Làng Giáp Bát

Xã hội - Ngày đăng : 09:01, 06/06/2006

(HNMĐT)- Giáp Bát vốn lầ một trong 9 giáp của làng Sét (Thịnh Liệt). Về sau, các giáp tách thành các làng riêng, lấy số thứ tự của giáp làm tên gọi cho làng là : làng Nhất, làng Nhì v. v. Giáp Bát gọi là làng Tám, nằm giữa Quốc lộ 1 và đường Trương Định. Đầu thế kỷ XIX, Giáp Bát là một thôn thuộc tổng Thịnh Liệt (còn gọi là tổng Sét), huyện Thanh Trì, trấn Sơn Nam Thượng (năm 1831 là tỉnh Hà Nội, năm 1904 là tỉnh Hà Đông).


Đầu thế kỷ XX, Giáp Bát nhập thêm Giáp Thất vì giáp này còn quá ít đinh. Cả hai làng - giáp hợp thành một xã thuộc huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, từ năm 1942 thuộc Đại lý đặc biệt Hà Nội.

Sau Cải cách ruộng đất, Giáp Bát thuộc xã Hoàng Văn Thụ. Đến năm 1961 thuộc xã Đoàn Kết, lại đổi tên thành Thịnh Liệt. Năm 1973, Giáp Bát tách ra thành một tiểu khu thuộc khu phố Hai Bà Trưng, từ năm 1981 trở thành phường Giáp Bát của quận Hai Bà Trưng, từ đầu năm 2004 thuộc quận Hoàng Mai.

Giáp Bát có các họ gốc là Nguyễn Đình, Nguyễn Văn, Phạm, Vũ (gốc làng Mộ Trạch tỉnh Hải Dươg chuyển cư lên), Đặng (gốc họ Trần làng Chúc Sơn, huyện chương Mỹ, Hà Tây). Làng có hai xóm là xóm Trong và xóm Ngoài. Giáp Bát là làng tương đối đông dân (năm 1928 có 1273 nhân khẩu).

Dân Giáp Bát làm ruộng là chính, những lúc nông nhàn thì phụ nữ làm thêm nghề vàng mã, thêu ren gia công cho các chủ hiệu người Pháp ở trên phố, hoặc làm hàng sáo, làm bún ốc để bán, làm vàng mã; nam giới hoặc đi làm công nhân cho các công xưởng, một số học được nghề đóng đô da làm công cho các chủ hiệu ở phố Hàng Trống. Đầu thế kỷ XX, tuyến đừng sắt Bắc - Nam chạy qua làng, một ga đường sắt được lập tại đây, gọi là ga Giáp Bát. Rất nhiều người trong làng kiếm sống tại ga này bằng buôn bán, bốc vác. Từ đầu thập kỷ 30 của thế kỷ XX, phía trên ga Giáp Bát, đoạn đường từ Đuôi Cá đến phố Vọng hình thành một dãy phố nhỏ gọi là phố Tám, từ đầu những năm 60 trở đi phố mới được mở mang.

Hai phần ba dân làng Giáp Bát theo Công giáo, trong đó tập trung ở họ Nguyễn Đình. Nhà thờ Công giáo được xây năm 1911, là một nhà thờ lớn, thuộc địa phận Hà Nội, có Linh mục người Việt cai quản. Nhiều giáo dân làng Tám được nhà thờ nâng đỡ, trẻ con được học chữ Pháp, chữ quốc ngữ, sau trở công chức hoặc làm thư ký cho các hãng tư, nhiều người tốt nghiệp đại học. Vì theo Công giáo nên tập tục, nếp sinh hoạt của Giáp Bát toàn khác biệt với các làng Sét còn lại nên người ta có cảm giác làng này không phải nằm trong vùng Sét. Đặc biệt, khi Thiên chúa giáo vào làng, dân làng bỏ nghề làm vàng mã.

Giáp Bát trước đây có ngôi đình là đình chung của 9 làng Sét, thờ thành hoàng là thần Tam lang. Sau này khi tách riêng thành xã, thì mỗi làng - giáp xây đình riêng, vẫn thờ thần Tam lang và thờ thêm thần của từng làng. Ngôi đình chung này chuyển cho bộ phận lương dân của làng cai quản. Ngày nay, Giáp Bát đã trở thành phố phường đông đúc.

TS. Bùi Xuân Đính

TUYETMINH