(HNMO) - Sau 7 phiên giảm sàn liên tiếp, sáng 20/9, cổ phiếu PVF tăng giá trần trở lại nhờ sự bắt đáy của nhà đầu tư. Không những thế, mã này có khối lượng giao dịch rất lớn với hơn 18 triệu cổ phiếu.
Ảnh minh họa |
Kết thúc phiên giao dịch buổi sáng, PVF tăng hết biên độ cho phép là 200 đồng, lên 4.000 đồng/cổ phiếu. Hôm nay, giới nhà đầu tư ngoại đẩy mạnh gom cổ phiếu này, mua tới gần 1,6 triệu cổ phiếu. Trong khi đó, nhà đầu tư nội cũng giao dịch mạnh PVF, nghiêng về bên mua. Lực giao dịch tại cổ phiếu này mạnh, đưa tổng khối lượng chuyển nhượng của PVF lên tới 18,536 triệu cổ phiếu, dẫn dầu thị trường.
Như vậy, sau 7 phiên liên tiếp giảm sàn, trong đó có nhiều phiên giảm sàn, PVF đã tăng ấn tượng trở lại.
Những ai gom cổ phiếu PVF trong phiên hôm nay sẽ dễ trở thành nhà đầu tư dài hạn bởi PVF sẽ giao dịch phiên cuối cùng vào ngày 23/9 sau đó mã này sẽ hủy niêm yết do PVFC hợp nhất thành công với Ngân hàng TMCP Phương Tây (Westernbank). Sau khi ủy niêm yết, sớm nhất thì 1 năm sau Pvcombank-ngân hàng hợp nhất giữa PVFC và Westernbank mới niêm yết trở lại.
Cùng với PVF, nhóm cổ phiếu lớn còn có PVT, REE, STB, HPG, HAG, FPT, DIG, CTG tăng 100-300 đồng/cổ phiếu.
Từ ngày 24/9, cổ phiếu PVT của TCty cổ phần Vận tải Dầu khí sẽ có mặt trong rổ VN30, thay PVF do mã này hủy niêm yết để hợp nhất với Westernbank.
PVF diễn biến theo xu hướng thị trường khi mà phiên này VN-Index tăng điểm. Hết phiên sáng, VN-Index tăng nhẹ 0,01 điểm, lên 476,1 điểm; VN30-Index đạt 534,17 điểm sau khi nhích 0,34 điểm.
Giao dịch tăng khá mạnh nhưng chủ yếu là từ thanh khoản tốt của cổ phiếu PVF. Toàn thị trường có 32,89 triệu cổ phiếu được giao dịch thành công, tương ứng xấp xỉ gần 300 tỷ đồng.
Trên sàn Hà Nội, trong khi HNX-Index giảm nhẹ 0,01 điểm, xuống 58,99 điểm thì HNX30-Index nhích 0,06 điểm, lên 108 điểm. Toàn thị trường có ngót 17 triệu cổ phiếu và hơn 107 tỷ đồng được chuyển nhượng. Đạt thanh khoản tốt nhất là SHB với hơn 5,1 triệu cổ phiếu, kế đến là PVX (gần 3 triệu cổ phiếu), VCB (1,5 triệu cổ phiếu). Tại đây, cổ phiếu giảm giá chiếm áp đảo so với tăng giá (45 mã tăng, 70 mã giảm).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.