Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thơ Bùi và nhạc Trịnh

VANCHIEN| 25/11/2008 07:00

(HNM) - Không phải ngẫu nhiên mà buổi giới thiệu 4 cuốn sách mới tại Trung tâm Ngôn ngữ văn hóa Đông Tây lại rôm rả đến vậy.

(HNM) - Không phải ngẫu nhiên mà buổi giới thiệu 4 cuốn sách mới tại Trung tâm Ngôn ngữ văn hóa Đông Tây lại rôm rả đến vậy.

Hai nhà thơ Anh Ngọc và Trần Ninh Hồ, nhân vật chính của Ngày thơ đầu đông dường như quên cả giới thiệu thơ mình - hai tập "Gửi lại thời gian", "Nhớ và quên" - để say sưa với nhạc Trịnh Công Sơn và thơ Bùi Giáng. Duyên cớ chính là hai tập sách "Bùi Giáng trong cõi người ta" và "Trịnh Công Sơn vết chân dã tràng" (NXB Lao động).

Nhà văn, dịch giả Đoàn Tử Huyến - chủ biên tập sách "Bùi Giáng trong cõi người ta" nói: "Về Bùi Giáng, người ta đã nói nhiều, viết nhiều nhưng đến nay vẫn còn quá ít sách dành riêng cho ông, có chăng là vài số đặc san về Bùi Giáng và vài tập sách mỏng.

Phần lớn tác giả viết về thi sĩ họ Bùi đều là bạn văn, nghệ sĩ, những người đã cùng sống, từng tiếp xúc với nhà thơ, đa số cùng quê hương xứ Quảng với Bùi Giáng. Họ ghi lại những kỉ niệm, ấn tượng, giai thoại… về ông. Hầu như chưa có nhà nghiên cứu nào sống ở miền Bắc viết về Bùi Giáng. Và cũng chưa có nhiều tiểu luận, chuyên khảo sâu, dài hơi và đủ đầy về thế giới thơ của ông". Chính vì lẽ ấy mà "Bùi Giáng trong cõi người ta" đã vượt trên những cuốn khác viết về ông, nó cung cấp cho bạn đọc cái nhìn sâu rộng về thơ và chân dung Bùi Giáng.

Gần 600 trang sách chia 3 phần: Phần I: Cõi thơ Bùi Giáng, gồm 82 bài thơ; Đi vào cõi thơ với lời tựa của Bùi Giáng, những cảm nghĩ, lời bình "độc đáo, uyên thâm". Phần II: Một mai nhìn lại là tập hợp bài viết của hơn 30 nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, cung cấp nhận định, đánh giá về con người và tài năng đặc biệt Bùi Giáng. Phần III: Tranh chân dung tác giả, tranh tự họa, bút tích... Trình làng đúng 10 năm kể từ ngày thi sĩ tài hoa này rời "cõi tạm", "Bùi Giáng trong cõi người ta" thực là lời tri ân của người yêu thơ dành cho ông.

"Trịnh Công Sơn vết chân dã tràng" ra đời khi số trang viết về nhạc Trịnh đã quá nhiều. Đây cũng là thách thức với tác giả trẻ Nguyễn Thị Thanh Thúy (bút danh Ban Mai) - giảng viên Trường Đại học Quy Nhơn, nơi mà Trịnh Công Sơn từng theo học khóa đầu tiên của trường. Cuốn sách là sự tu chỉnh, bổ sung đề tài luận văn thạc sỹ "Thân phận con người và tình yêu trong ca từ Trịnh Công Sơn" mà chị dày công thực hiện. Ca từ nhạc Trịnh được Ban Mai khảo cứu, nhìn nhận như một tác phẩm văn học, vớicác mục "Trịnh Công Sơn và chiến tranh Việt Nam", "Trịnh Công Sơn người tình của cuộc sống", "Trịnh Công Sơn người ca thơ"…

Sách gồm hai phần lớn: phần I là nghiên cứu, tiểu luận của tác giả về thân phận con người và tình yêu trong ca từ Trịnh Công Sơn, phần II "văn bản hóa" 242 ca khúc của Trịnh Công Sơn. Đây gần như là một trong những nghiên cứu đầu tiên về ca từ của nhạc Trịnh được thực hiện một cách công phu.

Đặng Thủy

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thơ Bùi và nhạc Trịnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.