Tuyên phạt các bị cáo trong đường dây vận chuyển hơn 30 nghìn tỷ đồng qua biên giới
Pháp đình - Ngày đăng : 16:04, 22/12/2022
Theo cáo trạng, từ năm 2016, do có một số đối tượng có nhu cầu thuê chuyển tiền trái phép ra nước ngoài, Nguyễn Thị Nguyệt mua hồ sơ tạm nhập, tái xuất của Phạm Hữu Thuật (bị cáo trong vụ án) để hợp thức việc chuyển tiền. Các bị cáo nhờ pháp nhân là Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ xuất nhập khẩu Đại Phát và Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh thương mại và Xuất nhập khẩu Đại Phát để hoàn thiện thủ tục.
Theo thỏa thuận, Thuật bán cho Nguyệt hồ sơ tạm nhập tái xuất với giá 30-40 triệu đồng. Còn Nguyệt gửi thông tin công ty nhận tiền, mẫu dấu, chữ ký giám đốc công ty để hoàn thiện hợp đồng tạm nhập hàng hóa. Để có hàng hóa, hai bị cáo góp tiền mua hàng là các linh kiện điện tử - IC điều khiển tại Trung Quốc, làm thủ tục tạm nhập qua cửa khẩu Móng Cái rồi tái xuất sang Trung Quốc và sau đó chuyển lại cho Thuật.
Thuật mở 40 tờ khai tạm nhập tái xuất hàng hóa với tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu là 52,3 triệu USD. Tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu là 52,3 triệu USD. Bị cáo sử dụng các pháp nhân trên để thanh toán quốc tế 48/49 hợp đồng tại 3 ngân hàng, chuyển ra nước ngoài 2.513 tỷ đồng.
Ngoài ra, các bị cáo còn sử dụng pháp nhân Công ty TNHH một thành viên Thương mại và Du lịch xuất nhập khẩu BDA và nhờ người quen đứng tên công ty để hợp thức hóa các hợp đồng tạm nhập, tái xuất nhằm chuyển tiền trái phép từ Việt Nam ra nước ngoài. Mỗi lượt làm thủ tục, Thuật khai nhận được hưởng lợi 10 triệu đồng.
Kết quả điều tra xác định, thông qua 3 doanh nghiệp nêu trên, Thuật và Nguyệt đã chuyển hơn 3.875 tỷ đồng ra nước ngoài và hưởng lợi 152 triệu đồng...
Sau khi nắm bắt được thủ đoạn và cách thức chuyển tiền trái phép, năm 2017, Nguyệt bàn với chồng để “làm ăn lớn”. Vợ chồng Nguyệt sau đó mượn chứng minh nhân dân của người thân trong gia đình để thành lập ra 8 công ty. Thực tế các pháp nhân này không có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Nguyệt và các đồng phạm đã sử dụng các pháp nhân “giả tạo” để ký hợp đồng kinh tế khống để mua hàng hóa là IC điện thoại thông minh của các công ty tại Singapore, rồi xuất bán cho các công ty tại Trung Quốc theo hình thức tạm nhập tái xuất để có tờ khai hải quan. Từ đó, các bị cáo lập hồ sơ chuyển tiền trái phép ra nước ngoài.
Theo cáo trạng, Tuấn đồng phạm với Nguyệt vận chuyển hơn 6.788 tỷ đồng và hưởng lợi 6,7 tỷ đồng. Nguyệt chỉ đạo em ruột là Nguyễn Văn Thắng (bị cáo trong vụ án) mua các linh kiện điện tử từ Trung Quốc với giá 200 triệu đồng rồi đóng thành 12 thùng có trọng lượng 5-6kg. Thắng đồng phạm với Nguyệt vận chuyển 30.498 tỷ đồng ra nước ngoài và hưởng lợi 410 triệu đồng.
Để quản lý dòng tiền nhận từ khách hàng, chuyển ra nước ngoài, Nguyệt giao cho Nguyễn Minh Khang, Nguyễn Văn Việt và các giám đốc công ty khác thực hiện việc rút, nộp và chuyển tiền.
Hợp thức các hợp đồng tạm nhập, tái xuất, Nguyệt chỉ đạo Nguyễn Thị Hà lập các hợp đồng kinh tế khống, sử dụng con dấu công ty nước ngoài để đóng lên các hợp đồng này. Hà còn ký giả tên giám đốc của các công ty nước ngoài để mở thủ tục hải quan, vận đơn chuyển hàng rồi làm thủ tục nhập khẩu lô hàng, trực tiếp nhận các lô hàng. Sau khi hợp thức và có đủ hồ sơ tạm nhập, tái xuất hàng hóa, Nguyệt và Tuấn trực tiếp thỏa thuận với khách hàng về tỷ giá quy đổi ngoại tệ và công chuyển tiền.
Số tiền của khách hàng được chuyển vào tài khoản cá nhân của Nguyệt cùng đồng phạm rồi chuyển lòng vòng vào tài khoản các công ty để thực hiện giao dịch quy đổi ngoại tệ và chuyển tiền ra nước ngoài. Có khách hàng lại chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản các công ty.
Nguyệt còn chỉ đạo Phạm Việt Hùng (bị cáo đồng phạm) soạn mẫu phụ lục hợp đồng nội dung bên bán hàng ủy quyền cho bên thứ ba nhận tiền thanh toán từ bên mua hàng để hợp thức việc chuyển tiền... Nguyệt và Tuấn còn liên hệ với các ngân hàng tại tỉnh Quảng Ninh và Lào Cai để thực hiện chuyển tiền dưới hình thức thanh toán quốc tế.
Kết luận điều tra xác định, tổng số tiền Nguyệt chuyển trái phép ra nước ngoài là hơn 30.498 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 30,4 tỷ đồng. Tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa, Nguyệt khai số tiền hưởng lợi được chi trả cho hoạt động công ty, mua hàng, vận chuyển hàng hóa và chi tiêu cá nhân hết.
Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của các bị cáo đã xâm phạm quản lý trật tự xã hội, kinh tế, gây thiệt hại cho Nhà nước, ảnh hưởng đến các cơ quan, tổ chức, gây bất bình cho nhân dân. Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Nguyễn Thị Nguyệt 7 năm 6 tháng tù về tội "Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới". Cũng với tội danh trên, Phạm Anh Tuấn bị tuyên phạt 5 năm tù. 11 bị cáo khác liên quan lần lượt bị Tòa án tuyên phạt từ 30 tháng tù (cho hưởng án treo) đến 4 năm tù giam cùng về tội "Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới".