“Luật Hiến, lấy, ghép mô và bộ phận cơ thể mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc”
Xã hội - Ngày đăng : 08:13, 02/06/2006
GS.TSKH Lê Thế Trung - Chủ tịch Hội đồng tư vấn chuyên môn về ghép tạng Việt Nam, ủy viên ban soạn thảo Luật Hiến lấy, ghép mô và bộ phận cơ thể đã cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến trình dự án Luật về hiến, lấy, ghép mô và bộ phận cơ thể tại Quốc hội ngày 1-6.
- Xin giáo sư cho biết lý do tại sao chúng ta lại chọn thời điểm này để trình Dự án Luật về hiến, lấy, ghép mô và bộ phận cơ thể người?
-Tại Việt Nam, từ đầu năm 1992 đã bắt đầu ghép tạng và đến nay đã thực hiện được khoảng 190 ca. Chúng ta làm việc này dựa vào Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, trong đó có chương riêng về hiến, ghép mô và bộ phận cơ thể. Tuy nhiên, luật này có nhiều hạn chế trong các quy định về lĩnh vực hiến tạng. Hiện nay, cả nước có 10 đơn vị thực hiện được ghép tạng là: Viện 103 (Học viện Quân Y), BV Nhi TƯ, BV Việt Đức, BV Bạch Mai, BV TƯ Huế, BV Đà Nẵng, BV Chợ Rẫy, BV Nhân dân Gia Định, BV Nhân dân 115, BV Nhi Đồng 2. Bệnh viện Quy Nhơn (Bình Định) đề nghị cuối năm nay cũng sẽ triển khai ghép thận. Đâylà những tín hiệu rất đáng mừng. Thêm nữa, nhu cầu ghép thận nước ta ngày càng tăng, đã có tới 250 trường hợp phải sang Trung Quốc ghép vì trong nước không có người thân cho nội tạng. Trên cơ sở đó, đòi hỏi phải có một Luật để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn.
- Điểm mới của Luật này so với Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân là gì, thưa GS ?
- Trong Luật Bảo vệ sức khỏe hoàn toàn không nói gì đến tình trạng “chết não” và Luật Hiến, lấy, ghép mô và bộ phận cơ thể đã có quy định rõ ràng về điều này nhằm giải quyết vướng mắc với những quy địnhvề trách nhiệm, quyền lợi của người hiến... Hiện tại, Bệnh viện 103 đang tiến hành ghép thực nghiệm trên lợn để khi luật được thông qua, bệnh viện sẽ chủ động hơn trong việc ghép tim.
- Làm thế nào để xác định là một người đã “chết não”, thưa GS ?
- Để sử dụng được tạng của người cho, đòi hỏi tạng đó còn sống, mô tạng sống tốt. ở các nước, việc lấy tạng được thực hiện khi người đó bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não rất nặng (chết não), nguy kịch đến mức không thể sống được nữa, nhưng các bộ phận của cơ thể vẫn hoạt động tốt. Như thế được gọi đó là người chết não. Còn làm thế nào để biết não chết thì quốc tế đã có những 7 tiêu chuẩn, thế nên chúng ta hãy yên tâm làm theo họ vì họ có trình độ y học tiên tiến vàđã làm những việc này trước ta mấy chục năm rồi.
- Thưa GS, trong luật có quy định việc hiến, phân phối tạng để đảm bảo công bằng không ?
- Trong Luật đã có các quy định rất chặt chẽ về hiến, phân phối tạng, thành lập các ngân hàng tạng để lưu giữ tạng của người cho... Bộ phận phân phối tạng hoàn toàn độc lập với bộ phận thực hiện ghép tạng. Vì đây là một Luật rất nhạy cảm và ảnh hưởng đến tính mạng con người, nên Ban soạn thảo Luật đã tham khảo rất nhiều luật của các nước, và đưa ra những quy định rất chặt chẽ để tránh kẻ cơ hội lợi dụng. Để tránh thương mại hóa việc ghép tạng, luật quy định ghép tạng là việc hoàn toàn phi lợi nhuận.
- Theo GS, nếu được Quốc hội thông qua, Luật này sẽ có ý nghĩa như thế nào ?
- Theo tôi, Luật Hiến, lấy, ghép mô và bộ phận cơ thể mang ý nghĩa rất nhân đạo. Thứ nhất, nó góp phần vào việc bảo vệ sức khỏe nhân dân. Thứ hai, về mặt kinh tế sẽ giúp cho người bệnh trong nước giảm gánh nặng chi phí khi phải ra nước ngoài ghép tạng. Nếu ghép ở nước ngoài, mỗi ca ghép thận thấp nhất khoảng 17.000 USD, cao nhất là 30.000 - 50.000USD. Trong khi đó, ở nước ta chi phí rẻ hơn nhiều.
- Cảm tưởng của GS nhưthế nào nếu Quốc hội thông qua Luật này?
- Tôi tin tưởng Quốc hội sẽ thông qua Luật này, vì Luật mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo cao cả. Nếu được Quốc hội thông qua, tôi mong rằng các cơ quan liên quan sẽ thực hiện tốt Luật này, góp phần chăm sóc tốt hơn sức khỏe của nhân dân và người bệnh sẽ có thêm nhiều cơ hội sống.
- Xin cám ơn GS !
Tùng Linh thực hiện