Thắng làm vua, thua làm giặc
Thể thao - Ngày đăng : 07:20, 02/06/2006
Các cầu thủ đội tuyển Anh luyện tập
Cái giá phải trả cho kẻ có mộng làm vua là như vậy. Thật tội nghiệp cho Lazaroni, bởi chính ông đã đặt nền móng giúp Carlos Alberto Parreira và Luiz Felipe Scolari đem về ngai vàng thế giới cho Braxin vào các năm 1994, 2002. Nhưng, trong biên niên sử bóng đá Braxin không hề ghi công Lazaroni. Ông này nghiễm nhiên bị xem là nhà cầm quân tồi tệ nhất trong lịch sử đội tuyển quốc gia!
Đó là bài học từ lịch sử World Cup. Dù đã có tấm gương Larazoni, vẫn có không ít kẻ muốn làm chuyện lớn tại World Cup lần này với những ý tưởng cực kỳ gây sốc. Sven Goran Eriksson là một người như vậy.
Ông Eriksson (trái) trao đổi cùng trợ lý của mình về đội tuyển Anh
Bất chấp chấn thương của Wayne Rooney khá trầm trọng, Eriksson vẫn dành suất cho cầu thủ này với lý luận: “Tôi muốn Rooney có mặt ở World Cup, dù chỉ một trận. Hy vọng đó sẽ là trận chung kết”!. Cảm nhận chung của giới quan sát là Eriksson quá liều lĩnh khi chọn một cầu thủ có rất ít cơ hội ra sân ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Cứ cho rằng Wayne Rooney sẽ bình phục chấn thương, nhưng liệu đội tuyển Anh có lọt vào trận chung kết World Cup để Eriksson thỏa chí chọc giận giới chuyên môn Anh (Bobby Charlton, Alex Ferguson, Martin Jol, Alan Curbishley)?
Nói về sự mạo hiểm của Eriksson, còn phải kể đến sự lựa chọn Theo Walcott. Một cầu thủ 16 tuổi, chưa từng đá ở Premiership, chưa có thành tích gì nổi bật nhưng sẽ là tiền đạo của Anh, một trong những đội tuyển mạnh nhất thế giới ở World Cup 2006. Nếu so sánh với Wayne Rooney, Eriksson còn liều hơn ở trường hợp Theo Walcott. Nếu là HLV đội Anh, bạn có dám chọn hàng tiền đạo dựa vào tài ghi bàn của cầu thủ chân gỗ Peter Crouch?
World Cup 2006 không chỉ có một kẻ liều lĩnh Eriksson. Jose Pekerman cũng liều mình như chẳng có khi loại bỏ bộ ba công thần Walter Samuel, Javier Zanetti và Juan Sebastian Veron, chọn những cầu thủ lạ hoắc Lionel Scaloni, Rodrigo Palacio hoặc Nicolas Burdisso. Những mâu thuẫn riêng (thay vì lý do chuyên môn) mới là nguyên nhân dẫn đến quyết định thay sự ổn định, chọn sự mạo hiểm của Pekerman.
Eriksson và Pekerman đều dám nghĩ, dám làm và dám phớt lờ dư luận. Dù khả năng thất bại cao hơn xác suất thành công nhưng họ vẫn mạnh dạn liều lĩnh một phen. Suy cho cùng, nếu Eriksson thất bại thì nước Anh sẽ bỏ lỡ một cơ hội vàng với một thế hệ vàng, còn vị HLV Thụy Điển chỉ mất một góc danh tiếng.
Trong cuộc trao đổi, Eriksson và Pekerman chỉ có lời chứ không lỗ. Hy vọng rằng sẽ có một người được làm vua, nhưng chắc chắn ít nhất một người sẽ phải “làm giặc”, bởi chiếc cúp vàng FIFA World Cup chỉ có một mà thôi.
Mây Sơn