Đền Kim Ngưu- tín ngưỡng Việt cổ
Xã hội - Ngày đăng : 15:26, 05/07/2006
Đền Kim Ngưu ở làng Tây Hồ. Làng này thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ Hà Nội, đang nổi tiếng với ngôi phủ thờ mẫu. Điều không phải vô cớ khi xung quanh hồ có tới 13 làng mà chỉ có làng này được mang tên của hồ. Có lẽ là do làng nằm trên một doi đất dài nhất ăn sâu vào tới nửa lòng hồ.
Ở đây ngoài ngôi phủ còn có ngôi đền thờ Trâu Vàng -Kim Ngưu- cái tên đã gắn với một huyền thoại suy nguyên giải thích nguồn gốc của Tây Hồ mà một thủơ còn có tên là Kim Ngưu. Thơ cổ có câu:
Ngưu hồ dĩ biến tam triều cục
Long Đỗ nhưng lưu bách chiến thành
Nghĩa là: Hồ Trâu (vàng) đã thay đổi qua ba triều đại
Long Đỗ vẫn còn tòa thành bách chiến
Sách Lĩnh Nam chích quái có hai lần nói tới lai lịch Trâu Vàng. Lần thứ nhất là ở “Truyện Hồ Tinh”. Sau khi kể về việc Lạc Long Quân diệt cáo chín đuôi , truyện có câu kết : “Sau lập đền Kim Ngưu trấn áp yêu quái”. Lần thứ hai là ở “Truyện con Trâu Vàng huyện Tiên Du”. Xin nhắc lại vài ý chính:
“Núi Tiên Du có tinh Trâu Vàng Kim Ngưu nửa đêm thường tỏa sáng. Có nhà sư lấy tích trượng yểm lên trán trâu. Trâu bỏ chạy húc vào đất làm sụp thành hồ. Nơi đó là thôn Húc sau này. Trâu chạy qua địa phận Văn Giang, qua các xã Như Phượng, Như Loan, Đại Lan, Đa Ngưu... Trâu lại từ trong bến ra sông Cái, đến Ninh Giang, đi men phủ Lý Nhân, ra theo ven sông Cái tới sông Tô Lịch, chỗ ấy chính là Tây Hồ. Thủơ đó, Cao Biền hay cưỡi diều bay trên không để yểm các thắng cảnh. Biền thấy trâu đi vào Dâm Đàm, nay là Tây Hồ rồi không thấy trâu đâu nữa. Người xưa đã có thơ cho rằng:
Kim Ngưu do ẩn tại hồ trung
Thủy hạt nan tầm bất kiến tung
Đại Việt nam an tồn thách chủ
Cao Biền hạ bút hận vô cùng.
Tạm dịch:
Trâu vàng còn ẩn tại hồ sâu,
Nước cạn mong tìm chẳng thấy đâu
Đại Việt bình yên nhờ thánh chúa,
Cao Biền hạ bút hận muôn thu”
Như vậy, theo Lĩnh Nam chích quái thì con Trâu Vàng từ núi Tiên Du chạy sang, tới Hồ Tây thì biến xuống hồ (tức là khi đã có Hồ Tây) và thời gian được xác định là thời Cao Biền tức thế kỷ thứ IX.
Tuy nhiên, theo truyền thuyết Khổng Minh Không, tổ nghề đúc đồng thì sự tích Trâu Vàng lại khác.
“Vị cao tăng Minh Không sang chữa bệnh cho con vua. Để tạ ơn hoàng tử khỏi bệnh, vua cho Minh Không vào kho, muốn lấy gì và bao nhiêu cũng được. Minh Không hóa phép lấy tất cả đồng đen cho vào tay nải rồi ra bờ bể thả nón tu lờ làm thuyền chở về nước, đem đúc chuông. Chuông đúc xong, đánh thử mấy tiếng, bỗng Trâu Vàng từ phương Bắc chạy sang lồng lộn tìm mẹ vì “đồng đen là mẹ vàng”, dẫm nát cả đất sụp thành hồ. Phải ném quả chuông xuống hồ cho trâu khỏi lồng lên. Từ đó, Trâu vàng ẩn dưới đáy hồ”.
Nhưng có sao đâu, truyền thuyết dân gian có nhiều dị bản là chuyện thường tình. Vấn đề là giải mã ý nghĩa mà người xưa gửi gấm trong truyện.
Xét sâu xa thì có lẽ truyền thuyết Trâu Vàng có gốc là sự giao thoa văn hóa giữa gữa các tộc bách Việt và các tộc phi hán thủơ xa xưa. Bởi tại những vùng đất mà ngày xưa là địa bàn cư trú của những dân tộc Ba Thục, Bách Việt ở phía Nam sông Hoàng Hà (phía Bắc là địa bàn tộc Hán) có phong tục đúc hình con trâu bằng kim khí để trấn yểm. Theo sách Từ Nguyên thì vì lẽ đó mà nhiều nơi ở Trung Quốc có tên Kim Ngưu. Tỉnh Tứ Xuyên có một hẻm núi tên là eo Kim Ngưu hiệp, ở thành phố Vũ Xương có gò Kim Ngưu Cương, ở Thường Châu có đầm Kim Ngưu đàm. ở Hàng Châu có Tây Hồ (cực kỳ đẹp) cũng giọi là Kim Ngưu hồ. Tất cả các tỉnh thành này đều ứng với vùng thủơ trước là đất Bách Việt, Ba Thục tức vùng phi Hán tộc. Tất cả không phải do ngẫu nhiên.
Có thể nghĩ là ở khu vực từ Trường Giang đổ xuôi xuống Nam thời cổ sơ có tục đúc Trâu Vàng (đồng) để trấn yểm. Tục đó ở mỗi địa phương được giải thích theo mỹ cảm của từng dân tộc cũng như theo điều kiện lịch sử của từng thời điểm. Như ở Hồ Tây của chúng ta, Trâu Vàng được coi là thần trấn áp cáo chín đuôi từ thời Lạc Long Quân, rồi trở thành có quê quán cụ thể là Tiên Du, sau mới “di cư” sang Hà Nội, hoặc có gốc từ bên Tàu tìm sang ở đất Việt.
Truyền thuyết dân gian biến hóa theo dòng chảy của cuộc đời, tựu trung Trâu được coi là một con vật thiêng có khả năng ma quái, bảo vệ dân lành. Tín ngưỡng thờ Trâu Vàng là một tín ngưỡng cực kỳ phù hợp với nguyện vọng cầu mong một cuộc sống yên ổn của nhân dân ta xưa. Đền thờ Trâu Vàng bên bờ Hồ Tây là một biểu hiện vật chất của tín ngưỡng và nguyện vọng đó. Trên bản đồ Hà Nội vẽ năm 1873 vẫn còn ghi địa điểm đền Kim Ngưu, ở chỗ nay là đầu doi đất Tây Hồ.
Đền này, chỉ bị phá hủy do đại bác quân Pháp vào năm 1947. Nhưng năm 2000 vừa qua, đền đã được Ban quản lý di tích Phủ Tây Hồ đứng ra làm lại khang trang, bề thế, tăng thêm rất nhiều giá trị văn hóa và du lịch cho quần thể di tích Phủ Tây Hồ.
Nguyễn Vinh Phúc (Theo HNNN)