Les Bleus: Tìm lại thời gian đã mất

Thể thao - Ngày đăng : 06:16, 03/07/2006

Bây giờ thì không giấc mơ nào là hoang đường nữa. Tái sinh rực rỡ bằng cách quật đổ uy danh của ĐKVĐ TG và cũng là ứng cử viên số 1, Zizou cùng đồng đội trả lại cho những người yêu mến họ niềm tin chiến thắng, như một cách bù đắp cho những ước vọng và thời gian đã bị phí hoài ở Viễn Đông bốn năm trước.

Pháp: Đã qua rồi cơn ác mộng tại Viễn Đông 4 năm trước!

Bây giờ thì không giấc mơ nào là hoang đường nữa. Tái sinh rực rỡ bằng cách quật đổ uy danh của ĐKVĐ TG và cũng là ứng cử viên số 1, Zizou cùng đồng đội trả lại cho những người yêu mến họ niềm tin chiến thắng, như một cách bù đắp cho những ước vọng và thời gian đã bị phí hoài ở Viễn Đông bốn năm trước.

Guadalajara! Guadalajara!

Là nỗi nhức nhối của những mảnh ký ức vàng-xanh, cũng là địa danh mang đầy âm hưởng hân hoan và kiêu hãnh trong lịch sử bóng đá Pháp, chiến trường xưa vẫn có một chỗ đứng, dù lặng thầm, giữa đêm chiến thắng Frankfurt.

Nơi đó, ngày 21/06/1986, cũng trong một trận tứ kết World Cup, Platini, Tigana, Giresse, Fernandez và đặc biệt là Joel Bats đã chặn đứng "đội bóng đến từ hành tinh khác" của Zico, Socrates, Falcao để xây dựng một tín điều: Les Bleus sẽ không bao giờ còn phải ngán ngại trước Brazil trong những "cuộc gặp thượng đỉnh".

Trận tứ kết đêm qua có diện mạo giống với trận chung kết kỳ diệu đêm 12/07/1998 hơn, khi nhân vật chính vẫn là Zizou và scene chủ chốt là một tình huống cố định. Nhưng từ Paris qua Frankfurt (và biết đâu còn có những địa danh khác trong tương lai), con đường ấy vẫn có điểm xuất phát thật sự là Guadalajara.

Brazil và sự hào nhoáng của vinh quang

Với bất cứ đội bóng nào, cuộc chạm trán với ĐKVĐ TG cũng sẽ mang ý nghĩa của một trận chung kết. Gánh nặng ấy bốn năm trước đã đè dúi dụi đoàn quân tam tài, và bây giờ đến lượt Brazil.

Dẫu rằng họ không ê chề và tủi hổ như người Pháp năm 2002 (bởi đó là lần đầu tiên một đội tuyển Pháp phải, hoặc đúng hơn là được chịu đựng cảm giác bị săn đuổi và thách thức khi mang trên ngực áo một ngôi sao vàng, so với kinh nghiệm chai sạn ở lần thứ tư bảo vệ vương miện vô địch của Brazil), nhưng không thể nói là những anh tài Nam Mỹ không bị tác động.

Tất cả những trụ cột của Brazil đêm qua ra sân đều đã no nê với vinh quang, đặc biệt là sau danh hiệu vô địch Confederation Cup thời điểm này năm ngoái. Khó mà nói họ đã thoả mãn, nhưng niềm khát khao chiến thắng không còn toả một thứ ánh sáng gay gắt trong mắt họ nữa.

Trong ánh phản chiếu của tấm gương quá khứ, người ta nhận ra chính những đối thủ áo lam của họ bốn năm về trước.

Có lẽ không phải là thoả mãn, nhưng chắc chắn đã có những dấu hiệu của sự tự mãn. Lộ trình thuận lợi từ vòng đấu bảng vào tới vòng 2 nuôi nấng sự trì trệ trong tâm trí các cầu thủ Brazil, khi không phải quá nỗ lực mà thành công vẫn đến, thậm chí hành trình ấy còn được tô điểm bằng một loạt kỷ lục.

Confederation Cup 2005 chắc chắn là một sự tác động tiêu cực, một liều thạch tín. Ở đó, Ronaldinho chính thức giành được sự tôn vinh, đồng nghĩa với việc lối chơi của anh bị "mã hoá" dưới con mắt của bất cứ đối thủ nào.

Ở đó, Adriano "đe doạ" chiếc áo số 9 của Ronaldo, nối dài thêm những trang sử về sự hiềm khích quen thuộc giữa những ngôi sao Brazil. Cũng vì vậy mà người ta chờ đợi ở anh (và cả bộ tứ kỳ ảo) quá nhiều, khi quên rằng để đạt được bước tiến ấy, Adriano đã không hề nghỉ ngơi trong suốt hai năm (và đến World Cup 2006 này là ba năm).

Anh là người chứ không phải robot. Một chi tiết trục trặc, cả guồng máy khó tiếp tục vận hành trơn tru.

Sự hào nhoáng của vinh quang nâng Brazil lên lơ lửng trong không trung, kể cả khi Ronaldinho mờ nhạt, Adriano uể oải và Ronaldo lười cả việc ghi thêm bàn thắng.

HLV Parreira không phải không nhận ra điều ấy. Bỏ Emerson và Adriano, đặt cược vào khát vọng và sự sung mãn của các viện binh Gilberto Silva và Juninho, trên lý thuyết thì đó là một quyết định dũng cảm và cần thiết, trước cuộc đối đầu với một địch thủ mạnh và khó lường nhất đối với đội bóng của ông kể từ đầu giải.

Nhưng vấn đề là hai năm nay, đã bao giờ Brazil chơi với sơ đồ 4-4-1-1 chưa?

Sự phân tán trên từng khu vực, sự lúng túng trong phối hợp và bọc lót cho nhau giữa tam giác R.Carlos - Ze Roberto - Juninho ở sườn trái và nhất là Cafu - Gilberto Silva - Kaka ở sườn phải một lần nữa gạch đậm cái gánh nặng của vầng hào quang bao phủ quanh sơ đồ 4-2-2-2, xuất phát điểm của cái hất đầu ngạo nghễ khi công bố đội hình ra sân chính thức trước World Cup những hai tháng.

Cặp pistol Cafu - R.Carlos chưa bao giờ là những chuyên gia phòng thủ, đặc biệt là hậu vệ trái. Tám năm trước, cũng tại tứ kết, anh đã bị Brian Laudrup dạy cho một bài học về sự cẩn trọng khi tận dụng một pha ngả người phá bóng điệu đà (nhưng hụt) của anh để sút tốc nóc lưới Taffarel.

Nhưng đó là trận đấu của Rivaldo, nên thuốc nổ Đan Mạch không làm ngưng được lễ hội.

Tám năm sau, đến lượt Cafu bị "tra tấn" để các đồng đội phải hụt hơi chi viện, còn Ronaldinho vẫn chỉ là một cái tên.

Với một đối thủ "kỵ jeu" như Pháp, bắt đầu của công việc phòng thủ đáng lẽ phải là tiến công, như cách Robinho gìn giữ niềm hy vọng cho những trái tim Brazil cho đến tiếng còi mãn cuộc bằng những cuộc xuất kích tuyệt vọng.

Song, suốt 63 phút đầu, hàng công của họ chỉ có một mình Ronaldo dường như vẫn ngây ngất trong mảnh hư danh "Vua của các chân sút tại World Cup".

Đến khi trở lại mặt đất thì không cách gì giúp anh bắt kịp với tốc độ trận đấu được nữa. Chỉ một cú sút trúng cầu môn và một pha đóng kịch hoàn hảo, quá ít cho bất cứ điều gì.

Phải chăng, khi ra quân với sơ đồ lạ lẫm này, Parreira muốn dành cho đối thủ một sự bất ngờ?

Một lời chúc mừng cho Domenech

Thật bất công cho HLV đội tuyển Pháp nếu sau trận đấu này ông ta vẫn phải chịu đựng búa rìu dư luận. Dù với bất cứ lý do nào, một trận thắng trước ĐKVĐ TG cũng đương nhiên có giá trị như lời bào chữa thuyết phục nhất, và nó đòi hỏi một sự xá miễn.

Ông, con người đã tạo nên sự giằng xé giữa trái tim và lý trí của các cổ động viên áo lam, cuối cùng cũng đã xây dựng được cứ điểm phòng thủ kiên cố trước bão táp. Trezeguet tiếp tục không có mặt, và chắc chắn sẽ còn không có mặt ở đội hình xuất phát trận bán kết, bởi vì đến lúc này Les Bleus đã thật sự đi đúng hướng.

Ông, trong thế "đâm lao thì phải theo lao, ngựa vào đường hẹp làm sao quay đầu", đã đi đến tận cùng sự kiên định (mà nếu thất bại thì đương nhiên nó được gọi là bảo thủ) để chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, cái sơ đồ 4-2-3-1 xơ cứng kia trở nên trơn tru, nhuần nhuyễn và quan trọng hơn cả là tiếp tục mang lại chiến thắng.

Một chiến thắng xứng đáng, như Kalusha Bwalya, thành viên Tiểu ban kỹ thuật FIFA ca ngợi: "Tuyển Pháp chơi gần như đạt đến sự hoàn hảo".

Gần như thôi, bởi đích đến của những đường lên bóng bên phía người Pháp là các quả phạt, bàn thắng duy nhất đến từ một tình huống cố định với dáng dấp của một món quà khi Titi không bị ai theo kèm, và tám pha dứt điểm còn lại hầu như không ép được Dida phải đổ mồ hôi.

Gần như thôi, bởi khi toàn bộ những chiến binh áo lam "lột xác", bên cạnh liều thuốc kích thích về tinh thần khi đối đầu với một địch thủ xứng đáng, bên cạnh việc được chủ động chọn cách chơi cầm nhịp - phản công, bên cạnh những trải nghiệm khi bị tổn thương và khao khát tìm lại thời gian đã mất, còn có dấu ấn rõ rệt của một nhân tố khác.

Zizou - con phượng hoàng bất tử

Vâng, nhân tố ấy chính là Zizou.

Khi chứng kiến anh thiếu chỉ nửa bàn chân để vươn tới bàn thắng từ đường căng ngang của Ribery vào phút 57 trận gặp Tây Ban Nha, người ta đã có thể nghĩ rằng ba phút thần thoại trong trận thắng ngược Anh 2-1 ở EURO 2004 là lần hồi sinh cuối cùng từ đống tro tàn của con phượng hoàng này. Song, may mắn cho nước Pháp là biểu tượng của họ không bao giờ chết.

Cảm nhận về sức sống mới của các cầu thủ Pháp khi đối diện với Brazil, đầu tiên là cảm nhận về Zizou. Một Zizou khoẻ khoắn và trẻ trung hơn hẳn so với chính anh mấy ngày trước.

Một Zizou tốc độ, uyển chuyển và can trường như chính anh đêm thần thoại 12/07/1998, lại có thể "lên lớp" cho các anh hào Nam Mỹ về kỹ năng điều khiển bóng, lại có thể tung hoành trong vòng vây của những cái bóng áo vàng, mở ra những khoảng trống, châm ngòi những đợt tiến công, đẩy trận đấu đi hay hãm nó lại chỉ trong vài động tác, nâng các đồng đội lên và làm lu mờ đối thủ.

Không một tuyển thủ Pháp nào chơi dưới phong độ, nhưng Zizou là tâm điểm chú ý, bởi vì anh là nguyên nhân trực tiếp khiến sơ đồ 4-2-3-1 kia trở nên thanh thoát đến thế. Không còn phải "lo" cho anh nữa, mỗi cá nhân trong tập thể ấy được trở lại là chính mình, với niềm tin tuyệt đối rằng người đội trưởng của họ sẽ giúp họ tìm đến chiến thắng.

Anh, vẫn bình thản và khiêm nhường như trong lễ phong Thánh cho chính mình tại Stade de France; vẫn gần gũi với vòng tay dành cho Henry, người đã từng một thời kình chống chính anh và với cả những "đàn em" như Givet; vẫn giành được sự tôn trọng và khâm phục từ chính các đối thủ, như người ta thấy trong cách Robinho chạy tới chúc mừng anh sau tiếng còi mãn cuộc.

Anh đã hồi sinh, và đó là điểm mấu chốt khiến người bị bất ngờ chính là HLV Pareira, cũng như tất cả những ai đã không tin rằng Les Bleus có thể chơi hay như thế trong cả phòng ngự lẫn tiến công.

Đẳng cấp đích thực là mãi mãi, những điều kỳ diệu chắc chắn là có thật, người ta phải tin vào điều đó khi chứng kiến những gì Zizou thực hiện đêm qua, cũng như khi đã chứng kiến Maradona 1994.

Vĩ thanh

Nếu đã tạm lắng những khúc hoan ca, nếu đã tạm ngớt những lời xưng tụng, R.Domenech và đoàn quân của mình cần phải nhìn về phía trận bán kết một cách thực tế hơn.

Bồ Đào Nha là một Brazil châu Âu. Bồ Đào Nha đã từng hai lần là bại tướng dưới tay họ tại bán kết các kỳ EURO 1984 và 2000. Hàng công của Bồ Đào Nha thậm chí còn không so sánh được với họ khi Pauleta vẫn mãi vô duyên, và chỉ có thể lặn lội vào đến bán kết qua hai loạt sút luân lưu.

Tất cả những điều đó có thể khiến người Pháp tự tin vào cơ hội chiến thắng, nhưng thật ra, đó cũng là một cái bẫy của phù hoa. Dưới tay Big Phil, Bồ Đào Nha là một đối thủ vô cùng khó chịu đối với bất cứ đội bóng nào. Thiếu Deco và Costinha, Figo cùng đồng đội vẫn có cách để bắt người Anh ôm hận, mà trận tới họ sẽ trở lại sung mãn và sục sôi khát khao hơn.

Nếu không giữ được đôi chân trên mặt đất, Pháp rất có thể sẽ lâm vào vũng lầy của Brazil hôm nay.

Zizou đã tìm lại được sự hưng phấn, chắc chắn Big Phil không bỏ qua điều đó. Nhiệm vụ của Domenech và của chính Zizou là duy trì được niềm hứng khởi ấy, đồng thời cũng phải có phương pháp bảo vệ trước những miếng tiểu xảo hòng phá huỷ nó từ phía đối thủ.

Điều tốt nhất cho Les Bleus là sau chiến thắng đêm qua, họ không được phép trở thành "đội bóng một người".

Đừng ngoảnh lại, cũng đừng nhìn quá xa về phía trận chung kết. Vẫn còn một cửa ải trước khi đến được đích cuối của cuộc hành trình tìm lại thời gian đã mất, nơi có thể cống hiến tất cả mà không cần phải lo nghĩ đến bất cứ chặng đường nào sau đó nữa.

Theo VNN

HA OANH