(HNM) - Năm mươi hai năm qua, ngành dầu khí Việt Nam luôn vững vàng trước mọi thử thách, với những cống hiến không ngừng để
Khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ. Ảnh: Hà Thái |
Hơn nửa thế kỷ dày công phát triển, ngành dầu khí đã trở thành ngành quan trọng, "đầu tàu" của nền kinh tế, đẩy nhanh tiến trình CNH-HĐH, đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Còn nhớ, ngày 19-4-1981, mét khối khí đầu tiên từ mỏ Tiền Hải (Thái Bình) bắt đầu được khai thác và được dẫn đến trạm turbine khí phát điện. Năm 1981 cũng là năm ký hiệp định thành lập Xí nghiệp Liên doanh dầu khí Việt - Xô (nay là Liên doanh Việt Nga - Vietsovpetro) tại Vũng Tàu theo hiệp định hợp tác tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí ở thềm lục địa Nam Việt Nam giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên Xô (cũ). Giữa năm 1986, bước đột phá hợp tác toàn diện với Liên Xô về dầu khí đã cho kết quả mong đợi, tấn dầu thô thương mại đầu tiên được Vietsovpetro khai thác từ giàn MSP-1 mỏ Bạch Hổ trên thềm lục địa Việt Nam. Giai đoạn từ năm 1990-2006, ngành dầu khí Việt Nam đã có những bứt phá về mô hình tổ chức và hoạt động, trở thành một tổ chức sản xuất, kinh doanh - Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút nhiều công ty dầu khí hàng đầu thế giới đầu tư vào Việt Nam. Với nhiều mỏ mới được phát hiện, sản lượng dầu khí tăng nhanh, ngành công nghiệp khí Việt Nam phát triển mạnh với ba hệ thống đường ống dẫn khí ở các bể Cửu Long, Nam Côn Sơn và Malay - Thổ Chu, Nhà máy Đạm Phú Mỹ ra đời, các công trình lọc hóa dầu được xúc tiến, các loại hình cũng như các cơ sở dịch vụ dầu khí, kể cả nghiên cứu khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực được phát triển. Về căn bản, ngành dầu khí Việt Nam đã khá hoàn chỉnh trong nhiều lĩnh vực và bắt đầu triển khai hoạt động dầu khí ra thế giới (Mông Cổ, Malaysia, Algeria…). Dầu khí Việt Nam đã đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước hằng năm.
Cuối năm 2006, lúc ngành dầu khí Việt Nam được "thay tên, đổi họ" từ Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam bằng Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) thì cũng là thời điểm Việt Nam được kết nạp làm thành viên thứ 150 của WTO, kết thúc chặng đường đầy thử thách của 20 năm hội nhập với thế giới kể từ khi Đảng ta đưa ra chủ trương "đổi mới" (1986) đã đưa đất nước từng bước chuyển nền kinh tế sang vận hành theo cơ chế thị trường và trở thành thành viên bình đẳng về mọi phương diện trong cộng đồng quốc tế. Ngành dầu khí Việt Nam bước sang một thời kỳ lịch sử mới từ đầu năm 2006 sau khi có Kết luận số 41-KL/TƯ của Bộ Chính trị và chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chủ trương này đã mở đường cho ngành dầu khí Việt Nam bước lên tầm cao mới. Đến nay ngành dầu khí Việt Nam hoàn chỉnh đồng bộ mọi lĩnh vực hoạt động thông qua việc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Polypropylen… đi vào sản xuất, các sự kiện tăng cường đầu tư thăm dò và mua mỏ ở nước ngoài (Châu Phi, Nam Mỹ và Mỹ Latinh), bắt đầu có nguồn thu từ dầu khai thác ở nước ngoài (Malaysia, Liên bang Nga…). Ngoài ra, Tập đoàn PVN còn đầu tư vào nhiều lĩnh vực như sản xuất điện (các nhà máy Điện Cà Mau I và II, Nhơn Trạch I và II), xơ sợi... Các đơn vị thành viên của PVN đã cơ cấu lại mô hình quản lý, điều hành, quyền sở hữu, đa dạng hóa ngành, nghề nhằm nâng cao năng lực sản xuất, dịch vụ cũng như hiệu quả đầu tư. Tập đoàn tiếp tục đứng hàng đầu trong các tổ chức kinh tế Việt Nam, đóng góp nguồn thu quan trọng vào ngân sách nhà nước. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2013, Tập đoàn đã hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra, các chỉ tiêu sản xuất chủ yếu đều có mức tăng cao so với cùng kỳ năm 2012. Gia tăng trữ lượng dầu khí 9 tháng đầu năm đạt 21,81 triệu tấn dầu quy đổi; tổng sản lượng khai thác quy dầu đạt 19,80 triệu tấn; sản xuất và cung cấp cho lưới điện quốc gia 12,40 tỷ kWh; sản xuất đạm đạt 1,17 triệu tấn; sản xuất xăng dầu đạt 4,93 triệu tấn. Tổng doanh thu của toàn bộ các đơn vị trong tập đoàn 9 tháng đầu năm đạt 548,3 nghìn tỷ đồng, bằng 118,3% kế hoạch 9 tháng và 84,8% kế hoạch năm; nộp ngân sách nhà nước đạt 128 nghìn tỷ đồng (vượt 20,7 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch).
Có thể khẳng định, hành trình "tìm lửa" của PVN đã có bước trưởng thành đáng ghi nhận. Những trang sử truyền thống vẻ vang của Tập đoàn PVN thấm đẫm những gian khổ, đấu tranh, trăn trở cùng những mong ước qua các thế hệ người làm công tác dầu khí từ những ngày đặt nền móng đầu tiên cho tới hôm nay. Những trang sử ấy đã được Đảng, Nhà nước tôn vinh xứng đáng bằng các phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 1995), Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2000), danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 2008) và Huân chương Sao Vàng (năm 2010).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.