(HNM) - Trong các tàu chiến quân đội Mỹ đã điều tới khu vực Trung Đông để chuẩn bị cho cuộc can thiệp quân sự vào Syria, phải kể đến siêu tàu sân bay hạt nhân USS Nimitz - từng được mệnh danh là
Tuy các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, tàu Nimitz có nhiều khả năng sẽ không tham chiến trừ khi Syria phát động tấn công trả đũa, nhưng sự hiện diện của siêu hàng không mẫu hạm này tại biển Đỏ thực sự được quan tâm.
USS Nimitz được xây dựng với kinh nghiệm từ tàu USS Enterprise và tàu USS Kitty Hawk. Bắt đầu hoạt động từ 1975, USS Nimitz hiện là tàu sân bay lớn nhất và đắt nhất trên thế giới. Cũng như các tàu sân bay khác, hàng không mẫu hạm này đóng vai trò quan trọng trên biển trong các chiến dịch, sẵn sàng triển khai trong mọi trường hợp, với lực lượng linh hoạt, mạnh mẽ và có sức chịu đựng cao. Đặc điểm chung của tàu sân bay Nimitz là có chiều dài 333m, lượng choán nước trên 100.000 tấn. Chiều rộng tối đa là 77,7 đến 78,4m tùy theo từng kiểu tàu. Hoạt động của Nimitz là một mê cung các bộ phận được liên kết chặt chẽ giữa thân và các bộ phận khác. Thay vì sử dụng turbine khí hay sử dụng hệ thống đẩy bằng điện - diesel như nhiều tàu chiến hiện đại khác, những tàu sân bay này sử dụng 2 lò phản ứng hạt nhân A4W tạo ra hơi nước áp lực cao làm xoay bốn trục cánh quạt. Tốc độ tối đa của tàu là trên 30 hải lý một giờ (56 km/h) và công suất cực đại là vào khoảng 260.000 shp (190MW). Vì sử dụng năng lượng hạt nhân, các tàu sân bay này có thể hoạt động trong vòng 20 năm mà không cần nạp nhiên liệu và dự đoán có thời gian phục vụ là trên 50 năm. Về vũ khí, Nimitz thường được trang bị từ 16 đến 24 tên lửa Sea Sparrows, 3 đến 4 hệ thống tên lửa phòng không Phalanx CIWS hoặc giàn phóng tên lửa 21 nòng RIM-116. Để có một cái nhìn tổng quát chung quanh khu vực phòng thủ, các tàu khu trục loại này được trang bị hệ thống radar cực mạnh dùng để phát hiện máy bay đối phương. Một chiếc tàu sân bay Nimitz sẽ cho phép quân đội Mỹ có thể triển khai từ 80 đến 90 phi cơ chiến đấu, phi cơ ném bom và phi cơ hỗ trợ tới bất cứ đại dương nào trên thế giới. Khả năng này đã làm cho các lực lượng quân đội của Mỹ có tính linh hoạt rất cao. Với tốc độ khoảng 700 hải lý mỗi ngày, những chiếc tàu sân bay neo đậu trong các căn cứ phía Đông nước Mỹ hay đảo Hawaii có thể tới bất cứ nơi nào trên thế giới chỉ trong vòng hai tuần.
Biên chế của tàu sân bay Nimitz có thể lên đến 5.680 người, trong đó thủy thủ đoàn là 3.200 người, số còn lại là phi công và nhân viên phục vụ bay. Tàu có 5 nha sỹ và 6 bác sĩ có khả năng thực hiện gần như mọi thủ thuật y tế. Để cung cấp đủ nhiên liệu cho các máy bay, tàu Nimitz phải chứa đến 3,5 triệu thùng nhiên liệu. Nimitz có 4 đơn vị chưng cất, cho phép sản xuất khoảng 400.000 lít nước sạch mỗi ngày. Các lò phản ứng năng lượng trên tàu giúp cho Nimitz tránh hao tổn nhiên liệu và có thể vận chuyển được nhiều gấp rưỡi lần số đạn dược so với các tàu sân bay thông thường khác. Hiện tại, Mỹ có 10 tàu sân bay Nimitz gồm chiếc đầu tiên mang tên Nimitz (CVN-68) và 9 chiếc khác mang tên 7 tổng thống và 2 nghị sỹ Mỹ.
Chiếc tàu sân bay USS Nimitz đang neo đậu ở biển Đỏ có mã số CVN-68. Hàng không mẫu hạm này bắt đầu hoạt động từ ngày 3-5-1975. Nó đã phải tiếp nhiên liệu một lần tại nhà máy đóng tàu hải quân Puget Sound và từ năm 2001, cảng chính của Nimitz là căn cứ không quân hải quân ở North Island, California. Liên đội không quân hạm USS Nimitz (CVN-68) gồm: 4 phi đội tiêm kích F/A-18C/E/F; 1 phi đội tấn công điện tử EA-6B; 1 phi đội cảnh báo sớm E-2C; 2 phi đội trực thăng săn ngầm/tìm kiếm cứu nạn MH-60S/R và một phi đội vận tải C-2A.
Bộ trưởng Tác chiến hải quân Mỹ Jonathan Greenert cho biết, chi phí vận hành một hạm đội tàu sân bay (ví như đội tàu sân bay USS Nimitz đang ở biển Đỏ) thông thường là 25 triệu USD/tuần. Nhưng khi chiến tranh xảy ra, mức chi phí này vọt lên 40 triệu USD/tuần. Trước đó, Quốc hội Mỹ tuyên bố chỉ được phép can thiệp vào Syria kéo dài từ 60-90 ngày. Nghĩa là chi phí vận hành USS Nimitz có thể dao động từ 342 đến 514 triệu USD nếu hàng không mẫu hạm nổi tiếng này tham gia vào cuộc chiến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.