Trong những ngày tháng đất nước bị cấm vận, kinh tế gặp rất nhiều khủng hoảng, những tấn dầu thô xuất khẩu đầu tiên của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã làm sống dậy niềm tin, tiếp thêm năng lượng cho cả một dân tộc. Với những đóng góp trong suốt 45 năm xây dựng và phát triển, PVN tự tin là một trong những trụ cột chính của nền kinh tế đất nước.
Với những người hiểu về dầu khí, gắn bó với những thăng - trầm của ngành Dầu khí thì không gì có thể xóa mờ những mốc son đáng tự hào của ngày này. Năm 1986, năm mở đầu cho một thời kỳ lịch sử của đất nước cũng là năm mỏ dầu Bạch Hổ tại thềm lục địa Việt Nam đã cho ra đời những tấn dầu thô thương mại đầu tiên. Sự kiện này không chỉ có giá trị ghi danh Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất dầu khí thế giới mà quan trọng hơn, nó được xem như một “trụ đỡ” về tinh thần và cả vật chất đối với đất nước trong giai đoạn Việt Nam đang lâm vào hoàn cảnh bị bao vây cấm vận, khủng hoảng kinh tế…
Từ những tấn dầu thô đầu tiên, vào năm 1987, PVN đã bán được 235. 700 tấn dầu với tổng giá trị hợp đồng 31 triệu USD. Dòng ngoại tệ mà PVN sử dụng thông qua hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh, thanh toán quốc tế… đã hỗ trợ đắc lực cho hoạt động dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước cũng như trở thành “gối đệm” cho thị trường tiền tệ nước nhà.
Thành công nối tiếp thành công cùng với những dấu mốc lịch sử, khó khăn thử thách luôn đón đợi nhưng thành quả mà PVN đạt được vẫn luôn là niềm tự hào của cả Tập đoàn. Trong giai đoạn 2006-2015, ngoài các thành công quan trọng mà PVN đạt được trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, hằng năm, PVN đóng góp trung bình 20-25% tổng thu ngân sách nhà nước, 18-25% GDP cả nước.
Đặc biệt, PVN đã thực hiện thành công và đưa vào vận hành 3 cụm dự án/dự án trọng điểm quốc gia về dầu khí, đó là: Cụm khí - điện - đạm Cà Mau; Cụm khí - điện - đạm Đông Nam Bộ và dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Các cụm dự án/dự án này đang hoạt động hết sức hiệu quả không những về mặt kinh tế mà còn đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung của đất nước và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nơi có dự án vận hành.
Ngay cả trong giai đoạn khó khăn, thách thức nhất với ngành công nghiệp dầu khí thế giới nói chung và với PVN nói riêng kể từ năm 2014, khi giá dầu ở mức thấp kéo dài, Tập đoàn và các doanh nghiệp trong ngành Dầu khí vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong giai đoạn này, hằng năm, nộp ngân sách nhà nước của PVN tiếp tục chiếm tỷ trọng 9-11% tổng thu ngân sách chung của Nhà nước và chiếm 16,5-17% tổng thu ngân sách trung ương. Cùng với đó, PVN đã đóng góp cho GDP cả nước trung bình hằng năm 10-13%.
Đến nay, PVN tự hào đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí đến phát triển công nghiệp khí - điện - chế biến và dịch vụ dầu khí, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng đất nước. PVN đã và đang triển khai thực hiện 62 hợp đồng dầu khí trong nước (phủ hầu hết diện tích vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của thềm lục địa Việt Nam).
Những năm gần đây, đóng góp của ngành Dầu khí vào ngân sách nhà nước hằng năm tuy có giảm nhưng vẫn lớn và chiếm tỷ trọng cao nhất. Năm 2016, trong bối cảnh kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, nhiều ngành, đặc biệt, giai đoạn 2007-2017, kinh tế thế giới cũng như trong nước có nhiều biến động, nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất trong nước suy giảm nghiêm trọng thì PVN vẫn duy trì đà tăng trưởng bình quân 15-20%, nộp trung bình 20% tổng thu ngân sách hằng năm, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường.
Bước sang năm 2020, khó khăn lại tiếp tục tăng thêm khi dịch Covid-19 bùng phát, cùng với đó là giá dầu giảm sâu kỷ lục đã khiến PVN đối mặt thêm một đợt khủng hoảng mới. Những giải pháp nhằm vượt khủng hoảng “kép” đã kịp thời được đưa ra. Mặc dù ngân sách nhà nước hụt thu do nhiều doanh nghiệp, ngành nghề khốn khó vì đại dịch thì PVN vẫn làm trọn vai trò là “trụ cột” của nền kinh tế khi 7 tháng năm 2020 báo lãi hơn 10 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 38 nghìn tỷ đồng.
45 năm qua là thời gian của “lửa thử vàng”. Một tập đoàn kinh tế lớn với bộ máy nhân sự đồ sộ, với khối lượng tài sản, công trình, dự án khổng lồ và hơn hết là những đóng góp to lớn trong việc quyết định “sức khỏe” của nền kinh tế, chắc chắn sẽ không thể tránh khỏi những sai sót, những “vùng trũng” chưa kịp lấp đầy. Nhưng, bằng nghị lực, bản lĩnh của “những người đi tìm lửa”, những cố gắng vượt qua khó khăn, thử thách được cụ thể hóa bằng những thành quả đạt được trong nhiều thập kỷ qua, chắc chắn là minh chứng đanh thép nhất cho một PVN sẵn sàng vượt “dông bão” để thực hiện trách nhiệm to lớn của mình là một trong những “đầu tàu” của nền kinh tế đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.