''Thành phố Hồ Chí Minh cần xây dựng xã hội học tập thực chất, hiệu quả''
Giáo dục - Ngày đăng : 20:35, 25/08/2022
Những thành tích nổi bật
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu, trong năm học 2021-2022, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc dạy và học, nhưng ngành Giáo dục đã nhanh chóng thích nghi, triển khai nhiều cách làm mới phù hợp thực tế và gặt hái nhiều thành công.
Trong thời gian thành phố giãn cách toàn diện để phòng, chống dịch, ngành Giáo dục đã triển khai 100% các trường dạy và học trực tuyến với 100% giáo viên tham gia. Tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến đạt 97,12%.
Dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 tại thành phố đã diễn ra nghiêm túc, công bằng và an toàn, với tổng số thí sinh dự thi là 73.459 em, đạt tỷ lệ 86,33% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi. Tỷ lệ tốt nghiệp là 99,52%. Học sinh của thành phố cũng đoạt 1 Huy chương vàng Olympic Hóa học quốc tế và 1 Huy chương bạc Olympic Toán học quốc tế cùng nhiều giải trong và ngoài nước.
Về giáo dục nghề nghiệp, thành phố có 8/8 trường cao đẳng, trung cấp thực hiện công tác tự đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục. Có 6 trường với 32 ngành, nghề được phê duyệt ngành, nghề trọng điểm; trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Thành phố cũng duy trì tốt phong trào học ngoại ngữ, tin học và phát triển xã hội học tập ở tất cả các địa phương.
Nhân dịp này, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã trao tặng bằng khen cho 125 tập thể ngành Giáo dục đã có thành tích xuất sắc trong năm học 2021-2022.
Xây dựng xã hội học tập thực chất, hiệu quả
Trong năm học 2022-2023, ngành Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung thực hiện 14 nhiệm vụ. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh: “Ngành Giáo dục tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục công lập. Tạo điều kiện cho các nhà giáo, chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy tại các trường học ở thành phố”.
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đánh giá cao những nỗ lực vượt khó của ngành Giáo dục thành phố trong năm qua. Ngành Giáo dục thành phố đã thực hiện tốt tinh thần “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học” và đạt kết quả rất đáng khích lệ, đáng trân trọng.
Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế của ngành Giáo dục thành phố khiến có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của người dân. Đồng chí giao nhiệm vụ cho ngành Giáo dục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; quan tâm hơn nữa đến giáo dục mầm non; sớm khắc phục tình trạng quá tải, thiếu giáo viên tại một số trường ở bậc học phổ thông; nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, giúp đội ngũ thầy, cô giáo bảo đảm cuộc sống; thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập…
Đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, thành phố cần những con người học tập, có kỹ năng tự học... Vấn đề căn cốt là làm sao hình thành động cơ, niềm tin và hy vọng học để người dân hành động đúng, sẵn sàng lao vào học tập, không miễn cưỡng, không gượng ép, không học để lấy thành tích.
Về nâng cao hiệu quả công tác thi đua, góp phần nâng cao hiệu quả dạy và học, đồng chí Nguyễn Văn Nên chỉ đạo: “Ngành Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thi đua khen thưởng thực chất, trung thực, nói thật, làm thật và chấm điểm thật theo tiêu chí thật. Làm được như vậy, chúng ta sẽ gạn được những giả dối, chọn lại được những trung thực, từ đó nâng cao hiệu quả, chất lượng dạy và học”.