Lò luyện thi: "Cấp tốc" bán sự...yên tâm
Giáo dục - Ngày đăng : 09:46, 07/06/2006
Đâu đâu cũng... quảng cáo
Một vòng các lò luyện thi trên địa bàn TP.HCM, nhất là các điểm nóng có nhiều lò luyện thi như các trung tâm luyện thi của ĐH Sư phạm, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Bách khoa..., đến đâu chúng tôi chúng tôi cũng nhận được các tờ bướm quảng cáo về các trung tâm: “luyện giải đề thi với dạng đề thi của Bộ GD-ĐT đang hiện hành, “các giảng viên ĐH, CĐ, THPT giỏi, uy tín, có nhiều kinh nghiệm trong luyện thi ĐH”... Chị N.Hạnh, ghi danh ở Trung tâm luyện thi của ĐH Sư phạm TP.HCM (cơ sở 3, trên đường Phạm Ngũ Lão, Gò Vấp) cho biết, 2 ngày nay thí sinh kéo đến đăng ký luyện thi rất đông, mỗi ngày khoảng 100 thí sinh. Rồi chịđưa ngay vào tay chúng tôi danh sách đăng ký và nói: “Nếu em muốn học thi ghi danh ngay kẻo... hết chỗ, trung tâm chị năm nay đông HS đến đăng ký lắm mà thầy và lớp chỉ có hạn". Đầu tuần, chúng tôi tìm đến các trung tâm luyên thi thuộc ĐH Sư phạm, trường Bồi dưỡng văn hoá Minh Thông trên đường Đinh Tiên Hoàng (Bình Thạnh, TP.HCM), HS ghi danh khá đông. Tại số 131 Đinh Tiên Hoàng, anh nhân viên hầu như không còn thời gian để trả lời những thắc mắc của học viên. Mà chỉ kịp nói: "Xem chi tiết sau tờ giấy". Và học viên sẽ được biết thông tin: "Rèn luyện kỹ năng giải đề ĐH nhanh, chính xác. Dạy theo định hướng tuyển sinh ĐH năm 2006 của Bộ GD - ĐT". Phải mất 15 phút tại trường Bồi dưỡng văn hoá Minh Thông, chúng tôi mới hỏi được cô nhân viên ghi danh: "Lớp A2 sẽ học cả ngày và cả chủ nhật?" Và chỉ nhận được cái gật đầu vội vàng vì cô phải ghi biên lai và nhờ người dẫn học viên đến phòng học. Thấy tôi săm soi cái lớp học từ 7h-11h45 và từ 13h-17h45, cô bé Thanh Tuyền - đi đăng ký luyện thi khối A ra chiều có kinh nghiệm: "Chị phải hỏi lại em chị, chứ học cả ngày thế không tiếp thu nổi đâu". Tuyền nhìn vào tờ quảng cáo và nói: "Cứ theo trong này, ai cũng sẽ đậu ĐH", vì họ "nhận thức đúng hướng ra đề, nắm chắc kiến thức...". Tuyền mang ra một tờ bướm khác với dòng chữ "Tổng ôn chương trình TSĐH 2006, giải đề thi TS dự trữ các năm qua nhằm giúp HS có đủ khả năng thi đậu vào ĐH và CĐ", rồi chặc lưỡi: "Đậu hay không, 90% do mình, do vốn kiến thức đã có sẵn. Đến luyện thi chỉ để hệ thống lại kiến thức. Coi như bỏ ra 450.000 để cân bằng mình. Em ngồi ở nhà riết, học không vô"...
Chen nhau đến...lò TS Ngô Thiện, giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Văn hoá và Luyện thi, ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết, mới 2 ngày mở khai giảng Trung tâm đã có hơn 1.000 HS đăng ký học, và dự kiến sẽ có khoảng 1500 thí sinh đăng ký trong đợt này. Với xu hướng thí sinh đăng ký học 2 ngày này thì con số còn tăng cao nữa. Tuy nhiên, trung tâm cũng chỉ có nhận được vậy bởi chỗ học và số lượng giáo viên bố trí dạy cũng cóhạn. TS Ngô Thiện cho rằng, dự kiến, đề thi có thể phân hoá trình độ HS giỏi, HS khá được rõ nét hơn. Đề có những câu phân loại HS giỏi, khá: 70% trong chương trình lớp 12, 30% trong lớp 11và khai thác những cái hay trong sách để...toàn bộ giáo viên trung tâm nắm được tinh thần này và dựa vào đó để soạn bài giảng. Tuy nhiên, học luyện thi đâu phải là... phép màu, nhiều giáo viên thống nhất với nhận xét: "Thực sự thì chỉ có một tháng để ôn thi. Vì vậy, thí sinh được các giáo viên “gút” lại những vấn đề trọng tâm, căn bản và dễ ra đề nhất". Theo số điện thoại ở một tờ bướm, chúng tôi liên lạc với thầy Trần Giang Nam (cố vấn học tập của Trung tâm luyện thi chất lượng cao QSC) để nhờ cố vấn giùm. Với những thông tin về học lực của em mình: đợt thi tốt nghiệp vừa rồi cũng khá, Toán làm gần hết, Hoá chỉ sai có 1 câu và hỏi thầy xem có nên ôn thi cấp tốc không. Thầy trả lời thật tình: cũng khó nói, nêu cháu đã học khá rồi thì yên tâm phần nào. Thời gian một tháng thì không thể bằng chín tháng được. Chúng tôi sẽ có bài kiểm tra cho cháu và hướng dẫn cháu cặn kẽ hơn về phương pháp học và cách làm bài thi sao cho phù hợp. Sau một vài thông tin về HS, thầy còn bỏ ngỏ: "Nếu học khá, thông minh, nắm cũng kiến thức và có chút tự tin khi đi thi thì không đến nỗi". Ghé vào một Trung tâm luyện thi trên đường Đinh Tiên Hoàng (TP.HCM) với vai trò của chị cả đi tìm cho ôn thi cấp tốc cho đứa em còn ở quê. Cô nhân viên hơi đứng tuổi thật lòng: "Em đã học qua ĐH rồi nên cô mới nói, một tháng ôn thi cũng không mang lại kết quả gì bất ngờ cả. Các trung tâm chỉ gói gọn lại kiến thức đã học cho bọn trẻ. Và chủ yếu là tạo cho các em cảm giác yên tâm khi vào phòng thi. Vì ít ra mình cũng đã ôn luyện rồi". Cũng chính vì thế, hầu hết các trung tâm luyện thi cấp tốc đều nhận được những HS đến từ các tỉnh thành khác. Nói như bạn Văn Toàn (Long Thành): "Ở dưới quê đâu biết các thầy trên này dạy như thế nào. Cũng không biết các thầy cô chấm bài theo kiểu gì nữa. Nên phải khăn gói lên đây để học hỏi cách làm bài theo kiểu đại học". Toàn và 2 người bạn nữa, mỗi người đăng ký ở một lò luyện khác nhau để...học được nhiều "tinh hoa" hơn. Luyện ít... chơi nhiều Nguyễn Lan Anh, quê ở An Giang lên thành phố luyện thi được 2 ngày tâm sự, đi luyện thi để yên tâm thôi chứ cũng xác định trước là cũng chẳng thu được gì. Tuy nhiên được đi xa nhà, xa gia đình 1 tháng cũng được thoải mái... 1 chút. Em chỉ đi ôn luyện buổi tối còn ban ngày em ngoài học bài ra là đi chơi với tụi bạn. L Anh kể: Nhóm bạn em gồm 5 người lên TP ôn thi. Tụi em đang lên kế hoạch cho chuyến đi chơi dài hơi trong 1 tháng xa nhà, đứa thì bảo sẽ thăm quan các danh lam thắng cảnh của thành phố ban ngày, tối vẫn đi ôn luyện bình thường. Đứa khác lại đề nghị đi đi chơi xa, lúc đi học, lúc... nghỉ. Bảo Anh luyện thi ở Trung tâm luyện thi chất lương cao (ĐH Sư phạm TP.HCM) nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng cho biết: buổi đầu tiên đi ôn luyện nên chưa học được gì nhiều, không biết do chưa quen cách giảng của thầy hay do trình độ tiếp thu không kịp mà em chỉ nắm được khoảng 20% kiến thức thầy truyền thụ cho. Bảo Anh thừa nhận: “Thế là tốt rồi, trước khi lên đây luyện thi tụi em xác định chơi là chính, học là.. phụ, bởi chỉ có 1 tháng thì học thì làm sao mà có hy vọng nhiều. Nhưng thấy bạn đi ôn thi mà mình không đi thì cũng... không yên tâm”. Trần Mạnh Cường, đã 1 lần đi ôn thi cấp tốc cho biết: "Khó mà học được khi chưa có kiến thức nền. Vì thế, những HS trung bình không thể theo được. Có nhiều trung tâm, họ nhận HS mới vào, học cùng với những người đã ôn trước đó cả năm. Mà mới chỉ ngồi chép đề, chép bài giải và...học thuộc lòng". Năm trước, Cường đóng tiền học ôn thi, chưa hết thời gian quy định đã bị trung tâm cho nghỉ ngang và hứa sẽ hoàn trả lại một phần học phí nhưng không thấy đâu. Nhiều trung tâm có ký túc xá cho các sĩ tử thuê ở để học, trung bình khoảng 150-200 người, tháng. Tính sơ sơ, một sĩ tử lên luyện thi trong một tháng mất khoảng gần 1 triệu tiền học phí và tiền ở (chưa kể tiền ăn). Khá nhiều sĩ tử khoe là mang theo 2 triệu để...mua sự yên tâm cho mình. Mức thu học phí của các trung tâm này từ 400.000-600.000 đồng/khóa/khối thi. Theo TS Ngô Thiện, “so với năm ngoái học phí thấp hơn 1 chút, chỉ có 400.000 đồng/tháng, trong khi đó giờ học lại tăng lên 43 tiết (học 2 buổi/ngày và học kín cả tuần)”. Theo VNN