Làng Cống Vị

Xã hội - Ngày đăng : 09:50, 27/06/2006

(HNMĐT)- Cống Vị là một làng nhỏ (năm 1926, chỉ có 260 người), nằm giữa đoạn cuối của phố Đội Cấn và đường Bưởi. Đây cũng là một làng của khu “Thập tam trại” (13 trại ở phía Tây Kinh thành Thăng Long được lập nên do một vị dũng sĩ họ Hoàng người làng Lệ Mật - nay thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên).

(HNMĐT)- Cống Vị là một làng nhỏ (năm 1926, chỉ có 260 người), nằm giữa đoạn cuối của phố Đội Cấn và đường Bưởi. Đây cũng là một làng của khu “Thập tam trại” (13 trại ở phía Tây Kinh thành Thăng Long được lập nên do một vị dũng sĩ họ Hoàng người làng Lệ Mật - nay thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên).

Phía Bắc làng tiếp giáp thôn Cống Yên của làng Vĩnh Phúc, phía Nam giáp làng Thủ Lệ, phía Đông là khu hồ nước chung với hai làng Liễu Giai và Kim Mã Thượng, phía Tây giáp đường Bưởi chạy dọc sông Tô Lịch, bên kia sông là một phần làng Thượng Yên Quyết cũ (nay thuộc phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy).

Cống Vị có hai họ chính, cũng là hai họ sinh sống tại làng từ lâu đời là họ Nguyễn và họ Trương. Trai đinh trong làng được chia thành ba giáp : Nhất - Nhì - Ba. Giáp Nhất đông người hơn cả, trong khi giáp Ba bé nhất, chỉ chừng hơn 20 suất đinh.

Xưa kia, dân làng Cống Vị cấy lúa, trồng các loại hoa màu như ngô, khoai, đỗ, bầu bí trên phần ruộng đất công được chia (mỗi suất đinh được từ 3 - 4 sào ruộng công, tùy thời kỳ). Dân làng không có nghề phụ, cũng không chạy chợ kiếm thêm thu nhập, vì thế mặc dù bình quân diện tích ruộng đất ở đây tương đối cao, nhưng trước Cách mạng Tháng Tám 1945, làng rất nghèo, không có gia đình nào giàu có, các gia đình chức dịch cũng không xây được nhà ngói. Có năm, vì quá nghèo, dân làng không nộp đủ tiền thuế, lý trưởng làng bị quan trên cùm trói, đánh đập oan. Dân làng cũng không có người học hành đỗ đạt, đi làm công nhân cho các nhà máy hay làm viên chức cho các công sở, chỉ có một số ít nam giới vào các phố trong nội thành kéo xe tay. Khi Cải cách ruộng đất, làng không có người nào thuộc thành phần địa chủ, phú nông.

Làng Công Vị hiện vẫn còn ngôi đình nhỏ, nằm cách phố Đội Cấn không xa. Đình đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa năm 1999, thờ thần Linh Lang. Theo truyền thuyết, khi lập làng, dân làng đã xin duệ hiệu thần để thờ, thần đã nhập vào thủ từ đền Voi Phục ở Cầu Giấy rồi quăng lá cờ đến chỗ đầu làng Cống Vị. Dân làng bèn lập miếu thờ thần, về sau dựng đình. Làng tổ chức hội vào ngày mồng 10 tháng Hai, có tế lễ và rước từ làng ra đền Voi Phục. Làng dành ra 1 mẫu ruộg công để các giáp luân phiên sửa lễ thờ thần. Làng không có chùa. Các vãi bà phải đi lễ Phật ở chùa Bát Tháp hay chùa và chùa làng Vĩnh Phúc.

Cống Vị ngày nay trở thành khu dân cư đông đúc. Ngoài khu dân cư gốc, khu hồ ao được lấp để hình thành các con đường mới, một số cơ quan cùng các khu tập thể của cán bộ công nhân viên chức.

TS. Bùi Xuân Đính

TUYETMINH