Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Khẩn trương sửa đổi Luật Đất đai theo tinh thần mới
Đời sống - Ngày đăng : 11:50, 12/05/2022
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ điểm cầu chính tại trụ sở HĐND - UBND quận Đống Đa tới 56 điểm cầu ở trụ sở 2 quận Ba Đình, Hai Bà Trưng và các phường trên địa bàn 3 quận.
Lãnh đạo thành phố dự hội nghị có các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố; Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố; Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố...
Kiến nghị sớm sửa Luật Đất đai, Luật Thủ đô
Tại hội nghị, cử tri đã nghe đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt (Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) báo cáo về dự kiến nội dung kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Trúc Anh (Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội) báo cáo tổng hợp trả lời của các bộ, ngành và thành phố Hà Nội về ý kiến, kiến nghị của cử tri 3 quận trong kỳ tiếp xúc trước.
Nêu ý kiến, kiến nghị với đại biểu Quốc hội, cử tri 3 quận ghi nhận, đánh giá cao công tác lãnh đạo của Trung ương Đảng, điều hành của Chính phủ và giám sát của Quốc hội, coi đây là cơ sở quan trọng hàng đầu giúp nước ta kiểm soát và từng bước đẩy lùi đại dịch Covid-19. Với tinh thần thống nhất từ trên xuống dưới như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nói “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, Hà Nội và cả nước đã phục hồi mạnh mẽ phát triển kinh tế, giữ vững an ninh - quốc phòng, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước chuyển sang trạng thái bình thường mới.
Đáng chú ý, cử tri các quận khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của Hội nghị Trung ương năm (khóa XIII) vừa kết thúc; đồng thời kiến nghị Quốc hội khẩn trương thể chế hóa các chủ trương mới của Đảng, trước hết là sửa đổi Luật Đất đai.
Ngoài ra, cử tri Phùng Huy Đang (phường Trung Phụng, quận Đống Đa) kiến nghị Quốc hội tăng cường trách nhiệm của cơ quan tham mưu xây dựng dự thảo luật, khắc phục có hiệu quả việc dự thảo luật chậm được thông qua hoặc triển khai thực hiện sau một thời gian ngắn lại sửa đổi, bổ sung; có giải pháp khắc phục tình trạng khai thác cát trái phép, gây thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến môi trường.
Cử tri Phan Quang Bách (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) kiến nghị Quốc hội tập trung giám sát xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng lớn; nâng cao hơn nữa công tác thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm kịp thời, quyết liệt, hiệu quả.
Cử tri Phương Hữu Phú (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) kiến nghị Quốc hội tăng cường giám sát, phát huy hơn nữa quyền dân chủ của nhân dân, nhất là trong việc cho ý kiến vào quy hoạch công trình, dự án trên địa bàn, qua đó hạn chế tối đa tác động tiêu cực tới tài nguyên, môi trường.
Trao đổi, giải đáp ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền của thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh đã làm rõ nhiều nội dung cụ thể liên quan đến 15 vấn đề được 8 cử tri nêu trực tiếp tại hội nghị. Trong đó, về việc sửa đổi Luật Thủ đô, đồng chí cho biết, thành phố đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và các cơ quan của Quốc hội để chuẩn bị dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi để trình ra Quốc hội kỳ này. Ngay trong chiều nay (12-5), UBND thành phố tiếp tục có buổi giải trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này.
Chủ tịch UBND thành phố cũng cho biết, vừa qua Thành ủy Hà Nội đã có nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng, đó là 2 chỉ thị về tăng cường quản lý đất đai, trật tự xây dựng, khoáng sản và quy hoạch và tập trung đầu tư công giai đoạn 2021-2025 vào 3 lĩnh vực trọng tâm là y tế, giáo dục và văn hóa. Đây cũng chính là những vấn đề mà cử tri đang quan tâm và thành phố đang thực hiện.
Tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng về Nghị quyết số 15-NQ/TƯ
Thay mặt các đại biểu Quốc hội phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định nghiêm túc tiếp thu, ghi nhận đầy đủ từng ý kiến, kiến nghị của cử tri để báo cáo Quốc hội và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trả lời cử tri. Đề cập các ý kiến cụ thể của cử tri nêu, Tổng Bí thư đã làm rõ 3 nhóm vấn đề.
Trước hết, về nhiều ý kiến đề nghị sớm thông qua Luật Đất đai sửa đổi, đồng chí cho biết, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) vừa kết thúc đã tập trung bàn vấn đề này. Nghị quyết đầu tiên của hội nghị cũng chính là về vấn đề đất đai, cho thấy sự thống nhất “ý Đảng, lòng dân”.
Dẫn lời của Các Mác rằng “lao động là cha, đất là mẹ của của cải vật chất”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa chỉ ra rằng, đất đai là tư liệu sản xuất cơ bản, có ý nghĩa rất quan trọng. Thời gian qua, nhiều người giàu lên vì đất, nhưng nhiều người nghèo đi cũng vì đất, mất cả tình anh em, đồng chí, thậm chí là tình cha con cũng vì đất. 75% vụ khiếu kiện đều liên quan đến đất đai. Đồng chí khẳng định, nhiệm vụ đặt ra đối với Quốc hội là phải khẩn trương sửa đổi Luật Đất đai theo tinh thần mới để phát huy tối đa nguồn lực từ đất cho đất nước phát triển.
Nhấn mạnh với Thủ đô Hà Nội, đất đai lại càng quý, Tổng Bí thư đề nghị lãnh đạo các cấp thành phố phải quan tâm sâu sắc đến vấn đề này, quản lý chặt chẽ tài nguyên đất đai.
Thứ hai, về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà cử tri đề cập, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, dưới sự chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, kịp thời của Trung ương, chỉ tính từ tháng 1-2022 đến tháng 4-2022, cả nước đã điều tra 1.264 vụ/2.038 bị can; truy tố 742 vụ/594 bị can; xét xử sơ thẩm 737 vụ/1.567 bị cáo về các tội tham nhũng kinh tế, chức vụ; trong đó khởi tố mới 125 vụ án/259 bị can...
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng khẳng định, cử tri có thể yên tâm về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vì Trung ương chỉ đạo kiên quyết làm và phải làm mạnh mẽ hơn nữa. Vừa qua, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) đã biểu quyết 100% nhất trí chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh; trước đã tập trung chỉ đạo ở cấp Trung ương, tới đây tiếp tục đẩy mạnh ở các địa phương, để không ai đứng ngoài cuộc. Tổng Bí thư đề nghị Hà Nội phải đi đầu về thành lập Ban Chỉ đạo, lựa chọn cán bộ xứng đáng; cử tri Thủ đô tiếp tục quan tâm giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thứ ba, về Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu thành phố Hà Nội nhân đà này tổ chức một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, học tập, nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết thật sự hiệu quả. Trung ương đã chỉ đạo Quốc hội phải quan tâm xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi thật tốt, tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển. Hà Nội cũng phải xây dựng chương trình hành động khoa học, bài bản, từ kinh nghiệm thực hiện các nghị quyết trước đây của Bộ Chính trị để triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị thật hiệu quả.
Đồng chí mong rằng, tất cả cử tri và người dân Thủ đô sẽ chung sức, đồng lòng thực hiện Nghị quyết; mỗi người thực sự tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, văn hóa; cùng nhau truyền cảm hứng, lan tỏa những giá trị quý báu như văn hiến, anh hùng; hào hoa, thanh lịch; “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”; nơi lắng hồn núi sông ngàn năm để khơi dậy niềm tự hào, khát vọng vươn lên, quyết tâm xây dựng Hà Nội xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính của quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, kinh tế và hội nhập quốc tế, Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo...
“Nhân đà này, ngay từ nhiệm kỳ này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô hãy phấn đấu phát triển mạnh mẽ, nâng tầm và vị thế mình lên để không thua kém gì các thủ đô trên thế giới”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng chúc Thủ đô ngày càng phát triển; đồng bào Thủ đô là tấm gương mẫu mực trong cả nước.