bắt đầu từ việc phòng, chống tác hại của G.O. Song thực tế khảo sát của Sở GD-ĐT cho thấy, đây quả thực là một công việc không hề đơn giản.
Cụ thể, có hơn 90.000 HS chơi G.O từ 4-6 lần/tuần (chiếm 24,3%), số chơi nhiều hơn 10 lần mỗi tuần là gần 13.000 HS (chiếm 3,4%). Đáng chú ý, có tới gần 94% HS cho biết thời gian cho mỗi lần chơi khoảng từ 1 đến 3 giờ. Tỷ lệ HS chơi vào ngày nghỉ hoặc giờ hành chính chiếm 40%.
Kết quả khảo sát còn cho thấy, có 53% số HS trả lời không hề biết tới các quy định của Nhà nước về quản lý G.O, nếu có biết đều chủ yếu qua trao đổi với bạn bè. Rõ ràng, việc tuyên truyền về các quy định, chế tài của các cơ quan quản lý đối với G.O còn chưa "thấm" đến đối tượng cần phải biết nhất. Nhiều vụ án đau lòng có nguyên do từ nghiện G.O thời gian gần đây đã gióng lên hồi chuông báo động về việc quản lý HS sử dụng internet, song dường như vẫn chưa đủ mạnh để các gia đình, nhà trường thấy rằng phải sớm đưa ra những phương án phòng, chống tác hại từ G.O hiệu quả. Sự thờ ơ với con cái thể hiện ở kết quả khảo sát khi tất cả số HS được hỏi đều trả lời bố mẹ các em đều biết các em dùng tiền để chơi G.O, nhưng vẫn cho tiền. Vì thế, không khó hiểu khi có tới 57% số HS được hỏi cho biết không hề đọc các nội dung cảnh báo (như độ tuổi được chơi, loại trò chơi…) khi đăng nhập vào các trò chơi.
Số lượng quán "nét" gần cổng các trường học trong khoảng cách từ 200m đến 1.000m được thống kê tại thời điểm báo cáo là 3.874 quán, trong đó số lượng các quán "nét" xa trường (trong khoảng từ 500m đến 1.000m) chiếm tới hơn một nửa số quán "nét" quanh khu vực trường học. Điều này tưởng như sẽ có tác động tích cực tới việc hạn chế HS chơi G.O, nhưng không hẳn. Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 72% số HS cho biết thường chơi G.O ở những địa điểm gần nhà hoặc xa trường, chỉ có 12,6% cho biết chơi ở những nơi gần trường, có thể đi bộ được. Rõ ràng là phương án đóng cửa các quán "nét" gần cổng trường dù có được thực hiện triệt để cũng khó để giảm thiểu tình trạng HS chơi G.O.
Một "nhà" làm không xuể
Trước thực trạng HS chơi G.O một cách đáng lo ngại, ông Nguyễn Hữu Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý HS, đặc biệt chú ý tới HS các trường khu vực nội thành, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi hơn. Hiệu trưởng nhà trường sẽ là người chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ này, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương giải tỏa các quán "nét" gần trường. Một giải pháp khác, rất cũ, nhưng được phó giám đốc Sở GD-ĐT cho là rất quan trọng trong thời điểm này là đẩy mạnh tuyên truyền cho phụ huynh, giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm và tất cả HS về tác hại của G.O, trang bị thêm cho các em nhận thức, kỹ năng để không bị lôi cuốn vào những trò chơi vô bổ…
Còn TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng thì cho rằng, việc quản lý HS chơi G.O không thể chỉ giao cho những người làm công tác giáo dục. Thầy, cô giáo không thể bao quát mọi việc làm của HS ngoài giờ học. G.O là một trò chơi công nghệ cao, dễ hấp dẫn trẻ, vì vậy việc phòng, chống HS nghiện G.O trước hết phải bắt đầu từ những người làm ra nó. Các trò chơi cần được quản lý chặt chẽ hơn, tăng cường chất trí tuệ, buộc người chơi phải dùng kiến thức chứ không chỉ cần nhanh tay, nhanh mắt. Ngoài ra, các nhà quản lý phải buộc nhà sản xuất có phương án về mặt công nghệ, kỹ thuật để trò chơi tự ngắt sau một khoảng thời gian nhất định, tránh việc chơi triền miên khiến trẻ mụ mị… Về phía nhà trường, ngoài việc tăng cường giáo dục, phải có thêm nhiều hoạt động sử dụng internet để lôi cuốn HS như giao các dạng bài tập buộc HS phải tìm kiếm thông tin trên mạng.
Nhiều thầy, cô giáo đồng tình với quan điểm trên và cho rằng: cần dành quỹ thời gian nhất định cho việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, vui chơi, hoạt động tập thể. Điều này sẽ lôi cuốn HS, thay vì tham gia những hoạt động ảo trên mạng sẽ được thực hiện những mong muốn, ước mơ ảo trong cuộc đời thật. Từ đó mới có thể hy vọng các em dần xa rời G.O.
Việc đóng cửa các quán G.O sau 23 giờ và cấm trẻ dưới 18 tuổi vào quán internet trong giờ hành chính, theo ý kiến của những người làm công tác giáo dục, là một động thái tích cực. Song, trên thực tế giải pháp này không thật hiệu quả, chưa kể việc trẻ không chỉ chơi G.O ở ngoài mà chơi cả ở nhà. Điều này đòi hỏi sự chung tay tích cực của gia đình trong việc quản lý HS.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.